Đội ngũ cán bộ đông nhưng không mạnh, vừa thừa vừa thiếu

Lê Hiệp
Lê Hiệp
30/06/2018 10:24 GMT+7

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư, khẳng định như vậy khi đánh giá tổng thể thực trạng cán bộ và công tác cán bộ hiện nay tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội nghị T.Ư 7, khóa XII.

Hội nghị, do Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức ngày 29.6, tại Hà Nội.
Đến 2020 kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền
Là người giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 26 “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, ông Phạm Minh Chính khẳng định, sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng không mạnh, tình trạng vừa thiếu, vừa thừa xảy ra tại nhiều nơi. Ông Chính dẫn chứng: Trong 10 năm qua, số lượng cán bộ, công chức, viên chức tăng gấp đôi, làm chi thường xuyên tăng nhanh. Hiện nay, chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi ngân sách, chi cho con người là 52,8%. Cơ cấu đội ngũ giữa các ngành nghề chưa hợp lý, thiếu sự liên thông giữa các cấp, ngành, nhiều ngành thiếu nhưng nhiều ngành lại thừa; độ tuổi bình quân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở một số ban, ngành, địa phương và trong lực lượng vũ trang còn cao.
Dân số tăng 20%, số lượng cán bộ tăng 100%
Theo số liệu tại hội nghị, năm 1997 có 1.351.900 cán bộ, công chức, viên chức trong khi dân số khoảng 77 triệu người. Năm 2017, có 2.726.917 cán bộ, công chức, viên chức (tăng 100%) trong khi dân số khoảng 92 triệu người (chỉ tăng 20% so với năm 1997).

Trưởng ban Tổ chức T.Ư cũng thẳng thắn chỉ ra một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thoái hóa, biến chất. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, gia trưởng, quan liêu, xa dân; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước tính Đảng yếu, suy thoái, lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, làm thất thoát vốn, tài sản của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. “Trong 10 năm qua, đã có hàng ngàn vụ vi phạm, xử lý hàng ngàn cán bộ, đảng viên trong các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc”, ông Chính nêu.
Cũng theo ông Chính, Nghị quyết số 26 được thông qua tại Hội nghị T.Ư 7 đã đề ra quan điểm, mục tiêu cụ thể về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Theo đó, mục tiêu tới năm 2020 sẽ hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy, cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương… Đến năm 2030, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Khắc phục bệnh “lười” học nghị quyết
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, khẳng định các nghị quyết được Ban Chấp hành T.Ư thông qua, là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, đề cập tới những vấn đề lớn, hệ trọng, cấp bách trước mắt, vừa cơ bản, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, tác động to lớn, sâu rộng, trực tiếp đến đời sống, tâm tư của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Từ đó, ông Vượng đề nghị các đại biểu nghiên cứu sâu nội dung nghị quyết và các bài phát biểu của Tổng bí thư tại Hội nghị T.Ư lần thứ 7, để nhận thức đúng, đầy đủ tính chất, ý nghĩa, tầm quan trọng của từng nghị quyết.
“Sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng, đoàn thể phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch, tổ chức tốt việc triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền, giới thiệu 3 nghị quyết cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương, đơn vị mình. Quá trình tổ chức học tập, tuyên truyền nghị quyết phải coi trọng tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng. Kiên quyết khắc phục bệnh lười học nghị quyết, học tập hình thức, đối phó”, ông Vượng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, trong quá trình tổ chức học tập nghị quyết, cần kiên quyết đấu tranh với những ý kiến không mang tính xây dựng, những quan điểm sai trái, thù địch.
Kết luận tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, cho biết đã có 400.000 đại biểu tại 2.700 điểm cầu trực tuyến tham dự hội nghị học tập và quán triệt nghị quyết, nhiều tỉnh, TP đã nối đường truyền tới tận cấp huyện và xã giúp việc lan tỏa lớn và nhanh hơn. Nhắc lại lưu ý của ông Trần Quốc Vượng về việc khắc phục bệnh lười học nghị quyết, ông Thưởng cho rằng việc lười học Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị. Vì vậy, Đảng ủy các cấp tiếp tục tổ chức, học tập quán triệt các nghị quyết ở địa phương, đơn vị, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện và bố trí thời gian hợp lý, thỏa đáng để thảo luận, xác định giải pháp cụ thể, có lộ trình thích hợp, nguồn lực bảo đảm, phân công trách nhiệm rõ ràng, nỗ lực và quyết tâm hành động để đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Số lượng sĩ quan cấp tướng trong LLVT tăng nhanh
Số liệu tại tài liệu hội nghị cho biết, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (LLVT) tháng 5.1975 có 92 người (quân đội có 90 người, công an có 2 người); tháng 6.1997 có 298 người (quân đội 284 người, công an 14 người); hiện nay có 627 người (quân đội 380 người; công an 247 người). Theo quy định của luật, có 606 người (401 quân đội, 205 công an). Riêng số lượng tướng công an trong 20 năm qua tăng hơn 17 lần; biên chế toàn ngành trong 10 năm qua tăng bình quân gần 10.000 người/năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.