Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: Sẽ không ngồi ghế nóng nữa

19/02/2013 02:42 GMT+7

Hôm qua, Chủ tịch LĐBĐ VN (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ đã dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn và có thể cảm nhận rõ tâm trạng buồn vui của ông khi nhiệm kỳ 6 sắp kết thúc.

Hôm qua, Chủ tịch LĐBĐ VN (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ đã dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn và có thể cảm nhận rõ tâm trạng buồn vui của ông khi nhiệm kỳ 6 sắp kết thúc.

Đại hội VFF từ mấy khóa nay luôn là chủ đề rất nóng của công luận và dĩ nhiên, đại hội khóa 7 không phải ngoại lệ. Tiểu ban nhân sự do ông phụ trách đã sắp chuẩn bị xong khâu giới thiệu các chức danh chủ chốt chưa, thưa ông?

Ngày 5.6 sẽ tiến hành đại hội và thời gian hơn 3 tháng không phải nhiều với một khối lượng công việc khổng lồ, đặc biệt quan trọng và then chốt là khâu tìm được các vị trí cao cấp của VFF. Theo quy định của nhà nước và FIFA, chúng tôi đã gửi văn bản để ban chấp hành (BCH) và 77 tổ chức thành viên của VFF giới thiệu nhân sự vào BCH. 4 năm trước, do yêu cầu phải tinh gọn của FIFA, VN đã có cuộc cải cách là rút bớt số lượng BCH từ 39 người xuống còn 23 người. Năm nay, nếu muốn giữ nguyên con số này, VFF cũng phải thuyết phục vì FIFA yêu cầu chỉ nên 19 hoặc 21 người. Giống với nhiệm kỳ 6, nhiệm kỳ này VFF vẫn xóa mô hình phân cấp 2 tầng - quản lý, điều hành mà BCH lãnh đạo trực tiếp và thường trực thực hiện đường lối. Về chức danh lãnh đạo, chúng tôi hy vọng sớm nhận được danh sách giới thiệu để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. Tất nhiên, chức danh chủ tịch hay tổng thư ký phải đáp ứng được các tiêu chí cần thiết.

Thưa ông, dư luận cũng đã đưa ra một số ứng viên được coi là sáng giá, như bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai, bầu Thắng hiện là Chủ tịch VPF hay 2 phó chủ tịch đương nhiệm Lê Hùng Dũng và Phạm Văn Tuấn. Cá nhân ông đề cử ai?

Chắc chắn tôi sẽ không ngồi lại chiếc ghế nóng này nữa rồi. Nhưng giới thiệu ai thì chưa phải lúc này. VFF rất tôn trọng ý kiến của dư luận, xong việc bầu chủ tịch cũng cần có quy trình và hết sức thận trọng, kỳ công. Danh sách giới thiệu phải được BCH chấp nhận và lấy được cảm tình của số đông từ 77 tổ chức thành viên. Anh nào được tín nhiệm cao sẽ được giới thiệu vào chức danh cao nhất. Nghĩa là trong bó đũa, phải chọn được người xứng đáng nhất. Và trong đại hội cũng không phải giơ tay biểu quyết mà bầu đàng hoàng với sự giám sát chặt chẽ tại chỗ của FIFA. Sau khi được đại hội bầu, chủ tịch sẽ bổ nhiệm tổng thư ký do BCH giới thiệu. Chủ tịch phải quản lý giỏi và phải là người làm việc đích thực.

Hai nhiệm kỳ giữ chức chủ tịch, ông tự đánh giá mình điểm mấy trong thang điểm 10?

Tự chấm điểm mình thì khó, nhưng tôi tự thấy mình là người rất thích làm việc, làm có trách nhiệm và chăm chỉ. Trước khi “ra về”, tôi cũng đã kịp lo cho đào tạo trẻ của năm 2013 số tiền đầu tư lớn của nhà nước là 8 tỉ đồng và sẽ tăng dần trong các năm sau. Cơ ngơi của VFF, của trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hiện tại cũng chứng minh công sức của tập thể VFF và của cả cá nhân tôi. Tôi cũng tự hào vì làm xong chương trình đào tạo của FIFA trị giá 500.000 USD. Chức vô địch AFF Cup 2008 của đội tuyển bóng đá nam cũng là một dấu ấn, một thành tích vinh quang không chỉ cho riêng tôi mà còn của chung người VN. Thêm một điều tự hào nữa là tôi đã song hành 13 lần với giải U.21 Báo Thanh Niên - một trong những giải đấu hàng đầu VN và ngày càng có uy tín, giá trị đối với bóng đá VN.

Ông “ra về” đúng vào bối cảnh bóng đá VN đang khủng hoảng, đang trở lại giá trị thật của mình và điều đó có khiến ông bứt rứt, tiếc nuối?

Năm kia, sau khi Sông Lam Nghệ An vô địch V-League, tôi đã từng trả lời Thanh Niên về tín hiệu phát triển “nóng” rất nguy hiểm của bóng đá nội. Không thể lường được, không thể nghĩ được là sau hơn 2 năm, bóng đá Việt lại sa sút như bây giờ. Nhưng bóng đá Việt đang ở trong một quy luật không cưỡng nổi là bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và VN. Bóng đá là sự phản ánh trung thực nhất sự tồn tại của xã hội ở một thời kỳ nhất định. Sự phát triển của bóng đá VN đang trải qua thăng trầm và đang phải trả giá. Một số doanh nhân từ người bình thường giàu có rất nhanh và tung tiền vào nhiều hoạt động, trong đó có bóng đá. Nhiều người làm kinh tế bằng cách bán đất, bán dự án nhưng khi không còn dự án nữa thì không còn tiền nuôi bóng đá, kéo theo những hệ lụy. Phương châm xã hội hóa bóng đá đã bị biến tướng. Điều này làm tôi tiếc nuối. Tôi đã ký công văn gửi UBND các địa phương có đội bóng, yêu cầu phải làm lại, phải có sự gắn kết nhà nước và nhân dân (ở đây là các doanh nghiệp) cùng làm thì mới bền vững, dẻo dai được.

Có thông tin thú vị là ông sẽ về làm CEO ở một CLB nào đó?

Ồ, tôi chưa từng trả lời ai là sẽ làm CEO và chắc chắn tôi không bao giờ làm ở CLB. Đồng hồ đang đếm ngược với tôi...

Lan Phương
(thực hiện)

>> Ông Nguyễn Trọng Hỷ: Không né tránh, đổ lỗi cho hoàn cảnh...
>> Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thăm tuyển
>> Chủ tịch LĐBĐ VN Nguyễn Trọng Hỷ: Liên đoàn không làm BTC giải nữa
>> Chủ tịch LĐBĐVN Nguyễn Trọng Hỷ: HLV ngoại sẽ được quyết sớm
>> Chủ tịch LĐBĐVN Nguyễn Trọng Hỷ: VFF không loại ông Calisto ra khỏi danh sách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.