“Chơi xếp hình” trong công sở

20/05/2008 22:43 GMT+7

Xếp hình (jigsaw puzzle) là một trò chơi phổ biến, ghép những mảnh nhỏ của một bức tranh lại với nhau thành một bức tranh hoàn thiện.

1+1>2

Khi làm việc theo nhóm, nhiều người cùng làm sẽ phát huy thế mạnh của từng người và bổ sung cho nhau những điểm còn thiếu sót. Mỗi thành viên sẽ có cơ hội học tập kinh nghiệm từ các thành viên khác khi nghe họ trình bày và cả khi họ phản biện ý kiến của mình. Như thế, kết quả công việc sẽ tốt hơn là mỗi người làm việc rời rạc rồi mới ráp nối lại. Làm việc theo nhóm cũng giống như trò chơi ghép tranh, các mảnh sẽ không có ý nghĩa nếu chúng chưa được ghép lại ăn khớp với nhau.” – Nhã Uyên, nhân viên quảng cáo, nhận định. Uyên cho biết thêm: “Không hiếm khi họp nhóm bàn về ý tưởng cho một chương trình quảng cáo, các thành viên trong nhóm đối đáp nhau “chan chát” để phản biện nhau. Không ai rụt rè khi đưa ra những lập luận để thuyết phục người khác, lại càng không có chuyện tự ái khi công nhận rằng người khác đúng.”

Hiện nay các công ty, doanh nghiệp thường thành lập các nhóm làm việc cho từng kế hoạch, dự án. Nhiều người sẽ nhìn thấy được nhiều khía cạnh của vấn đề hơn nên cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề sẽ đa chiều hơn. Làm việc theo nhóm có nhiều dạng: động não tìm ra sáng kiến; thảo luận để thống nhất cách thức, quy trình làm việc và trách nhiệm công việc của mỗi người... Khi động não cùng nhau, sẽ có những điều độc đáo mà có khi một cái đầu xuất chúng không thể nghĩ ra được. Ngoài ra, mỗi người đều có thế mạnh riêng của mình mà khi làm việc chung, mỗi cá nhân chỉ đảm trách phần việc theo sở trường và phối hợp với các thành viên khác.

“Tôi” và “chúng ta”

Khác với làm việc độc lập, làm việc nhóm đòi hỏi các cá nhân phải hội đủ các kỹ năng lắng nghe, thảo luận, thuyết phục, đặt câu hỏi, trình bày, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau... Một người dù có chuyên môn cao nhưng không hòa nhập với tập thể, phối hợp làm việc không tốt không chỉ làm giảm hiệu quả công việc cá nhân mà còn làm ảnh hưởng đến công việc chung.

Quan trọng nhất của làm việc theo nhóm là phải có tinh thần cầu thị, biết chấp nhận cái đúng cho dù trái với quan điểm ban đầu của mình. Hoàng Dinh, mới tốt nghiệp ra trường, than thở: “Ai cũng cho rằng mình đúng, không ai chịu ai. Môi trường làm việc căng thẳng làm cho tôi có cảm giác ngột ngạt và không muốn hợp tác nữa”. Điều tối kị của làm việc nhóm là thụ động không trình bày quan điểm hoặc thái độ quá đề cao cái “tôi”, phản bác ngay lập tức ý kiến của người khác. Tuy nhiên, các ý kiến phản biện mang tính thiện chí sẽ giúp công việc tránh được nhiều rủi ro vì đã được nhận biết ngay từ đầu.

Người trưởng nhóm có vai trò quan trọng trong việc tổ chức và điều phối công việc của các thành viên trong nhóm, đưa ra kết luận sau cùng và giải quyết các mâu thuẫn phát sinh, giúp các thành viên trong nhóm gắn kết nhau để phối hợp làm việc nhịp nhàng hơn. Chị Hồng Trang, Trưởng trung tâm đào tạo L & A trao đổi: “Rất nhiều doanh nghiệp đặt hàng L & A đào tạo riêng cho nhân viên của họ về kỹ năng làm việc theo nhóm. Các khóa học giúp xây dựng tinh thần đội nhóm thông qua những trò chơi tập thể, kỹ năng giải quyết tình huống, đóng vai... giúp các thành viên hiểu nhau hơn và nhận thức rõ hơn về sức mạnh tập thể. Đặc biệt, với vai trò là người đóng thế vai, các thành viên và trưởng nhóm sẽ nhận biết được những khó khăn của nhau. Từ đó, họ có thể hiểu, thông cảm và chia sẻ với nhau nhiều hơn”. Khi mỗi cá nhân hòa mình vào tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung của tập thể thì mỗi cá nhân đều gặt hái được thành công. Ngoài kết quả công việc, thành viên trong nhóm còn nhận được một thứ quý giá hơn: tinh thần gắn bó, đoàn kết của cộng sự.     

Hoàng Oanh

Kỳ sau: Kỹ năng mềm – Thu phục nhân tâm

Chuyên mục do Báo Thanh NiênJobviet.com phối hợp thực hiện
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.