Chở Tết đến Trường Sa

18/01/2008 14:03 GMT+7

Không khí Tết đã theo con tàu vượt quãng đường hơn 400 km trên đại dương đến với Trường Sa. Anh em lính đảo bảo rằng, khi tàu cập bến, đó là lúc Tết đã đến, xuân đã về trên đảo.

Mong tàu hơn giao thừa

Mang hàng từ đất liền ra đảo đã khó, chuyển hàng từ tàu xuống đảo còn khó khăn hơn nhiều. Các đảo đều nằm trên một bãi cát rộng hàng chục km2. Khi thủy triều lên, bãi cạn ngập mênh mông trong sóng nước. Khi nước rút, các loại san hô hiện lên như một cánh cung xanh ngọc. Tàu thường phải thả neo cách đảo khoảng 1 km. Nước triều lên, các chiến sĩ mới kéo xuồng vận tải chở hàng vào doanh trại.

Không một đảo nào mà các chiến sĩ không phải ngâm mình trong nước biển, bước trên "bãi chông" san hô nhọn hoắt để kéo xuồng vào. Ở đảo Đá Lát, chiến sĩ đổ mồ hôi đẩy xuồng qua bãi cạn dài hàng cây số, đến Đá Đông phải chạy xuồng hàng tiếng đồng hồ trong gió cấp 7, rồi vào Trường Sa Đông, ngọn sóng cao như núi đập ầm ầm vào mạn tàu, cả nhà báo và lính đảo đều mệt phờ, nhưng dù khó khăn bao nhiêu, mỗi chuyến xuồng vào đảo nghĩa là Tết đã về.

Mỗi khi xuồng cập bến là một lần chúng tôi được sống trong cảm giác hân hoan, háo hức của lính đảo đón khách - một cảm giác rất lạ mà không nơi nào trên đất liền có được. "Chúng tôi mong tàu đến còn hơn mong giao thừa. Tàu đến là có khách mang hơi đất liền ra. Có rau, có quà, đặc biệt là có thư bạn gái" - trung sĩ Bùi Trọng Luật ở đảo Đá Đông A vừa đẩy xuồng, vừa hồ hởi nói trong tiếng gió ù ù, tiếng sóng ì oạp. Đôi mắt chàng thanh niên 26 tuổi ấy ánh lên niềm vui rạo rực bất kể ống quần đẫm nước và trên mặt lấm tấm mồ hôi.

Khi tàu cập cảng đảo Trường Sa Lớn - thủ phủ của huyện đảo Trường Sa, một cảnh tượng tấp nập như một góc cảng Hải Phòng ở phía Bắc hay cảng Nhà Rồng ở phía Nam hiện ra giữa nơi trùng điệp trời mây sóng nước. Cần cẩu 3,5 tấn trên tàu do anh Phạm Văn Quang điều khiển, hoạt động hết công suất, cần mẫn đưa từng kiện hàng từ hầm lên cầu cảng. Trên đó, một đoàn dài các chiến sĩ dùng vai trần, dùng xe bò, xe công nông như một đàn kiến cần mẫn khuân hàng vào kho. Những cành mai được chiến sĩ nhảy hẳn xuống hầm "nâng như nâng trứng" rước lên cầu cảng, chuyển vào hội trường. Đó là biểu tượng của mùa xuân.

Khắp nơi, trên cầu cảng rộn rã tiếng cười, tiếng trò chuyện của người từ đất liền với người trên đảo. Thấy đàn lợn trên boong, một chiến sĩ cười thật tươi: "Có nhiều lợn thế này, anh em không cần thịt chó gói bánh chưng nữa rồi". Câu chuyện về thịt chó gói bánh chưng tưởng lạ nhưng đã thành một nét đặc trưng của một số đảo ở Trường Sa này. Chó là con vật thân thiết và cũng là nguồn thực phẩm tươi sống phổ biến trên đảo. Có đảo chìm chỉ rộng vài chục mét vuông cũng nuôi tới 20 - 30 con chó. Một số đảo nổi rộng hơn, số chó lên đến 50 - 60 con. Vì vậy, nếu Tết thiếu thịt lợn gói bánh, hoặc muốn tạo thứ bánh chưng đặc sản Trường Sa không "đụng hàng" với bất kỳ nơi nào trên đất liền, một số đảo dùng thịt chó cho vào nhân bánh.

Cơm Tết trên đảo

Tại đảo Đá Đông C, chúng tôi đã ăn bữa cơm với lính. Cơm đầy ắp thịt chó, cá bò, những món đặc sản ở đảo. Từ khi xuồng đến, mùi thịt chó đã bay lên thơm phức hòa trong gió biển. Để có bữa cơm thịnh soạn ấy, các chiến sĩ trên đảo đã phải lặn hàng giờ trên bãi san hô bắt cá bò bọc thép (loại cá bò chừng 2 - 3 kg có lớp vảy cứng hơn da bò, thịt cực dai và thơm) chờ đãi khách. Các chiến sĩ hồ hởi, lính quýnh chạy ra chạy vào. Đoàn Trung Thành, 23 tuổi, "trọ trẹ" giọng Quảng Bình: "Đây là bữa cơm Tết của tụi em đó vì hôm nay có rau xanh, có đủ gia vị từ đất liền. Mà hôm nay làm cơm đón đoàn, chúng em còn vui hơn Tết vì Tết ở đảo chỉ có anh em lính với nhau, ngày nào cũng từng đấy khuôn mặt. Lâu lắm chúng em mới được ăn bữa cơm với người đất liền ra đảo".

Thực phẩm, cỗ bàn là một phần tất yếu của Tết. Phần còn lại với các chiến sĩ là văn hóa văn nghệ. Đảo Trường Sa Đông đã chuẩn bị tổ chức một giải bóng chuyền giữa các phân đội chiến sĩ trên đảo để thi đấu tranh giải vô địch đảo. 35 cây đàn ghi-ta mới chuyển từ đất liền ra cũng sẽ làm cho đảo thêm vui trong ngày đầu năm mới. Mai vàng dù đã khô, không còn hoa cũng sẽ phải có hoa bởi bộ đội trên đảo cực kỳ khéo tay. Họ dùng giấy màu làm hoa giả nên việc cành mai dù khô cong có nở hoa vàng ruộm cũng chỉ là... chuyện nhỏ.

Dù khi ăn cơm hay lúc đón đoàn, trên các vị trí canh gác luôn có chiến sĩ cầm súng hướng ống nhòm ra biển. "Bất kỳ lúc nào, kể cả trong phút giao thừa thiêng liêng, anh em chiến sĩ chúng tôi cũng luôn chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo thân yêu. Qua Báo Thanh Niên, tôi muốn gửi đến gia đình, bạn bè và tất cả mọi người trong đất liền lời chúc một năm mới thật may mắn, bình yên" - đại úy Đồng Quang Tuyển - Đảo phó, Tham mưu trưởng đảo An Bang siết chặt bàn tay tạm biệt nhóm phóng viên rời đảo.

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.