Người Việt tài trí: Người đứng riêng trong mỹ thuật Việt

03/03/2013 03:10 GMT+7

Từ Thánh Gióng - một tác phẩm tiêu biểu nhất của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, ta thấy rõ từ những âm hưởng mỹ thuật cổ, ông đã đạp mây bay lên.

Người Việt tài trí: Người đứng riêng trong mỹ thuật Việt
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - Ảnh: Nguyễn đình toán

Bức sơn mài Thánh Gióng của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trên nền đỏ hơi ngả đun nhưng không rực rỡ như sơn mài vẫn là những bước chân ngựa Gióng chồng lên nhau. Không gian ba chiều chỉ còn lại hai - đúng như cách các nghệ nhân dân gian đã thực hiện trên các mảng điêu khắc đình chùa. Trong sải bước ngựa vuông vức, còn thấy thấp thoáng yếu tố lập thể. Ngựa Gióng không quá bay bổng, khuôn mặt Gióng cũng không mang một nét đặc tả tính cách rõ ràng. Nhưng thần thái tự do, khỏe mạnh của vị thánh trẻ trên lưng ngựa thấy rất rõ.

“Trong những tác phẩm của cụ, như Con nghé quả thực, Thánh Gióng... chúng ta thấy sự kế thừa những gì tinh túy nhất của mỹ thuật cổ Việt Nam. Gia tài nghệ thuật của người Việt đã có cụ Nghiêm thừa hưởng”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói. Theo ông Đoàn, sự kế thừa này được thể hiện qua màu sắc, bố cục, những nét gấp gãy tiếp nhận từ tượng đình tượng chùa, và cả trống đồng Đông Sơn. Chính vì thế, tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm là gạch nối quan trọng mang tới hơi thở đương đại cho mỹ thuật cổ.

 
Nếu Nguyễn Tư Nghiêm là mệnh đề đứng riêng trong nghệ thuật hiện đại Việt Nam, thì đó là, bởi ông đã tự chối bỏ cả chính mình, để mặc cho sự cám dỗ bí mật và tôn thiêng của cái Đẹp luôn cuốn đi

  Thái Bá Vân

Hơi thở đương đại trong Thánh Gióng chính là hơi hướng lập thể. Tuy nhiên, sự lập thể của tranh cụ Nghiêm, theo ông Đoàn, không “đóng kín như ngày nó được Picasso hình thành”. Những yếu tố lập thể trong tranh cụ là sự đánh thức hội họa truyền thống, thấm nhuần tư tưởng phương Đông. Nhờ đó màu sắc trong tranh của cụ chuyển hóa như sự luân chuyển của tiết khí trong năm, chuyển khẽ và kiệm song đôi chỗ vẫn có sự đột ngột bất ngờ.

Nguyễn Tư Nghiêm đã sớm có cái thấm nhuần hơi thở dân tộc đó từ rất sớm. Theo nhiều nhà nghiên cứu, ngay từ những ngày học ở Trường Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ đã sớm “tách” mình khỏi cái chuyển hóa thiên nhiên một cách chính xác mà nhiều người lúc đó ngưỡng mộ. Trực cảm cá nhân của ông từ những ngày đó đã thể hiện khá rõ nét. Sự sáng tạo của ông càng được đất khi được học cùng với thầy Tô Ngọc Vân vào năm thứ 3. Đến mức, trong những câu chuyện trà dư tửu hậu sau này, các bạn học cùng khóa cho biết, Nguyễn Tư Nghiêm là học trò duy nhất mà thầy Tây lúc bấy giờ không bao giờ tiếc họa phẩm. Vào năm cuối, do sơn dầu thiếu, việc cấp sơn cho học trò luôn phải cân nhắc thì Nguyễn Tư Nghiêm lúc nào cũng được phát dư.

Con đường phi hiện thực

 
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922 trong một gia đình khoa bảng tại Nghệ An. Ông học và tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 14 (1941-1946), là bạn cùng lớp thân thiết với ông Bùi Xuân Phái.

Ông tham gia Cách mạng tháng Tám, rồi lên chiến khu Việt Bắc năm 1947. Sau đó ông trở thành giảng viên khóa mỹ thuật đầu tiên của trường do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng.

Những tác phẩm nổi tiếng của ông: Người gác Văn Miếu, Giao thừa bên hồ Gươm, Điệu múa cổ, Thánh Gióng, Con nghé quả thực, Mười hai con giáp, Kim Vân Kiều...

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trong đợt đầu tiên năm 1996.

Tuy nhiên, quan điểm sáng tạo này của Nguyễn Tư Nghiêm không phải lúc nào cũng gặp suôn sẻ. Chính vì thế, ông cũng bị “trục trặc” đôi chút khi lên tiếng về việc “trói” các họa sĩ chỉ theo một khuynh hướng nhất định. Điều này được nhà phê bình Thái Bá Vân nói lại trong một bài viết về ông. “Tôi biết ý kiến Nguyễn Tư Nghiêm phát biểu tại cuộc tranh luận hội họa ở Việt Bắc năm 1949 về tranh của một bậc đàn anh, khi chúng ta kiên quyết theo đuổi khuynh hướng nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Theo ông, họa sĩ này: dùng bàn tay đều đặn như một cái đồng hồ, vẽ cẩn thận rõ ràng như một cái máy đang quay, im lặng như một cái mặt đứng yên. Thoạt đầu thấy có những cử động, nhưng nhìn lâu ta hoài nghi, bật ra câu hỏi, đây là người thực phải không? Ta bỗng thấy bị lừa, có cái gì chết, giả tạo”, ông Vân viết.

Ý kiến bộc trực này bắt nguồn từ việc ông Nghiêm thấy rõ, trước đây, họa sĩ đàn anh nhìn cảnh thực nhưng vẽ hoàn toàn những ý nghĩa, những tưởng tượng của mình. Còn sau này, trái lại, ông bước sang sự thực và bước quá đà, tự ca tụng sự thực đến sùng bái sự thực. Điều này khiến ông Nghiêm thấy bất ổn. Sau này, một tác phẩm của ông Nghiêm bị lên án chính là sự đi tiếp quan điểm chống hiện thực trên. Đó là bức Con mèo sáu chân. Bức họa tuyệt đẹp này cũng khiến ông bị lên án và gặp khó khăn nhiều trong đời sống lẫn sáng tác.

Sau Con mèo sáu chân, những bức họa con giáp của cụ Nghiêm lại tiếp tục con đường phi hiện thực. Cũng trên con đường đó, sự tiếp xúc với vốn cổ của họa sĩ càng rõ hơn. Những con giống được thể hiện theo quan niệm âm dương ngũ hành. Tranh con ngựa chủ màu đỏ vì hành Hỏa. Tranh con gà mang hành Kim, lấy màu trắng làm chủ. Kỹ thuật tạo hình mang nhịp điệu, họa tiết của hoa văn đồ gốm Lý - Trần rõ nét.

Về sự tiếp thu và chuyển hóa văn hóa cổ của ông, ông Thái Bá Vân viết: “Gặp Nguyễn Tư Nghiêm, ta có thể tin cái tuyệt đối này: bản chất của nghệ thuật, từ hang động đến thế kỷ tin học, từ Đông sang Tây, từ Phi sang Mỹ và châu Đại Dương là một. Không một nền nghệ thuật, một thế kỷ nghệ thuật hay một nghệ sĩ nào là hòn đảo trơ trọi cả. Và cái tương đối này, sự tiếp biến và điều hòa văn hóa là hiển nhiên, ngày càng được con người tôn trọng”.

“Nếu, Nguyễn Tư Nghiêm là mệnh đề đứng riêng trong nghệ thuật hiện đại Việt Nam, thì đó là, bởi ông đã tự chối bỏ cả chính mình, để mặc cho sự cám dỗ bí mật và tôn thiêng của cái Đẹp luôn cuốn đi”.  

 Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.