Cho con có tên với đời

08/03/2012 03:50 GMT+7

Làm hết sức để bứt đứa con ra khỏi số phận u ám, đấu tranh để con có “giấy thông hành vào đời” là tấm CMND như bao công dân khác... Đó là cả hành trình nhọc nhằn, đầy hy sinh của những phụ huynh có con em mắc hội chứng Down, trong đó có bà Nguyễn Thị Trinh - mẹ của em Lê Ngọc Thành (19 tuổi, thường trú P.11, Q.3, TP.HCM).

Làm hết sức để bứt đứa con ra khỏi số phận u ám, đấu tranh để con có “giấy thông hành vào đời” là tấm CMND như bao công dân khác... Đó là cả hành trình nhọc nhằn, đầy hy sinh của những phụ huynh có con em mắc hội chứng Down, trong đó có bà Nguyễn Thị Trinh - mẹ của em Lê Ngọc Thành (19 tuổi, thường trú P.11, Q.3, TP.HCM).

“Lúc con tôi 3 tháng tuổi, bác sĩ chính thức thông báo cháu bị bệnh Down. Tôi quỵ xuống tại nơi khám bệnh khóc như mưa” - bà Trinh nhớ lại giai đoạn khủng hoảng nhất xảy ra với bà cũng như với các thành viên trong gia đình.

Những ngày sau đó, mỗi khi đi bán hàng ở chợ, nếu tình cờ bắt gặp đứa trẻ nào “khù khờ”, bà Trinh lập tức dọn hàng trở về. Bởi, hình ảnh đứa bé đó lại cứa vào vết thương lòng đau đớn mà bà muốn tránh né. Nhiều lúc, bà cay nghiệt tự oán trách mình: Chắc kiếp trước mình ở ác quá nên kiếp này mới phải trả giá như vậy.

 
Niềm vui của mẹ con bà Trinh - Ngọc Thành lúc Thành thi đấu bocce ngày 4.3 tại giải thể thao người khuyết tật 2012 - Ảnh: N.Lịch

“Trong cơn cùng cực, tôi chợt nghĩ rằng mình làm mẹ mà gục ngã thì con mình sẽ ra sao? Trên đời này, có những con vật còn biết làm xiếc nhờ được huấn luyện, huống chi con mình là người mà mình lại bó tay?” - người mẹ này trăn trở.

Kể từ đó, hầu như bất cứ nơi nào có hội thảo nói về trẻ khuyết tật, nhất là trẻ thiểu năng trí tuệ là bà Trinh đều tìm tới. Bà cũng đưa con đến rất nhiều trường học, trung tâm để tìm cơ hội hòa nhập cho con. Hơn 10 năm nay, Ngọc Thành là học sinh của Trung  tâm bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM.

Bà Trinh bộc bạch: “Nan giải nhất là tìm nơi sinh hoạt, giải trí phù hợp hoàn cảnh của cháu. Tôi đã gõ cửa nhiều nơi và thất vọng cũng nhiều. Đến khi xin cho cháu vô được lớp võ dạy Aikido miễn phí (do cô Nguyễn Thị Thanh Loan, Trưởng bộ môn Aikido thuộc Hội Võ thuật người khiếm thị TP.HCM phụ trách - PV), mẹ con tôi như đang chết đuối gặp được cái phao”.

Thông qua sự kết nối, vận động của cô Thanh Loan, em Ngọc Thành và nhiều trẻ thiểu năng trí tuệ, trẻ khiếm thị khác còn có điều kiện học bơi, làm quen với môn bocce (bóng gỗ). Gần 2 năm qua, bà Trinh hầu như dành hết quỹ thời gian của mình để chăm sóc, đưa đón Ngọc Thành đến với những hoạt động ngoài xã hội.

“So với trước, Thành đã tiến bộ rất nhiều. Cháu rất lễ phép với người lớn, thương em và biết phụ mẹ làm một số việc. Đặc biệt, Thành rất có ý thức thực hiện và nhắc nhở mọi người trong nhà tiết kiệm điện...”, bà Trinh khoe.

Còn nhớ, cách đây khoảng một năm, bà Trinh cùng một số gia đình khác đã nhờ phóng viên Báo Thanh Niên lên tiếng can thiệp để những đứa con mắc hội chứng Down của họ có được tấm CMND. Trong khi một số phụ huynh khác tỏ ra chán nản định bỏ cuộc bởi sự “làm khó” ban đầu của một số cán bộ thì bà Trinh luôn là người đi tiên phong, quyết liệt đeo bám sự việc đến cùng. Và, nỗ lực của bà cuối cùng đã được đền đáp: Giữa tháng 5.2011, hai em Ngọc Thành và Thích Cẩm Nguyên (20 tuổi, Q.3, TP.HCM) đã được cấp CMND. Hơn nữa, từ sự việc này, một cán bộ công an phụ trách về CMND tại TP.HCM đã hứa sẽ xem xét, tạo điều kiện để cấp CMND nhằm bảo đảm quyền công dân theo quy định của pháp luật cho những trường hợp bị bệnh Down, thiểu năng trí tuệ (Báo Thanh Niên đã phản ánh qua loạt bài Người Down bị hành CMND, Trên dưới chưa thôngNgười Down đã được cấp CMND lần lượt trong các số ra ngày 10.3, 3.4 và 18.5.2011).

Bà Trinh tâm tình: “Tôi được biết nhờ có chứng minh thư, cháu Nguyên đã làm passport đi nước ngoài chữa bệnh và du lịch. Còn với cháu Thành, CMND như là “giấy thông hành” rất cần thiết cho cháu vào đời và tìm việc làm. Đặc biệt, CMND chính là sự công nhận của xã hội đối với những người như cháu Thành, khẳng định các cháu cũng có quyền công dân như bao nhiêu người khác!”.

Chương trình  “Cám ơn mẹ đã tin tưởng con” do Procter & Gamble Việt Nam tài trợ nhằm mục đích nâng cao hiểu biết của cộng đồng về Special Olympics và kêu gọi những người mẹ sử dụng thể thao Special Olympics để giúp con nâng cao sức khỏe và hòa nhập cộng đồng.

Bạn cùng P&G ủng hộ Special Olympic bằng cách:

- Tham gia rước đuốc online trên trang www.camonmedatintuongcon.com.

 - Khi bạn mua sản phẩm của P&G tại hệ thống siêu thị Metro, P&G sẽ trích một phần doanh số để đóng góp cho Special Olympic.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.