Chơi kiểu Tây...

20/01/2012 09:23 GMT+7

Mỗi người một thú chơi, nhưng điểm chung của họ là thỏa mãn đam mê của mình và chia sẻ với mọi người.

Mỗi người một thú chơi, nhưng điểm chung của họ là thỏa mãn đam mê của mình và chia sẻ với mọi người.


Nguyễn Thuỳ Linh biểu diễn Belly dance 


Để tự tin, và gợi cảm hơn

“Tất cả chỉ vì đam mê”, đó là câu nói mà Nguyễn Thùy Linh cứ nhắc đi nhắc lại trong suốt cuộc trò chuyện về hành trình đến với Belly dance. Linh là giảng viên Đại học Ngoại thương (Hà Nội), công việc tay trái của cô là giáo viên dạy múa bụng tại Bellydance S-Studio.

Thùy Linh bắt đầu đam mê cách đây 4 năm khi tình cờ thấy một du học sinh nước ngoài tập Belly dance trong ký túc xá. Chưa từng học qua trường lớp bài bản nào, Linh tự tìm kiếm thông tin trên mạng để tập luyện bộ môn mà cô cho là “nữ tính và khiến cho những người tập nó biết yêu bản thân và tự tin hơn”.

Linh chia sẻ: “Trước đây mình như một bà cụ non và chỉ dám đứng nhìn bạn bè ca hát, nhảy múa vui vẻ. Tập Belly dance đánh dấu bước chuyển biến lớn trong cuộc đời, mình cởi bỏ được chiếc “áo giáp sắt” che đi ham muốn và khả năng thực sự của bản thân”.

Linh đã áp dụng những kiến thức kinh doanh được học ở trường để thành lập và điều hành studio. Cô dạy Belly dance để truyền niềm lửa đam mê cho những bạn trẻ khác, và còn đào tạo học viên trở thành vũ sư như mình.

Linh chia sẻ: “Dạy học không phải vì tiền bạc, nhưng có những thời gian việc dạy Belly dance chiếm đến 70% thu nhập của mình”.

Linh hào hứng kể về kỷ niệm với những học sinh mà theo cô là Belly dance đã biến đổi con người họ. Thu khá béo, vì mặc cảm về ngoại hình nên cô gái này ngại thể hiện trước đám đông và luôn cố tỏ ra nghiêm nghị, cứng nhắc. Cô luôn đóng khung trong suy nghĩ: “Tôi sẽ không bao giờ có thể nhảy múa và trở nên quyến rũ”. Vậy mà từ khi tập Belly dance, Thu đã thực sự bị cuốn hút và tiến bộ rất nhanh.

Trong buổi biểu diễn trước toàn trường, bạn bè hoàn toàn bất ngờ khi cô gái từ trước đến nay chưa bao giờ hở một centimet da trên người như Thu lại có thể tỏa sáng trên sân khấu trong điệu Belly dance tuyệt vời và sexy đến vậy. Linh rất tự hào: “Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy ánh mắt rạng rỡ của các học viên trên sân khấu. Với Belly dance, họ đã tỏa sáng”.

Muốn đem lại niềm vui cho mọi người

Đôi bàn tay thoăn thoắt biểu diễn bộ bài Tây, ảo thuật gia đường phố Lê Việt Anh Andrian có màn chào hỏi với người đối diện khá ấn tượng bằng cách giả vờ vuốt má nhưng sau đó xòe ra một quả bóng bông. Nụ cười duyên cùng giọng nói ngọng nghịu, lơ lớ của người nước ngoài nói tiếng Việt, Việt Anh dễ dàng gây thiện cảm trong lần đầu tiếp xúc.

 
Ảo thuật gia đường phố Lê Việt Anh Andrian

Ảo thuật gia trẻ tuổi này mang hai dòng máu Romania-Việt Nam, anh theo gia đình trở về Hà Nội sinh sống được 6 năm.Việt Anh tự học ảo thuật bằng cách tải tài liệu, tham khảo clip dạy của các ảo thuật gia trên thế giới trên internet. Dần dần niềm yêu thích trở thành đam mê. Mỗi ngày, anh dành 8 tiếng để luyện tập và nghĩ ra các tiết mục mới.

Việt Anh chia sẻ: “Với một ảo thuật gia, hãy nghĩ rằng bạn có thể làm được mọi thứ, ví dụ nếu bạn muốn chiếc ghế bay lên, đừng cho đó là điều phi lý mà hãy tìm cách để cái ghế bay lên được”.

Việt Anh là một trong những người đầu tiên đem ảo thuật đường phố (street magic) biểu diễn ở Hà Nội. Sân khấu của anh là công viên, Bờ Hồ, Vincom những nơi mà nhiều người qua lại.

Biểu diễn ảo thuật trên đường phố khác với việc biểu diễn trên sân khấu. Ở sân khấu, nghệ sĩ dùng nhiều hiệu ứng ánh sáng, trang trí sân khấu cầu kỳ để màn biểu diễn trở nên đẹp lộng lẫy nhất, có khoảng cách giữa sân khấu và khán giả nên che giấu được khá nhiều kỹ xảo. Trong khi đó diễn ảo thuật đường phố thì ngược lại, dụng cụ biểu diễn càng đơn giản càng tốt, khán giả đứng vây tròn xung quanh ảo thuật gia, chỉ thiếu tập trung một chút là sẽ xảy ra sai sót khi biểu diễn.

Việt Anh cho biết: “Thử thách nhất với mình khi biểu diễn ảo thuật ở Hà Nội là khán giả Việt chưa quen với loại hình ảo thuật đường phố, ban đầu họ thường có cảm giác sợ hãi và rất cảnh giác với ý nghĩ mình bày trò lừa đảo nào đó. Hơn nữa, tâm lý người Việt Nam khá phức tạp. Ở Romania, mỗi khi mình biểu diễn ảo thuật, khán giả thường rất thích thú và trầm trồ khen ngợi”.

Khi được hỏi vì sao lại thích biểu diễn ảo thuật đường phố, Việt Anh không ngần ngại trả lời: “Mình muốn đem lại niềm vui cho mọi người xung quanh. Mỗi khi được thấy khán giả bất ngờ thích thú với những màn ảo thuật, mình rất hạnh phúc”.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.