Cho vay ngang hàng của Trung Quốc tràn vào Việt Nam

07/12/2020 06:20 GMT+7

Một số quốc gia trong khu vực đang tăng cường quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) khiến các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty Trung Quốc tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam.

Thuê người Việt làm đại diện

Theo dự thảo "Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế" do Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực hiện và đang được lấy ý kiến các bộ ngành, hiện tại Việt Nam có khoảng 100 công ty P2P lending (bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm). Trong đó, một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Nga, Singapore, Indonesia... và nhiều nhất là Trung Quốc.
Trên thực tế, nhiều app cho vay qua mạng sau khi bị điều tra thì ông chủ đứng sau là người Trung Quốc. Chẳng hạn vào giữa tháng 4 vừa qua, Công an TP.HCM đã khởi tố bắt tạm giam 5 bị can trong đường dây cho vay lãi nặng qua app với lãi suất lên 90%/tháng. Kết quả điều tra xác định, 3 công ty gồm Công ty TNHH dịch vụ tư vấn V., Công ty TNHH CNTT B.M.V và Công ty TNHH tư vấn tài chính Đ.P do hai người Trung Quốc tên là Li và Miao làm chủ nhưng thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, thành lập vào khoảng tháng 4.2019. Hai người này thuê 2 nhân viên quản lý là người Trung Quốc và thuê một số lao động Việt Nam làm phiên dịch, kế toán, nhân viên... Thủ đoạn chính của nhóm này là Li và Miao tạo ra các ứng dụng trên điện thoại di động để cho vay tiền mang tên “vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online”. Qua ứng dụng “Vaytocdo”, khách hàng được vay từ 1,7 - 2,75 triệu đồng nhưng với 1,7 triệu đồng, thực chất người vay chỉ nhận được 1,42 triệu đồng vì trừ phí dịch vụ hết 272.000 đồng.
8 ngày sau khi nhận tiền, người vay phải trả vốn lẫn lãi là 2,04 triệu đồng. Nếu trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt 102.000 đồng.
Còn vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online”, người vay chỉ được vay tối đa 1,5 triệu đồng và chỉ được nhận 900.000 đồng, 600.000 đồng là phí dịch vụ và tiền lãi trả trước của 1 tuần. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc là 1,5 triệu đồng, trả chậm phạt mỗi ngày từ 2 - 5%. Tính ra, mức cho vay qua ứng dụng là 3%/ngày, 90%/tháng. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, chỉ sau gần 6 tháng hoạt động đã có đến 60.000 người vay qua 3 ứng dụng nói trên với tổng số tiền lên đến 100 tỉ đồng. Những nghi can cầm đầu sống ở Trung Quốc, chỉ điều hành qua mạng điện thoại.
Còn vào tháng 6, Công an TP.HCM cũng điều tra vụ việc tại Công ty TNHH Cashwagon cho người dân vay tiền qua app với lãi cao và thực hiện các hành vi “khủng bố” khách hàng không trả nợ. Ví dụ, để vay 5 triệu đồng ở Cashwagon, app chỉ giải ngân cho vay 3,5 triệu đồng, số tiền 1,5 triệu đồng bị trừ trước là phí, người vay phải trả đủ 5 triệu đồng trong khoảng thời gian ngắn 7 - 14 ngày theo đăng ký.
Trường hợp không trả đúng hẹn, lãi sẽ tăng dần hằng ngày vài trăm ngàn đồng và chỉ mấy ngày sau có thể vượt cả con số nợ của người vay. Lãi vay qua app có khi lên đến 1.000%. Cơ quan công an xác định thực chất Công ty TNHH Cashwagon và Công ty TNHH Lendtech (công ty giải ngân tiền cho vay) dựng lên để “hợp thức hóa”, làm bình phong che đậy hoạt động "tín dụng đen" trên mạng. Người đại diện pháp luật của cả hai công ty đều khai chỉ được thuê làm. Vụ việc hiện đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra. Hay trong tháng 7, Công an Q.4 (TP.HCM) cũng triệt phá đường dây cho vay nặng lãi qua app VNCard, ABLOAN do người Trung Quốc điều hành. Công ty TNHH đầu tư tư vấn tài chính Thái Bình Dương do vợ của Tôn Dục Tân (Sun YuXin) đứng tên giấy phép kinh doanh...
Mô hình cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending hoặc viết tắt là P2P) là một mô hình kinh doanh sử dụng các dịch vụ online để kết nối các nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn.
Thông tin trên báo South China Morning Post vào tháng 10 cho thấy ước tính có hàng chục triệu người Trung Quốc đã bị mất tiền bởi sự sụp đổ của các chương trình cho vay ngang hàng tại nước này. Kể từ khi chính phủ bắt đầu siết mạnh hình thức cho vay ngang hàng hơn 3 năm trước, tính tới cuối tháng 6.2020 vẫn còn khoảng 800 tỉ nhân dân tệ (119 tỉ USD) bị nợ lại. Hiện tại, ngành công nghiệp cho vay ngang hàng tại Trung Quốc gần như biến mất hoàn toàn, chỉ còn 15 nền tảng hoạt động vào cuối tháng 8.

Chặn app này, mọc app khác

Dù đã có nhiều dịch vụ cho vay qua mạng bị xử lý hình sự nhưng hoạt động này vẫn nở rộ và được quảng bá công khai trên mạng. Hôm qua 6.12, tìm hiểu vay tiền trên trang Senmo, khách hàng vay lần đầu, hệ thống sẽ xét duyệt cho vay từ 100.000 - 4 triệu đồng trong 10 ngày. Do lần đầu vay nên lãi suất 0%, nhưng đóng phí mở tài khoản 50.000 đồng (áp dụng 1 lần duy nhất) và phí dịch vụ thông báo tin nhắn 20.000 đồng.
Khi vay lại lần 2 trở đi, khách sẽ được duyệt khoản vay cao hơn, tối đa lên 10 triệu đồng từ 10 - 30 ngày. Một ví dụ mà trang web này đưa ra nếu khách vay 2 triệu đồng, trong vòng 90 ngày, lãi và phí dịch vụ là 800.000 đồng/tháng, quy đổi tương đương 40%/tháng. Senmo được giới thiệu thuộc Công ty Gofingo, chuyên tư vấn và giải pháp tài chính, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ tài chính trên thị trường châu Âu và châu Á, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2019.
Còn trên trang cho vay Tamo.vn, nếu khách hàng vay 10 triệu đồng thì sau 1 tháng tổng số tiền phải trả lên 14,56 triệu đồng, tương đương lãi suất và phí là 45,6%/tháng. Dịch vụ cho vay này thuộc về Công ty TNHH Sofi Solutions do người đại diện pháp luật tên Janis Ozols, ngành nghề chính là dịch vụ tư vấn quản lý, hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin...
Mới đây, Bộ Công an cũng đã thông tin trong khoảng 100 công ty hoạt động vay ngang hàng, có những dịch vụ được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Các công ty này hoạt động không đúng bản chất là trung gian kết nối giữa người có nhu cầu vay với người có nhu cầu cho vay (không tham gia vào mối quan hệ vay nợ), mà cấu kết với các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính bán dữ liệu, thông tin cá nhân của những người vay để quảng cáo, môi giới... theo hình thức cho vay nặng lãi truyền thống hoặc chính các chủ sở hữu công ty này đồng thời là chủ cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính. Một số ứng dụng cho vay ngang hàng còn lách lãi suất bằng cách thu thêm các khoản phí dịch vụ, đưa lãi suất cộng phí có thể lên đến 700%/năm. Hoạt động cho vay ngang hàng ở Việt Nam đến nay chưa có quy định pháp luật để quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi phần lớn là do người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) điều hành, không đặt máy chủ ở Việt Nam.

Nguy cơ nước ngoài chiếm lĩnh thị trường gọi xe công nghệ, chia sẻ phòng ở, cho vay

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, một số loại hình kinh tế chia sẻ (KTCS) chính đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay, bao gồm vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở lưu trú và cho vay ngang hàng dù mới bước đầu phát triển ở Việt Nam nhưng đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện đang có xu hướng các tập đoàn lớn của nước ngoài với ưu thế về vốn và công nghệ đẩy mạnh mua lại cổ phần chi phối tại các công ty thuộc loại hình KTCS ở Việt Nam. Thậm chí các tập đoàn nước ngoài chấp nhận thua lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường. Các nhà đầu tư nước ngoài giữ vai trò dẫn dắt và chi phối các mô hình kinh doanh chia sẻ ở trong nước và kết nối với mạng lưới các chi nhánh khác ở nước ngoài.
Vì vậy nếu không khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thì có thể dẫn đến hiện tượng bị nước ngoài chi phối hoàn toàn thị phần KTCS trong nước. Ngoài ra, các đối tác khác của mô hình KTCS khi không cập nhật được thông tin, công nghệ sẽ trở thành đối tượng yếu thế, mất việc làm... vì không theo kịp hoặc bị hình thức kinh doanh mới thống lĩnh, chiếm thị phần.
M.Phương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.