Nơi quá tải, nơi vắng bệnh nhân là thực tế đang diễn ra tại các cơ sở y tế của Hà Nội.
Hôm 14.12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi thị sát hiện trạng y tế Hà Nội. Sau khi thăm và làm việc tại Trạm y tế Cầu Diễn và Trung tâm y tế H.Từ Liêm, 11 giờ trưa Bộ trưởng đến Bệnh viện (BV) Xanh Pôn. Ngay tại sảnh chờ khám của BV, một trong số nhiều người lớn tuổi đang chờ đợi cho biết đã chờ từ 5 giờ sáng nhưng chưa được khám bệnh. Bác Chu Văn Lan, nhà ở Phố Đội Cấn cho biết có phiếu khám số 28 nhưng chờ từ 6 giờ sáng vẫn chưa đến lượt. Tại đây, người khám bệnh phải lấy tích kê xếp hàng, trong khi nhiều BV đã làm thủ tục chờ khám bằng vé điện tử, thứ tự được thông báo công khai.
Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc BV Xanh Pôn cho biết, BN điều trị nội trú tại đây luôn quá tải 120%-150%. BV xây dựng từ hơn 100 năm nên quá chật chội. Mỗi năm BV thu 210 tỉ đồng, trong đó 170 tỉ từ ngân sách, viện phí và bảo hiểm y tế, 40 tỉ từ dịch vụ và nguồn thu khác nhưng vẫn khó khăn. Việc chưa thể bố trí khám bằng bảng điện tử cũng vì thiếu kinh phí.
|
Bà Kim Tiến cho biết: “Thiếu đất để mở rộng BV là tình trạng chung của các BV công lập ở các thành phố lớn. Khách sạn, resort mọc lên ầm ầm trong khi BV hạng 1 như Xanh Pôn vẫn chật tới mức không có cả khoa Cấp cứu, phải ghép chung với Hồi sức”. Theo bà Tiến, “vấn đề vẫn là cơ chế, mà cơ chế thì cũng là tiền. Thành phố cho quỹ đất nhưng không có tiền giải phóng mặt bằng thì không lấy được đất xây bệnh viện”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kim Tiến cũng cho rằng, trong khi chờ xây thêm cơ sở 2, lãnh đạo BV Xanh Pôn cần xem xét lại khâu đón tiếp, sàng lọc bệnh nhân hợp lý hơn. “Nếu phải nhịn ăn sáng, lấy máu xét nghiệm mà chờ như vậy thì BN chắc xỉu. BV Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh có khoảng 6.000-8.000 bệnh nhân/ngày, gấp 3-4 lần BV Xanh Pôn nhưng BN không phải chờ lâu đến thế”, Bộ trưởng nói.
Một nghịch lý cũng đang tồn tại ở các cơ sở y tế Hà Nội là nơi thừa, nơi vắng BN. Bộ trưởng Kim Tiến cho biết, khi thăm Trạm y tế (TYT) thị trấn Cầu Diễn, đơn vị đạt chuẩn quốc gia, có bác sĩ chuyên khoa 1 phụ trách nhưng từ đầu năm đến nay mới khám chữa bệnh cho khoảng 4.000 bệnh nhân, hầu hết là chăm sóc bệnh nhân mãn tính. Chỉ có 5 ca vào cấp cứu, điều trị bệnh. Có khi 10 ngày không có bệnh nhân mới.
Tại buổi làm việc của Bộ trưởng với UBND TP.Hà Nội chiều qua, ông Nguyễn Khắc Hiền, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cũng nêu rõ bất cập của y tế Hà Nội. “Quá tải BV tại Hà Nội chủ yếu ở một số bệnh viện tuyến trên vì còn khoảng cách chuyên môn giữa y tế tuyến huyện với thành phố nên người dân thường vượt tuyến điều trị”. Ông Hiền vẫn cho rằng, sự quá tải của Hà Nội không trầm trọng như TP. Hồ Chí Minh, bệnh nhân mới chỉ nằm hành lang chứ chưa đến mức nằm... gầm giường!.
Theo ông Hiền, năm 2011 thành phố đã dành 789 tỉ đồng cho xây dựng, nâng cấp BV. Đang có 28 dự án xây dựng BV ngoài công lập. Từ nay đến 2015 sẽ có thêm khoảng 4.000 giường bệnh, khi đó, Hà Nội sẽ đạt 20 gường bệnh/1 vạn dân. Kế hoạch phát triển y tế HN đến 2010 tầm nhìn 2025, sẽ xây dựng 5 tổ hợp y tế đa năng tại Gia Lâm, khu vực Láng - Hoà Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Sơn Tây với quy mô từ 50 đến 200 hecta.
Ông Hiền cam kết: “Trong năm 2012, Sở sẽ rà soát thủ tục hành chính để giảm thời gian chờ đợi của người khám bệnh tại một số BV”. Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng khẳng định: Hà Nội sẽ không chỉ là giảm tải BV mà còn phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Cùng với nâng cấp các bệnh viện đang có, TP sẽ xây dựng cơ sở điều trị mới tại ngoại thành.
Liên Châu – Thúy Anh
Bình luận (0)