Chống tham nhũng, đừng nửa vời!

06/05/2014 15:35 GMT+7

Phát biểu khai mạc Hội nghị Toàn quốc về Phòng, chống tham nhũng sáng qua 5.5 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đây là lần đầu tiên kể từ sau khi Bộ Chính trị lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (vào đầu năm 2013) và việc chúng ta tổ chức là để có dịp nhìn lại, cả cái được lẫn cái chưa được rồi cùng rút kinh nghiệm.

Hành Thiện

Phát biểu khai mạc Hội nghị Toàn quốc về Phòng, chống tham nhũng sáng qua 5.5 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đây là lần đầu tiên kể từ sau khi Bộ Chính trị lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (vào đầu năm 2013) và việc chúng ta tổ chức là để có dịp nhìn lại, cả cái được lẫn cái chưa được rồi cùng rút kinh nghiệm.

>> Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng
>> Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng
>> Phòng chống tham nhũng: Mới bắt được 'sâu' nhỏ
>> Đưa phòng chống tham nhũng vào trường trung cấp, cao đẳng nghề

Nếu chúng ta để ý, chỉ cần một chút thôi, cũng có thể cảm nhận được rằng, công tác xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng đã được tập trung đẩy mạnh một bước, tạo chuyển biến tương đối rõ nét. Về tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo cũng đã được đẩy nhanh hơn, nó cũng có phần nghiêm túc qua một số vụ nổi cộm gần đây, tạo phần nào niềm tin trong công chúng.

Chống tham nhũng, đừng nửa vời!
Vụ án xảy ra tại Vinalines là 1 trong 10 đại án nghiêm trọng, phức tạp - Ảnh: Thái Sơn

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy không dễ một chút nào như có một số vị vẫn nghĩ. Thậm chí, nếu chỉ làm nửa vời là xem như tự chuốc lấy phần thất bại về mình!

Đã đến lúc chúng ta cần rốt ráo, quyết liệt hơn khi ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. Nếu trước đây, do cơ chế lỏng lẻo, chính sách của ta bị một bộ phận dân chúng lợi dụng để làm ăn và họ đã giàu lên nhanh chóng. Theo lối xử lý ngày xưa thì họ "mắc tội lợi dụng sự sơ hở của pháp luật" để làm giàu thì bây giờ, chúng ta xử như thế sao được? Cơ chế chính sách, luật lệ nếu có "lỗ hổng" khiến người dân tranh thủ lợi dụng, theo tôi, nó cũng là đương nhiên. "Người có tội", theo tôi, phải là người nghĩ ra cơ chế, chính sách đó kém cỏi, do chưa tính toán thấu đáo. Mà nếu có xử thì phải xử từ tác giả của cơ chế đó.

Chúng ta đã được nghe câu chuyện của năm trước ở Bộ Kế hoạch - Đầu tư khi được chính Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kể lại, đó là có vị Vụ trưởng đã thật lòng bày tỏ với Bộ trưởng Vinh rằng việc ông Vinh đang làm là "tự lấy đá ghè chân mình". Ý của câu nói này là trong cách triển khai một loạt các phương thức nhằm giảm bớt quyền lực ở Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ làm cho ít người tìm đến Bộ. Và như vậy, quyền lực và quyền lợi kèm theo sẽ dần mất đi một khi luật Đầu tư được thông thoáng hơn, người dân được dễ thở hơn trong làm ăn...

Tôi nghĩ, nếu bộ, ngành nào cũng dũng cảm làm được như vậy thì sẽ có lợi cho dân, cho doanh nghiệp biết bao! Nói như Bộ trưởng Vinh thì trong kinh doanh, nếu lĩnh vực nào Nhà nước không cấm thì người ta có quyền làm, và như vậy, việc gì lại phải đi xin? Mà đã có "xin" thì có "cho" và tham nhũng dễ nảy sinh cũng từ đó mà ra.

Trong công tác tuyển chọn nhân sự hiện nay, nhiều cán bộ, đảng viên chân chính cũng không khỏi băn khoăn để làm sao tránh cho được việc chạy chức, chạy quyền đang có dấu hiệu bất ổn khi mà sự lựa chọn nhân sự của một số nơi còn xem ra rất cảm tình, nể nang và "ê kíp" theo hướng phe cánh (ê kíp tự nó đâu phải là điều xấu, nó có mặt tích cực của nó). Vậy tại sao không công khai và thi tuyển như cách làm mới đây Bộ GTVT đã thí điểm? Cách làm này, rất có thể còn chưa hoàn chỉnh, nhưng tôi tin rằng nó rất "thanh thiên bạch nhật", đâu dễ "dìm hàng" như lối chọn kín lâu nay! Thành tích của một ứng cử viên, nếu họ vào một vị trí quản trị doanh nghiệp, sao chúng ta không tìm ra từ những nhân vật làm ăn có lời, thuế má nộp Nhà nước cao và luôn được cơ quan kiểm toán, thuế vụ đánh giá minh bạch và nhất là từ những con người từng vực dậy một đơn vị nào đó từ "bãi tro tàn" thì nên xem người đó phải cao điểm hơn người quanh năm chỉ có đi học, bằng cấp đầy đủ và có "tinh thần cách mạng cao" trung thành với Đảng tuyệt đối nhưng thực tiễn lại chẳng có gì ngoài lời nói trên giấy… Tôi nghĩ cách lựa chọn cán bộ mà công khai được như vậy sẽ ngăn chặn được khá căn cơ tệ chạy chức, chạy quyền.

Trong ngành luật pháp cũng vậy. Để tránh tư duy và cũng là thực tiễn như có vị than thở: "luật pháp của ta muốn xử kiểu gì cũng được" (trích lời của nguyên một Chánh án Toà án nhân dân Tối cao) không còn tồn tại, lẽ nào còn có những lỗ hổng chí mạng tồn tại trong khung luật của ta quá kéo dài? Chỉ có cách triệt tận gốc như thế, các cơ quan tố tụng mới đi đúng quỹ đạo và người dân lương thiện mới an tâm làm ăn, người vi phạm pháp luật mới biết sợ pháp luật, bởi họ khó có cửa "chạy". Và đương nhiên, nếu nội bộ ngành nào, tỉnh nào còn sợ mất uy tín mà bao che cho người đơn vị mình phạm pháp thì nên xem đó chính là mầm hoạ cho đất nước!

Đành rằng cuộc chiến phòng chống tham nhũng là một cuộc đấu tranh đầy cam go, phức tạp. Song, phòng vẫn là một biện pháp tối cần thiết để ngăn chặn hành vi tham nhũng, một thứ bệnh, "một thứ khuyết tật bẩm sinh của quyền lực", như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa phát biểu. Tôi cũng tâm đắc với ý mà ông nêu tại Hội nghị: Phải "Kiên quyết, kiên trì xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng; và một cơ chế đảm bảo để không cần tham nhũng".

Tóm lại, trên nhiều bình diện của xã hội, rất cần triệt phá từ gốc những gì lạc hậu, cản trở bước đi của xã hội và có những cơ chế đủ mạnh hỗ trợ thì mới hy vọng giải quyết tốt, mới ngăn chặn và đẩy lùi nạn tham nhũng đang ngày một tinh vi như hiện nay.

H.Th (*)

 (*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.