Chọn kênh đầu tư nào ?

03/01/2015 09:00 GMT+7

Câu hỏi được Thanh Niên đặt ra với một số chuyên gia, nhằm giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát các cơ hội bảo toàn vốn, sinh lời trong năm 2015.

Câu hỏi được Thanh Niên đặt ra với một số chuyên gia, nhằm giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát các cơ hội bảo toàn vốn, sinh lời trong năm 2015.

Chọn kênh đầu tư nào ?Các chuyên gia nhận định đầu tư trung và dài hạn  vào bất động sản có thể sinh lời khá - Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, bất động sản (BĐS) và gửi tiết kiệm vẫn là hai kênh đầu tư phù hợp nhất đối với đa số người dân. Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp nên không còn hấp dẫn, mặc dù nó vẫn có thể đem lại thực dương sau khi trừ đi phần lạm phát. Trong khi đó, vàng vẫn đang trong xu hướng giảm giá khi đồng USD mạnh lên từ việc nền kinh tế Mỹ đã đi vào chu kỳ tăng trưởng được dự báo kéo dài trong 2 - 3 năm tới.
Bất động sản cho trung và dài hạn
Tiết kiệm vẫn an toàn nhất
Theo TS Đinh Thế Hiển, gửi tiết kiệm vẫn mang lại lãi suất thực dương và ít rủi ro nhất nên thích hợp cho mọi người. Gửi tiết kiệm có 4 đặc điểm mà những kênh đầu tư khác không thể đồng thời thỏa mãn được là an toàn, thanh khoản, lợi nhuận có được đúng hạn và có thể đầu tư với bất kỳ số tiền ít hay nhiều.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cũng cho rằng hiện nay gửi tiền vào ngân hàng vẫn là lựa chọn ưu tiên của nhiều người dân vì ít rủi ro và khi so sánh với những kênh đầu tư khác thì lợi nhuận cũng có thể tương đương. Ví dụ nếu có 1 tỉ đồng và gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng thì lãi suất nhận được từ 6 - 6,5%/năm, tương đương khoảng 60 - 65 triệu đồng/năm. Nếu với số tiền đó có thể mua được một căn hộ vùng ven, giá cho thuê tối đa chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng, tương đương 48 triệu đồng/năm.
M.P
Riêng BĐS, TS Đinh Thế Hiển xác định là kênh quan trọng đối với người dân dù tại VN hay tại các nước phát triển. Đáng lưu ý, những điều kiện kìm hãm việc tăng trưởng BĐS trong giai đoạn 2010 - 2014 hầu như đã được giải tỏa phần lớn như lãi suất cho vay đã giảm, nguồn vốn ngân hàng quay trở lại ngành BĐS, chính sách vĩ mô đã mở rộng đối tượng mua, giá BĐS đã giảm khá nhiều trong 4 năm qua...
Vấn đề còn nghi ngại hiện nay, theo ông Hiển là quá nhiều dự án mới đang chào bán làm tăng nguồn cung, cũng như giá trị BĐS còn phụ thuộc khá lớn vào khả năng triển khai dự án và quản lý khi đi vào sử dụng. “Rõ ràng đầu tư vào BĐS đang trở nên hấp dẫn đúng với vị thế của một kênh đầu tư giá trị bền vững lâu dài rất phù hợp với người dân. Để loại trừ hai yếu tố quan ngại vừa nêu, chúng ta nên chọn BĐS có địa điểm tốt và chủ đầu tư uy tín. Không nên lấy tiêu chuẩn giá thấp là ưu tiên chọn lựa. Có thể việc đầu tư này sẽ không mang lại lợi nhuận tốt ngay trong năm 2015, nhưng trong chu kỳ từ 3 - 5 năm sắp tới thì việc đầu tư vào BĐS bây giờ theo tiêu chí chọn lựa như trên sẽ đem lại hiệu quả đáng kể và vững chắc”, TS Hiển nhấn mạnh.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Ngân hàng (Trường ĐH Mở TP.HCM), lưu ý khi chọn đầu tư BĐS cần xem xét tình trạng có nhiều dự án chung cư vẫn bị “thổi giá” theo kiểu đầu cơ nên giá còn khá cao.
Chứng khoán còn cơ hội
Kết thúc năm 2014, chỉ số VN-Index đạt 545,63 điểm, tăng 8,13% so với cuối năm 2013. Chỉ số HNX-Index đạt 82,98 điểm, tăng 22,3% so với cuối năm 2013. Dù mức tăng của VN-Index trong cả năm qua không mạnh nhưng thị trường chứng khoán đã có nhiều đợt “sóng” khá lớn, mang lại lợi nhuận cao cho nhiều nhà đầu tư (NĐT).
TS Nguyễn Văn Thuận nhận định, năm 2015 kinh tế VN đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn, nên hoạt động của các doanh nghiệp cũng ổn định và theo chiều hướng tốt hơn. “Với những NĐT có kinh nghiệm về chứng khoán thì đây vẫn là kênh đầu tư phù hợp. Quan trọng là phải chọn được cổ phiếu (CP) có nền tảng cơ bản tốt thì mức lợi nhuận 10%/năm là có thể đạt được”, TS Thuận nói.
Một số lĩnh vực mà chuyên gia dự báo CP có thể mang lại lợi nhuận khá là BĐS, vận tải hay một số ngành tiêu dùng… Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn đang được đẩy mạnh và sự có mặt của những CP lớn trên sàn như Vietnam Airlines, MobiFone… sẽ góp phần thu hút thêm dòng vốn mới từ các NĐT trong và ngoài nước. Tuy nhiên, TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), lưu ý: “Những người đang gửi tiết kiệm không nên chuyển sang đầu tư chứng khoán. Hiện giờ không phải là lúc đầu tư chạy theo phong trào như cách đây nhiều năm. Dù năm 2015 kinh tế vĩ mô có tốt hơn thì các kênh đầu tư như chứng khoán, BĐS hay vàng đều có tăng trưởng và suy giảm nên NĐT cá nhân phải lựa chọn kỹ lưỡng để giảm thiểu rủi ro”.
Vàng tiếp tục chông chênh
Năm 2014, người giữ vàng nhiều phen hú vía vì mức tăng giảm giá khá mạnh, mức cao nhất của vàng SJC là 37,4 triệu đồng/lượng và thấp nhất 34,75 triệu đồng/lượng. Trong năm, giá vàng thế giới có lúc tăng lên đến 1.382 USD/ounce nhưng cũng có khi giảm về 1.141 USD/ounce.
Theo chuyên gia về vàng Phan Dũng Khánh, năm 2015 vàng sẽ tiếp tục xu hướng giảm giá. Những yếu tố tác động đến vàng là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất USD, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng 6. Điều này khiến đồng USD tăng giá. Nhu cầu vàng trên thế giới giảm và đứng ở mức thấp. Ngân hàng một số nước có xu hướng mua vàng để bảo toàn đồng tiền nước mình nhưng số lượng mua không nhiều. Nhu cầu mua vàng của các quỹ đầu tư hiện nay không cao, chủ yếu tập trung vào chứng khoán. Các tổ chức, nhà phân tích vàng trên thế giới đều đưa ra dự báo giá vàng giảm hoặc đi ngang. Trong năm 2014, các quốc gia lớn đều giảm phát (ngoại trừ Mỹ lạm phát tăng nhẹ), sang năm 2015 lạm phát chưa tăng được cũng đồng nghĩa với việc chưa kích thích nhu cầu đầu tư vào vàng.
“Giá vàng thế giới không tăng thì giá vàng VN cũng khó tăng. Việc đầu tư vàng là khá rủi ro, đây không phải là kênh đầu tư tốt”, ông Khánh nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.