Người Việt tài trí: Người thầy của các thầy

28/04/2013 03:25 GMT+7

Khi còn sống, GS Đặng Văn Chung được coi là người đứng đầu ngành nội khoa trong khi người bạn thân của ông - GS Tôn Thất Tùng - đứng đầu ngành ngoại khoa.

Người Việt tài trí: Người thầy của các thầy
Giáo sư Đặng Văn Chung - Ảnh: Trinh Nguyễn Chụp lại tư liệu của Trung tâm di sản các nhà khoa học

GS Phạm Gia Khải, nguyên chủ nhiệm khoa Tim mạch, giờ đã quá tuổi 70. Nhưng ký ức về người thầy cách đây nửa thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn. Ngày đó, ông Khải được theo dõi một bệnh nhân trông rất hồng hào khỏe mạnh, xung quanh lúc nào cũng cơ man đồ ăn sắp sẵn. Quá lạ so với những người ốm yếu gầy gò xung quanh. Nhưng không cho anh ăn liên tục không được, vì chỉ cần đói một chút mà không kịp ăn, ngay lập tức bệnh nhân sẽ sùi bọt mép. Năm đó là 1961, ông Khải nhớ lại.

Sau đó, dưới sự hướng dẫn của GS Chung, ông Khải dần dần suy luận rồi chẩn đoán bệnh nhân đó không bị tâm thần. Anh bị động kinh do hạ đường huyết, nhiều khả năng do u tụy nội tiết. Khối u nhỏ tới mức chụp X-quang không thấy, sau này được GS Tôn Thất Tùng phẫu thuật. Nó cũng khó tìm tới mức, theo chuyện kể lại, GS Tùng đã tưởng mình phải đóng bụng bệnh nhân lại mà không tìm được u. Tuy nhiên khi thấy nó, ông đã thốt lên suýt nữa mình trách oan GS Chung.

 
Tôi không thể yên tâm mổ tim mà không có chẩn đoán của GS Đặng Văn Chung

  GS Tôn Thất Tùng

Một học trò khác của ông, GS Nguyễn Khánh Trạch, nguyên Trưởng bộ môn Nội, Đại học y Hà Nội nhớ lại: “GS Đặng Văn Chung từng nói đừng quá tin vào máy móc. Chẩn đoán phải dựa trên những dấu hiệu sát thực, chính xác, đầy đủ nhất. Không được dựa trên cảm giác, cảm tính. Phải bám sát theo dõi bệnh nhân đến cùng”.

Ngày nay, những bệnh khó như hạ đường huyết do suy tụy, cao huyết áp do u tủy tuyến thượng thận hay đau tủy xương vẫn phải nhờ đến xét nghiệm hiện đại mới chẩn đoán được. Thế nhưng, GS Chung từng bắt trúng những căn bệnh đó chỉ với những xét nghiệm thông thường kết hợp lâm sàng. Nếu GS Tôn Thất Tùng đã mổ tim trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn thì GS Chung là người đã chẩn đoán những ca tim đó trong hoàn cảnh xét nghiệm khó khăn tương tự. Đến mức GS Tôn Thất Tùng đã từng nói: “Tôi không thể yên tâm mổ tim mà không có chẩn đoán của GS Đặng Văn Chung”.

Chính vì thế, GS-TS Trạch từng so sánh: “Ở Đức, có hai nhà thơ rất nổi tiếng là Goethe và Schiller. Người ta đã đúc hai bức tượng của hai ông to bằng nhau, cao bằng nhau, nặng bằng nhau. Ở nước ta trong lĩnh vực y học, tôi cũng nghĩ có hai con người rất nổi tiếng và rất đáng kính trọng là GS Tôn Thất Tùng - nhà ngoại khoa và GS Đặng Văn Chung - một nhà nội khoa, hai ngành chủ chốt của y học Việt Nam”.

Không có bệnh mà chỉ có con người mắc bệnh

Sau này, trong một bài báo, nhà báo Hàm Châu nêu lịch làm việc của GS Chung tại Bệnh viện Bạch Mai. Thứ hai: tim - mạch. Thứ ba: hô hấp. Thứ tư: nội tiết. Thứ năm: máu và cơ, xương khớp. Thứ sáu: thận tiết niệu. Thứ bảy: tiêu hóa. Để có được kiến thức trên tất cả các lĩnh vực đó, ngoài đọc sách, khám bệnh, ông cũng là GS nội khoa mổ hàng ngàn tử thi. Mổ để xác định và kiểm tra những thiếu sót trong chẩn đoán, điều trị. 

GS Chung cũng ủng hộ các học trò đi vào các phân khoa, để đi sâu hơn về chuyên môn. Nhờ đó, từ Bệnh viện Bạch Mai có các nhánh tách ra như Viện Tim mạch,  Khoa Xương khớp… “Điều đó cho thấy tầm nhìn rất rộng của thầy, nó giúp anh em chúng tôi có thể xây dựng được các ngành chuyên môn của mình”. Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, GS Đỗ Doãn Đại nhớ lại.

Mỗi tuần, học trò của GS Chung có một buổi trình bày và thảo luận lâm sàng. Trong những buổi học đó, GS Chung uốn nắn học trò cách làm bệnh án, cách tiến hành chẩn đoán, lý do chỉ định các xét nghiệm cần thiết, xét nghiệm cơ bản. “Với phương pháp đó, dần dần chúng tôi không bị lệ thuộc quá nhiều vào lý thuyết. Chúng tôi cũng thấy chính người bệnh mới là nguồn cung cấp các dữ kiện. Từ đó lý thuyết bệnh học càng phong phú thêm mãi. Đúng như câu các thầy đã nói: không có bệnh mà chỉ có con người mắc bệnh”, GS Khải nhớ lại. 

GS Đặng Văn Chung (1913-1999) quê ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Tốt nghiệp một trường tây có tiếng chỉ tuyển học trò giỏi tại Sài Gòn, ông thi đậu vào Đại học Y dược Hà Nội. Tại đây ông trở thành bạn thân của GS Tôn Thất Tùng, cùng thi đỗ nội trú.

Sau giải phóng thủ đô, GS Đặng Văn Chung được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, kiêm Chủ nhiệm khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai. Ông đã soạn nhiều bộ giáo trình đại học như Bệnh học nội khoa, Điều trị học. Ông còn đồng biên soạn cuốn Tra cứu y dược. Đó là những bộ sách được dạy trong các trường y của nước ta.

Bên cạnh đó, ông còn viết những cuốn sách phổ biến kiến thức y học dành cho công chúng rộng rãi. Chúng được viết như những lời tâm tình, khuyên nhủ dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Ông cũng chính là người đề xuất sinh viên trường y ra trường phải học thuộc lời thề Hippocrate để trau dồi y đức.

Năm 2000, GS Đặng Văn Chung đã được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ cho “Cụm công trình nghiên cứu nội khoa”.

Kiều Trinh

>> Người Việt tài trí: Người đứng riêng trong mỹ thuật Việt
>> Người Việt tài trí: Giáo sư Penicillin
>> Người Việt tài trí: Người không sợ thất bại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.