Chính trường Mỹ bế tắc

Bảo Vinh
Bảo Vinh
11/01/2019 08:36 GMT+7

Chính phủ Mỹ có nguy cơ trải qua đợt đóng cửa dài nhất trong lịch sử vì căng thẳng giữa Tổng thống Donald Trump và các lãnh đạo quốc hội ngày càng gay gắt.

Hôm qua, Tổng thống Trump và các lãnh đạo quốc hội Mỹ có cuộc họp tại Nhà Trắng nhằm tìm giải pháp cho tình trạng bế tắc kéo dài liên quan đến việc xây tường biên giới và ngân sách chi tiêu mới để chính phủ hoạt động lại hoàn toàn. Tuy nhiên, theo lời kể của những người tham dự, cuộc họp kết thúc chóng vánh vì không bên nào chịu nhượng bộ. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho hay Tổng thống Trump đã giận dữ “đập tay xuống bàn và tuyên bố không còn gì để thảo luận” rồi bỏ ra ngoài sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi từ chối thông qua ngân sách để xây bức tường biên giới. “Một lần nữa chúng ta chứng kiến cơn thịnh nộ vì ông ấy không thể có được điều mình muốn”, theo AP dẫn lời ông ông Schumer.
[VIDEO] Hàng không Mỹ lo lắng nguy cơ an toàn, an ninh vì chính phủ đóng cửa, nhân viên không được trả lương
Trong khi đó, các đại diện đảng Cộng hòa tại phòng họp, gồm Phó tổng thống Mike Pence, bác bỏ thông tin Tổng thống Trump đập bàn và chỉ trích thái độ của phe Dân chủ là “đáng xấu hổ”. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy cho biết ông Schumer và bà Pelosi một mực yêu cầu mở cửa chính phủ trước rồi mới đàm phán về việc xây tường. Theo hạ nghị sĩ McCarthy, khi ông Trump hỏi liệu sẽ có được kinh phí để xây tường biên giới nếu đồng ý mở cửa chính phủ trong 30 ngày tới hay không thì bà Pelosi quơ tay bác bỏ, khiến chủ nhân Nhà Trắng chấm dứt cuộc họp. Tổng thống Trump sau đó cho biết đã nói “tạm biệt” và rời khỏi phòng họp vì cho rằng đang lãng phí thời gian khi yêu cầu của ông không được chấp nhận. BBC dẫn kết quả khảo sát mới cho thấy 51% người Mỹ quy trách nhiệm cho ông Trump về việc chính phủ đóng cửa, nhưng 77% cử tri Cộng hòa ủng hộ chủ nhân Nhà Trắng tiếp tục yêu cầu xây tường biên giới.
[VIDEO] Nghị sĩ Dân chủ đem "rác Trump" đến Nhà Trắng phản đối việc đóng cửa chính phủ
Cũng trong hôm qua, Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát thông qua dự luật ngân sách chi tiêu để một số cơ quan có thể hoạt động trở lại nhưng dự kiến không được Thượng viện cũng như Tổng thống Trump phê chuẩn. Trước tình trạng bất đồng giữa Nhà Trắng và quốc hội, cụ thể là phe Dân chủ, khiến chính phủ đóng cửa một phần, khoảng 800.000 nhân viên liên bang dự kiến sẽ không nhận được lương đúng hạn vào hôm nay 11.1. Hơn nữa, nếu bế tắc kéo dài đến hết tuần này thì đây sẽ là lần đóng cửa lâu nhất trong lịch sử chính phủ Mỹ, theo CNN. Một khả năng khác được nhắc đến là Tổng thống Trump có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép ông sử dụng ngân sách quốc phòng để xây tường mà không cần sự đồng ý của quốc hội. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders hôm qua cho biết lựa chọn này “vẫn còn nằm trên bàn” dù giới quan sát nhận định nếu được thực hiện, động thái trên sẽ mở màn cho một cuộc chiến pháp lý giữa tổng thống và quốc hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.