Ngày 2.1.2009, Công ty cổ phần đầu tư - tư vấn xây dựng phía Nam (Soutecco) thành lập mới không có trụ sở làm việc nên được Tecco533 cho thuê lại một phần (tầng 1, tầng 2 và một phần tầng 3) căn nhà số 439A Phan Văn Trị, P.5, Q.Gò Vấp (TP.HCM) trong thời hạn 1 năm để làm trụ sở. Hết hạn hợp đồng, Tecco533 đồng ý gia hạn 1 năm đến hết ngày 31.12.2010.
|
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Trung Nhân, Giám đốc Tecco533, trong 2 năm thuê nhà Soutecco chưa một lần thanh toán tiền thuê, dù Tecco533 nhiều lần có văn bản nhắc nhở. Vì lý do này nên hết hạn hợp đồng lần 2, Tecco533 yêu cầu Soutecco trả mặt bằng cùng toàn bộ tiền thuê nhà trong 2 năm. Nhưng Soutecco phớt lờ. Bất ngờ hơn, trả lời bằng văn bản, đơn vị này còn cho rằng họ được thành lập “chuyển đổi nguyên trạng” từ chi nhánh Tecco533 tại TP.HCM. Và văn phòng tại số 439A Phan Văn Trị “do cán bộ công nhân viên chi nhánh Tecco533 cũ - là Soutecco hiện nay - góp sức lao động, tiết kiệm chi phí, vay vốn trung dài hạn để đầu tư” nên “muốn sử dụng nơi này làm trụ sở lâu dài” (!).
Vì sao cơ quan chức năng không can thiệp? Luật sư Nguyễn Thanh Lương, Văn phòng luật sư Liên Đoàn (TP.HCM), cho rằng quy định những trường hợp đòi nhà cho thuê có tranh chấp phải khởi kiện ra tòa để giải quyết là chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, gây bức xúc, ức chế cho những người cho thuê nhà. Bởi lẽ, luật quy định xét xử phải qua 2 cấp sơ - phúc thẩm, ít nhất để một vụ kiện đơn giản khép lại phải tính thời gian bằng... năm, đó là chưa nói những vụ việc phức tạp phải hủy án xử lại. Cơ chế này không khuyến khích người dân tôn trọng luật pháp, làm cho nhiều chủ nhà vì sốt ruột dẫn đến manh động hoặc phải chấp nhận những thỏa thuận ngoài luồng để lấy được nhà. Trong khi đó, ở một số nước chỉ cần không trả tiền thuê nhà là đã có cơ quan chức năng can thiệp. Trường hợp bên thuê nhà chây ì thì bị cưỡng chế ngay nếu bên cho thuê chứng minh được giấy tờ hợp pháp. |
Nhiều chuyện ngược đời
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, câu chuyện dở khóc của Tecco533 cũng không phải là trường hợp cá biệt. Chị Lan (có căn nhà cho thuê ở Q.7, TP.HCM) cũng bức xúc không kém: “Nhà thuộc sở hữu của mình cho một đơn vị ở Bình Dương thuê làm văn phòng, tiền thuê họ không trả mà còn ở lì ra đó, dù hợp đồng đã hết hạn. Thậm chí, tui cắt điện, cắt nước họ cũng không đi. Chính quyền biết mình đúng, họ sai nhưng bảo không có thẩm quyền giải quyết, phải kiện ra tòa. Thật là phi lý. Kẻ vi phạm pháp luật cứ ung dung ở đó”.
Cũng có trường hợp chủ nhà chọn giải pháp kiện bên thuê nhà ra tòa, nhưng lại cũng rơi vào hành trình gian nan khác. Đơn cử như vụ tranh chấp quyền thuê 3 căn nhà mặt tiền ở góc đường Võ Văn Tần - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3. Căn nhà này do vợ chồng ông P. cho thuê từ tháng 10.2003 với thời hạn 5 năm. Giá thuê ban đầu là 63 triệu đồng/tháng, tương đương 4.200 USD cho 3 căn. Chủ nhà đã nhận 50.400 USD tiền cọc. Nhưng đến tháng 10.2008, khi hết hạn hợp đồng thì ông P. không lấy nhà lại được. Chỉ đơn giản là phía bên thuê muốn “thuê tiếp trong 50 năm”. Vụ việc thậm chí đã được đưa ra tòa và đã qua nhiều phiên xử nhưng vẫn chưa có hồi kết. Mặc dù quyền sở hữu của chủ nhà được luật pháp công nhận bằng giấy trắng mực đen hẳn hoi nhưng người thuê vẫn cứ “sờ sờ đóng đô” ở đó.
Hay như vụ đòi nhà cho thuê ở số 15 Hậu Giang (Q.6) cũng kéo dài suốt 28 năm qua. Sau ba lần xét xử sơ thẩm, bốn lần phúc thẩm, ba lần giám đốc thẩm, vụ kiện quay trở về vạch xuất phát ban đầu, chờ xét xử sơ thẩm (!).
Lê Nga - Minh Nam
Bình luận (0)