Chống lãng phí phải chống từ gốc

20/10/2005 23:12 GMT+7

Lãng phí là một trong những thứ bệnh mà ai cũng phải chống. Từ những ngày đầu làm cách mạng, tôi đã được giáo dục về tiết kiệm qua học tập đạo đức của Bác Hồ.

Lãng phí lớn nhất hiện nay nằm trong khâu quản lý Nhà nước mà ra. Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đã gây ra sự lãng phí vô hình mà ít nhận diện được, vì nó triệt tiêu mọi động lực phát triển xã hội, chứ không biểu hiện hữu hình. Trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường, trong những giai đoạn đầu (như hiện nay), đồng thời với mặt tích cực của cơ chế mới - sản xuất phát triển, của cải xã hội không ngừng tăng, đời sống người dân được cải thiện... thì vấn đề lãng phí rất dễ nhận diện và hình như cũng rất phát triển bởi sự chưa hoàn thiện của cơ chế mới. Hay nói đúng hơn là công tác quản lý không đổi mới kịp tăng trưởng của xã hội. Vì vậy, không chỉ lãng phí mà tham nhũng - bạn đồng hành của lãng phí, càng chống càng biểu hiện thiên biến vạn hóa! Mỗi cơ quan, đơn vị và cá nhân nếu thật thà viết ra những việc làm lãng phí của mình thì không giấy nào in cho hết. Nhưng hệ quả của nó đối với lòng dân và sự an nguy của chế độ thì ta có thể lường trước được. Phạm vi đề tài rất rộng, tôi chỉ nêu vài khía cạnh của lãng phí mà nguyên nhân do công tác quản lý mà ra.

Trước hết là do những quyết định hành chính về đầu tư. Nơi cần đầu tư để cho ra sản phẩm sớm và giá thành thấp thì chúng ta không làm mà ngược lại. Mà lại là những công trình trọng điểm Nhà nước, có tầm cỡ chiến lược quốc gia, làm lãng phí thời gian hàng thập niên và tiền của thì không đo đếm được. Nơi cần xây dựng cầu, đường, cảng biển và hàng không để lưu thông hàng hóa và phát triển dịch vụ là ĐBSCL, nơi có hơn 20% dân số và có 3 sản phẩm hàng hóa lớn và xuất khẩu chiếm tỷ trọng nhất nước là gạo, thủy sản và trái cây thì chưa có sự đầu tư nào đáng kể (bằng hành động) mà ngược lại. Không những lãng phí về đầu tư mà còn lãng phí cả cái lợi thế trời ban cho (lợi thế so sánh) mà có thể khai thác dùng ngay.

Trong cải cách hành chính, Chính phủ kêu gọi, chỉ thị giảm bớt hội họp, bớt tổ chức lễ hội rườm rà, phô trương...  thậm chí còn quy định số tràng hoa phúng điếu. Nhưng kết quả là chỉ có tăng hội họp (về thủ đô, về thủ phủ, tỉnh lỵ) và tăng lễ hội, họp mặt v.v... Chúng ta học và trang bị máy vi tính đi sau so với các nước nên máy rất hiện đại và vì "mới" nên cũng "hăng" sắm. Rất tốn kém, nhưng ứng dụng vào công tác quản lý có được bao nhiêu đâu, vẫn làm thủ công là chính. Chương trình Chính phủ điện tử triển khai rất ì ạch.

Những quy định về phân cấp quản lý hành chính nói chung, quy định về thủ tục đầu tư - xây dựng, quy định về đấu thầu, về quản lý công sản... vẫn còn nhiều bất ổn mà hệ quả trực tiếp là gây lãng phí thất thoát tài sản, làm độn giá thành, làm suy yếu sức cạnh tranh. Nền kinh tế càng hội nhập sức cạnh tranh càng bị tụt hạng. Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá năm 2004 Việt Nam tụt 17 bậc, năm 2005 tụt 4 bậc, nhưng theo TS Lê Đăng Doanh thì chỉ tụt 1 bậc. Nhưng vẫn là tụt!

Mọi sự lãng phí suy cho cùng là bắt nguồn từ sự lãng phí nguồn nhân lực nói chung. Vì nếu nói nguyên nhân trực tiếp của mọi sự lãng phí là do cơ chế, chính sách, pháp luật và quản lý điều hành còn nhiều kẽ hở thì mọi thứ đó đều do con người đặt ra. Vì vậy, ở những vị trí đó cần có những người làm những việc đó được tốt hơn. Nhưng điều này lại tùy thuộc vào nền tảng dân trí, tập quán xã hội và đặc biệt là cơ chế tuyển dụng công chức-cán bộ-hiền tài. Trong bài đầu tiên của loạt bài chống lãng phí, nhà báo Hoàng Hải Vân có nêu một so sánh khá "đắt": Chúng ta đánh giặc Pháp mất có 9 năm nhưng xây một tòa cao ốc (1 & 5, Lê Duẩn, TP.HCM) mất 10 năm chưa xong(!). Nhưng xin mách nhỏ nhà báo rằng có chuyện mất đến... 30 năm vẫn chưa đâu vào đâu. Chỉ thí dụ điển hình: Đại hội IV toàn Đảng năm 1976 nhấn mạnh: "Cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt". Rồi từ ĐH VI chủ trương đổi mới và các ĐH sau đó, nhất là ĐH IX, Đảng chủ trương hội nhập quốc tế và vai trò khoa học công nghệ được xem là mũi nhọn nhưng đến giờ này (qua 30 năm), chúng ta luôn luôn than phiền là hàm lượng chất xám trong sản phẩm hàng hóa của ta không cao, cũng là nguyên nhân góp phần làm giảm sức cạnh tranh. Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VN Trần Xuân Hoài tự than trách mình tại cuộc gặp giữa Thủ tướng và khoảng 400 nhà khoa học hôm 24.9 tại Hà Nội là "còn đứng ngoài cuộc" là vì sao? Trong xây dựng miền Bắc XHCN và cả nước qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, các nhà khoa học ta đã làm nên nhiều điều kỳ diệu đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân và bộ đội. Tâm huyết và trí tuệ của thế hệ các nhà khoa học hiện nay không tụt hậu nhưng vì sao họ còn "đứng ngoài cuộc"? Đây là một trong những thí dụ về sự lãng phí về nguồn nhân lực, là hệ quả tất yếu của cơ chế chính sách có liên quan đến chọn người và dùng người. Đó là cái gốc của vấn đề. Mặt khác, chúng ta cũng phải bình tĩnh nhận ra: Các nước nghèo, thu nhập thấp, dân trí chưa cao, luật pháp chưa hoàn chỉnh thì lãng phí và tham nhũng là một hiện tượng phổ biến.

Việt Nam không ngoại lệ. Nhưng chống là cái ngọn, xây là cái gốc. Nếu sa vào sự vụ, tỉa chồi chặt nhánh mà không sửa gốc thì chồi và nhánh độc vẫn cứ mọc. Có hiện tượng là: tham ô (ăn cắp) dễ thấy hơn tham nhũng, đôi khi trị nặng hơn tham nhũng, vì ăn cắp thì biết đổ thừa vào đâu. Tương tự, tham ô và tham nhũng lại dễ phát hiện và dễ lên án hơn lãng phí, vì nó đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi và tình cảm của nhiều người khác. Ngay trong lãng phí cũng vậy, lãng phí thuộc phạm trù đạo đức như: ăn chơi, mua sắm, xài phí quá đáng cũng dễ bị lên án hơn lãng phí do năng lực vận hành cơ chế gây ra hậu quả nghiêm trọng, vì nó gián tiếp tác động đến quyền lợi và tình cảm của mọi người và nếu có bị phê phán thì cũng có cái "cơ chế" và "tập thể" để mà đổ lỗi.

Những hiện tượng trên đều là cái ngọn của vấn đề. Nếu chỉ chống lãng phí thuần túy mà không xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, trong đó có cơ chế chính sách chọn người và dùng người - vì con người xây dựng và vận hành cơ chế chính sách, thì trị bệnh lãng phí và tham nhũng không triệt để.

Long Xuyên, ngày 11/10/2005

Nguyễn Minh Nhị
(Phó bí thư Tỉnh ủy An Giang)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.