TNO

Chớ lúng túng khi ăn bánh cúng

15/09/2014 17:30 GMT+7

(iHay) Cái tên thoạt nghe dễ hiểu lầm nhưng thật ra, bánh làm để ăn chứ nào phải đâu để 'cúng'.

(iHay) Một lần dẫn cô bạn về quê chơi, mẹ tôi bưng ra rổ bánh nóng hổi để mời. Thấy hấp dẫn, cô nhón thử một cái. Tôi nói bánh cúng đó, cô ấy liền rụt tay, nhìn vẻ dò xét.

>> Thơm nức bánh thuẩn mới ra lò

Bánh cúng– khi ăn chớ lúng túng 1
Bánh cúng mới nghe qua dễ khiến người ta hiểu lầm nhưng thật ra, bánh ấy làm để ăn chứ nào phải đâu để 'cúng'

Cái tên “quê kiểng” của bánh được người dân đồng bằng sông Cửu Long đặt cho bởi nó vốn là loại bánh dùng để cúng trong dịp tết Đoan Ngọ. Nhưng hễ lúc nào muốn ăn là người ta lại làm, chẳng phải để cúng kiếng gì.

Có lẽ, trong số các loại bánh quê thì bánh cúng là loại bánh dễ làm nhất. Nguyên liệu để làm bánh gồm có bột gạo, đường cát, nước cốt dừa, nước cốt lá dứa. Mà để có bột gạo ngon thì phải chọn loại gạo nở, đem ngâm mềm rồi xay nước bột chứ mua bột khô về làm thì đảm bảo không ngon. Bột làm bánh pha với đường, cốt dừa, lá dứa sao cho múc từng vá đổ xuống thấy sanh sánh là được.

Tới phần chuẩn bị lá gói mới là đặc biệt. Ngày xưa, lúc còn nhỏ, mỗi lần tôi thèm bánh cúng là má kêu tôi ra vườn, cắt lá chuối đem vào đi rồi má làm cho. Vì thế mà cách chọn lá, phơi lá hay quấn lá tôi rành lắm. Lá chuối xiêm (sứ) chọn những tàu già, chặt tươi rồi đem phơi nắng cho heo héo. Sau đó, xé lá thành từng tấm, bề rộng khoảng hơn một gang tay, lau bằng khăn ướt cho sạch, xếp chồng rồi quấn.

Để tạo thành những chiếc ống lá chuối chứa bột, phải dùng một thanh tre tròn, to cỡ ngón chân cái rồi quấn lá xung quanh sao cho các lớp lá xếp chồng lên nhau đẹp mắt. Tiếp theo, bịt một đầu lại, dùng dây chuối xé nhỏ cột chặt và cột thêm mấy mối quanh thân để đảm bảo các mép lá khép chặt rồi nhè nhẹ xoay chiếc ống, rút lá ra cho phẳng phiu.

Bột đã pha, cho vào chiếc ca có miệng nhọn rồi rót vào từng ống lá nhưng đừng đầy quá, chừa một phần để gấp mép lại rồi cột chặt. Cuối cùng, đem bánh hấp độ chừng 15 phút là chín.

Bánh cúng– khi ăn chớ lúng túng 3
Với tôi, bánh cúng có nhiều ý nghĩa hơn cả một món quà quê

Thường lúc bánh mới vớt ra, còn nóng thì ăn chưa ngon, phải để nguội hẳn cho bột “săn” lại, gỡ bánh không bị dính thì mới đạt. Bánh để nguội ăn giòn sần sật, có vị ngọt vừa phải của đường, vị béo của nước cốt dừa, thơm thơm của lá dứa và đặc biệt là thoảng mùi lá chuối hấp. Gỡ lá chuối ra, thấy nó vừa kịp áo một lớp xanh xanh diệp lục lên chiếc bánh xinh xinh, chỉ muốn cắn ngoàm một cái cho… đã đời.

Với tôi, bánh cúng có nhiều ý nghĩa hơn cả một món quà quê. Đó là chiếc bánh dành riêng cho những ngày nghèo khó. Những lúc tôi thèm ăn vặt, nhìn đi ngó lại thấy nhà chẳng có gì ngoài gạo sẵn bồ, dừa đầy sân, má tôi lại làm bánh cúng. Bây giờ, hễ lúc nào thèm bánh cúng là tôi lại về nhà. Bỏ chút công ngồi pha bột, rọc lá, hấp bánh là có thể ăn đã đời. Bánh cứ thế, vẫn ngon bình dị, mộc mạc như thuở nào.

Bánh cúng giờ ở quê tôi người ta cũng hay mang ra chợ bán. Thường bánh sẽ được bó thành từng chục, đặt bên cạnh mâm khoai, bánh bò, chè xôi cũng các món ăn vặt khác. Ai làm lao động chân tay nặng, ăn vội vài chiếc bánh cũng cảm thấy chắc bụng đến trưa.

 Diễm Thư

>> Bánh khọt Takoyaki
>> Ngon như bánh đập thịt luộc
>> Hấp dẫn bánh canh Nam Phổ xứ Huế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.