Chống lũ

27/09/2011 18:17 GMT+7

Mấy ngày qua, lũ lên nhanh uy hiếp hàng ngàn ha lúa vụ ba ở các huyện, thị đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp. Hàng trăm chiến sĩ, thanh niên, lão nông ngày cũng như đêm lăn xả vào con nước dữ cứu đê, bảo vệ những ruộng lúa đang trổ đòng.

Trắng đêm canh đê

Dọc theo tuyến đê kênh Tứ Thường, P.An Lạc, thị xã Hồng Ngự luôn đầy người cùng tiếng máy đào xới đất. Những chiến sĩ trẻ hoạt động như con thoi, khiêng các bao cát, bao đất, cây tràm… tu bổ những đoạn đê xung yếu, bị nước lũ rò rỉ. Tuyến đê này ngày thường cao hơn mặt nước 5 mét, giờ đã ngấp nghé. Nước lũ uy hiếp thân đê, đe dọa 500 ha lúa sắp thu hoạch. Trước tình hình căng thẳng này, Ban Phòng chống lụt bão thị xã Hồng Ngự đã huy động bộ đội, dân quân tự vệ, công an túc trực 24/24 ứng cứu đê. 

 
Ngâm mình cứu đê bị vỡ trong đêm 24.9 - Ảnh: T.D

Mặc gió mưa, những chiến sĩ dân quân tự vệ, bộ đội vẫn dầm mình trong nước gia cố đê, lội sình trám từng vết nứt theo bờ đê. Lão nông Tư Ánh nói: “Nước lũ lên nhanh, thấm vào thân đê nên đất bên trong thân đê bị thấm rất yếu dễ sụp lở, nếu không đóng cừ tràm dọc hai bên thân đê thì gay lắm. Đê này mà vỡ là đám lúa của chú chìm trong nước hết, không cách nào cứu. Mấy chú lính trẻ này mà không tiếp sức, cánh nhà nông không chống nổi con lũ này đâu”. Lấy sức người chống lũ ai nấy phờ phạc, thế nhưng vừa nằm nghỉ chưa kịp chợp mắt thì nghe tiếng hô: “Đê bị nứt, bị rò rỉ”, các chiến sĩ trẻ lại bật dậy, lao vào cứu đê.

Chập tối 24.9, chúng tôi tháp tùng theo tốp trực cứu đê kênh Tứ Thường. Chốc chốc lại nghe tiếng xe máy chạy chầm chậm cùng những ánh đèn pha liên tục rọi xuống thân đê. Anh Nguyễn Hùng Tráng, Phó chủ tịch UBND thị xã Hồng Ngự giọng khản đặc vì mấy đêm thức chỉ huy chống lũ, nói: “Cho tuần tra 24/24, ban ngày còn dễ quan sát các vết nứt, nước rò rỉ tuôn qua thân đê mà ngăn chặn. Còn ban đêm khó thấy lắm, sơ sẩy một chút nước lũ rò rỉ hay xì vào trong đê rất nguy hiểm, đê bị thủng lỗ nhỏ không được đắp, gia cố lại, vài phút sau nước lũ tràn vào khoét rộng miệng bể đê là vô phương cứu lúa”. Điều anh Tráng lo xa đã xảy ra, đúng 22 giờ 30, tốp thanh niên tuần tra phát hiện đê bị rò rỉ và đã báo động.

Rất căng thẳng vì vị trí đê bị xì nằm ngay miệng cống đang bị nước lũ che lấp sâu bên dưới. Ngay chỗ bị rò rỉ phút chốc đã vỡ toác miệng, bao cát, đất lấp vào bị nước đẩy đi. Trước nguy cơ vỡ đê, những chàng trai trẻ đã lao mình xuống nước, lặn men theo bờ đê tìm lỗ thủng bít lại, bất chấp gió lạnh, nước lũ đang chảy xiết. Đêm mịt mờ nhưng cánh đồng lũ vẫn huyên náo bởi tiếng người, tiếng đóng cừ tràm vang lên, phải gần 2 giờ sau, vết thủng trên thân đê mới được gia cố xong.

Cứu lúa

Trong ngày 25.9, tiếng xe cơ giới lại chạy ầm ầm hướng ra bờ đê An Bình B, thị xã Hồng Ngự, trên xe chở các chiến sĩ trẻ. Có tiếng người vang lên: “Đê An Bình B bị xì, nứt”. Đê An Bình B vừa hoàn thành trong năm 2010, nền còn yếu, gặp ngay cơn lũ dữ nên nhiều điểm bị sạt, sụp… Trước nguy cơ vỡ đê, mất trắng hơn 600 ha lúa vụ ba của người dân, các chiến sĩ trẻ lại lao vào cứu đê.

Ngày 24.9, có mặt ở kênh Sa Rài, xã Tân Hội Cơ, huyện Tân Hồng chúng tôi lại chứng kiến từng tốp chiến sĩ thuộc huyện đội đang hối hả phối hợp cùng người dân khiêng từng bao đất đắp đê. Bên ngoài, nước sông Tiền cứ dâng cao, cách mặt đê chỉ vài tấc. Chiến sĩ Nguyễn Thanh Bình cho biết, dù mệt đuối người nhưng thấy đám lúa của bà con nông dân còn an toàn là anh em thấy vui rồi.

Cũng trong ngày 24.9, tuyến đê bao chống lũ ở xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng bị thủng, nước lũ tràn vào ào ạt, hàng trăm chiến sĩ trẻ đã được huy động để hộ đê. Sau vài giờ quần thảo, sức người đã thắng con nước dữ, tuyến đê bao được an toàn, 900 ha lúa đã được cứu. 

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.