'Chú mèo đi dép' đưa cổ tích vào nhà

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
30/03/2020 06:51 GMT+7

Việc cùng con đọc truyện cổ tích trở nên hấp dẫn và khả thi hơn với các gia đình khi có kênh Chú mèo đi dép .

“Các bạn nhỏ thân mến! Các bạn đang nghe chương trình kể truyện cổ tích phát vào 9 giờ tối hằng ngày trên kênh giải trí Chú mèo đi dép”, giọng đọc ấm áp trên kênh Spotify Chú mèo đi dép đã quá quen với 3 mẹ con chị Đặng Thị Hậu. Quen đến mức 2 con của chị là bé và Cua còn quay cả clip để gửi tặng bác Phong Anh - người đã đọc truyện cổ tích miệt mài trên Chú mèo đi dép. “Con thích nghe bác Phong Anh kể chuyện”, bé Gà nói.
Hiện tại, Chú mèo đi dép là kênh dành cho gia đình và trẻ em hiếm hoi lọt vào top 20 chương trình trên Spotify được tìm nghe nhiều nhất. Chưa kể, con số người nghe này còn tăng vọt trong thời gian vài tháng gần đây khi có dịch Covid-19. Lý giải về việc tăng trưởng nhanh của kênh này, anh Nguyễn Phong Anh - giảng viên truyền thông tự do, lý giải: “Thông thường, tôi phát truyện vào lúc 9 giờ tối. Bố mẹ thường hay cho con nghe tầm giờ đó. Nhưng hiện giờ trẻ con nghỉ học ở nhà cả ngày, bố mẹ cho xem ti vi mãi chắc cũng chán, nên chuyển sang cho nghe truyện cổ tích”.
Điều đó làm anh vui, dù hiện tại ở VN, Spotify chưa có chính sách trả phí cho những người làm nội dung như anh Phong Anh. Lý giải vì sao không chọn YouTube - một kênh dễ tiếp cận, dễ kiếm tiền, anh Phong Anh nói: “Trước đây tôi cũng có làm trên YouTube. Sau đó, tôi thấy nó phổ biến đến mức lúc nào trẻ con cũng bật lên xem được nhiều thứ khác. Trong khi có nhiều nội dung chỉ tính chuyện chạy theo view (lượt xem) đơn thuần, thiếu tính giáo dục. Tôi chọn Spotify, phải có đăng nhập, bố mẹ phải mua tài khoản. Khi đó, con phải dùng điện thoại của bố mẹ, và bố mẹ dễ quản lý con nghe gì hơn”.

Vừa luyện thanh, vừa làm biên kịch

Phong Anh từng có nhiều năm đọc lời bình cho phim tài liệu mà khách hàng đặt sản xuất, tuy nhiên khi “rẽ” sang làm Chú mèo đi dép, anh vẫn phải luyện thanh thêm. “Làm thế nào để giọng đọc ấm hơn, trẻ con thường thích nghe giọng ấm, các mẹ cũng thích nghe hơn. Điều này quan trọng vì tôi muốn tạo ra một hoạt động cho cả nhà cùng nghe”, anh chia sẻ.
Cũng theo Phong Anh, dù có người đọc, nhưng đây vẫn là một hoạt động dành cho cả nhà. Khi bố mẹ cùng nghe, họ có thể tương tác với con như hỏi các tình tiết trong truyện ra sao, hoặc có thể cùng con diễn kịch lại một câu chuyện nào đó. “Tốt nhất là bố mẹ đọc truyện cổ tích trực tiếp cho con. Kênh của tôi chỉ là bổ trợ thôi. Ngay cả khi trẻ nghe, tôi vẫn luôn khuyến khích bố mẹ nên nghe cùng con. Bởi vì khi bố mẹ nghe cùng con thì sẽ có tương tác với con”, anh nói.
Không chỉ luyện giọng, Phong Anh còn kiêm cả biên kịch. Trên thực tế, việc biên tập lại các truyện cổ tích theo hướng gia tăng câu thoại cũng khiến các truyện đọc có sức hút hơn. Anh cũng sửa những câu văn trong truyện sao cho đúng với tiếng Việt hơn, vì khâu biên dịch của nhiều bản sách còn cẩu thả. Anh chia sẵn truyện vào các thư mục như Chuyện cổ Grim, Chuyện cổ tích VN..., giúp việc tìm kiếm truyện dễ dàng, các gia đình có trẻ nhỏ cũng được nghe có hệ thống.
Thông thường, những việc như thế chiếm của Phong Anh ít nhất mỗi ngày 1 - 3 tiếng đồng hồ. Bù lại, có những em bé nghe thường xuyên qua kênh Chú mèo đi dép, trong đó có cả những em bé người Việt ở nước ngoài. “Ít nhất là mình mang lại một giá trị cho xã hội và việc nuôi dạy con cái cũng thuận lợi hơn. Con tôi rất nhuận khẩu, có trí tưởng tượng phong phú, ngôn ngữ rất phát triển”, anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.