Chu kỳ động đất mạnh đang lặp lại?

26/03/2011 00:14 GMT+7

Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên chiều qua, TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, sau trận động đất mạnh 6,8 độ Richter tại Myanmar, gây rung động cấp 5 tại Hà Nội thì lúc 13 giờ 30 phút 48 giây hôm qua, ngoài khơi Philippines lại xảy ra chấn động 6,3 độ Richter. Cơ quan hữu trách Philippines không ra cảnh báo sóng thần và trận động đất không gây ảnh hưởng đến nước ta.

Gần đây liên tiếp một loạt các trận động đất mạnh đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều nhà khoa học đưa ra cảnh báo chu kỳ xảy ra các trận động đất mạnh đang lặp lại. Ý kiến của ông như thế nào?

Quan sát các trận động đất trên thế giới trong một thời gian dài, nhiều nhà khoa học đã đưa ra nhận định, chu kỳ xảy ra các trận động đất mạnh ở vào khoảng 50 - 60 năm. Năm 1952, Nga hứng chịu động đất 9 độ Richter và năm 1960 tại Chile xảy ra động đất mạnh nhất trong lịch sử với cường độ lên tới 9,5 độ Richter… Năm 2004, hàng trăm ngàn người thiệt mạng ở Đông Nam Á và Nam Á vì động đất mạnh trên 9,1 độ Richter gây ra sóng thần. Mới đây nhất, ngày 11.3, cả thế giới thêm một lần nữa bàng hoàng trước sức tàn phá ghê gớm của trận động đất mạnh gần 9 độ Richter và sóng thần ở Nhật. Chưa thể khẳng định chắc chắn điều gì, nhưng tôi cho rằng nhận định chu kỳ xảy ra các trận động đất rất mạnh đang lặp lại là có cơ sở và nhân loại cần chủ động trong phòng tránh.

 
Người dân tại các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội chạy xuống đường do dư chấn động đất hôm 24.3 - Ảnh: Minh Thu

Quay lại VN, dường như từ cuối năm 2010 đến nay, động đất đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Liệu rằng, chu kỳ nói trên có đang lặp lại đối với nước ta, thưa ông?

Từ cuối năm 2010 đến nay có khá nhiều động đất xảy ra tại Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An và ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu… Đúng là so với các năm trước đó, trong giai đoạn nêu trên, động đất xảy ra nhiều hơn và có xu hướng gia tăng. Các trận động đất này được xếp vào loại trung bình và yếu, duy chỉ có trận động đất xảy ra ngày 31.12.2010 tại sông Mã (Sơn La) là có cường độ 5,5 độ Richter. Các đợt địa chấn này chứng tỏ các đới đứt gãy ở nước ta đang hoạt động mạnh và không loại trừ chu kỳ động đất mạnh đang lặp lại.

Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết theo tiêu chuẩn, những công trình nào ở nơi có khả năng xảy ra chấn động cấp 7 theo thang động đất quốc tế MSK thì bắt buộc phải thi công chống động đất. Những vùng rung động trong khoảng cấp 5 - 6 thì tùy tầm quan trọng để quyết định. Hiện nay, các công trình xây dựng ở nước ta đều có thiết kế bảo đảm khả năng chống động đất theo quy định. Lo ngại nhất là với những khu chung cư cũ, xuống cấp.

Theo số liệu chúng tôi ghi nhận được, từ đầu thế kỷ 20, tại VN đã xảy ra động đất mạnh 6,1 độ Richter, liên quan đến hoạt động của núi lửa Hòn Tre. Năm 1935, một trận động đất mạnh 6,5 độ Richter tại Điện Biên. Năm 1983, tại Tuần Giáo (Lai Châu) có động đất 6,8 độ Richter. Như vậy, có thể nhận thấy, cứ sau khoảng 20 - 30 năm, nước ta lại hứng chịu động đất trên 6 độ Richter. Và nếu tính từ trận động đất tại Tuần Giáo năm 1983, đến nay đã trên 24 năm rồi.

Nhiều người cho rằng, kiến tạo mảng đang ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động địa chất ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. Các vùng Tây Bắc, Thanh Hóa, Đô Lương và Yên Thành (Nghệ An), đông bắc Cao Bằng, ngoài khơi Vũng Tàu, Phan Thiết có nguy cơ xảy ra động đất cao.

Thưa ông, khả năng dự báo động đất và cảnh báo sóng thần của chúng ta hiện tại như thế nào?

Hiện con người chưa thể dự báo được khi nào có động đất, diễn ra tại đâu, cường độ thế nào. Tuy nhiên, chúng tôi có một mạng lưới quan trắc địa chất trải rộng gồm 12 trạm trên lãnh thổ VN và thu được tín hiệu động đất của 20 trạm khác trong khu vực. Vì thế, sau vài ba phút, chúng tôi xác định ngay được động đất xảy ra ở đâu, mạnh bao nhiêu độ Richter.

Trong trường hợp động đất tại đới chìm Manila, thuộc vùng biển ngoài khơi Philippines  gây sóng thần thì phải mất ít nhất 2 giờ, sóng thần mới có thể ập vào bờ biển miền Trung nước ta. Với hệ thống tiếp nhận và cảnh báo, chúng ta có thể phát đi cảnh báo sóng thần sau khi động đất xảy ra 10 - 20 phút. Như vậy, chúng ta có hơn 1 giờ để sơ tán dân.

Thưa ông, khi động đất, sóng thần xảy ra, chúng ta nên làm gì?

Khi động đất xảy ra mà chúng ta đang ở trong nhà thì ngay lập tức tìm chỗ trú ẩn, tốt nhất là chui xuống gầm bàn gần nhất, 2 tay ôm gáy và cúi gập người xuống để tránh những vật treo tường rơi trúng. Sau khi rung lắc kết thúc, nhanh chóng rời khỏi nhà, 30 phút hoặc 1 giờ sau, nếu thấy tình hình ổn thì mới nên trở về nhà. Nếu đang ở ngoài trời thì tốt nhất là tránh xa các nhà cao tầng, cây cối. Khi đang lái xe thì tấp ngay vào lề đường và tắt máy.

Khi nghe cảnh báo có sóng thần, những người ở gần bờ biển phải lập tức chạy càng xa bờ biển càng tốt và tìm những vị trí cao để trú tránh. Sóng thần chỉ thực sự nguy hiểm khi vào gần bờ nên những tàu thuyền ở gần bờ nên chạy ngược ra khơi, càng xa bờ càng tốt và tốt nhất là chạy ra khơi theo hướng vuông góc với bờ biển. Người dân phải thật bình tĩnh, tránh hoảng loạn để có những ứng xử phù hợp nhất.

Xin cảm ơn ông!

Quang Duẩn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.