Ngày 30.5, TTXVN đưa tin, lãnh đạo trung tâm cho biết: “Đã cho tháo các biển quảng cáo, thay toàn bộ đèn thắp sáng bằng hệ thống đèn lồng đặc trưng của Huế; trang phục của nhân viên phục vụ phải mang tính truyền thống (hoặc theo trang phục của chương trình đêm hoàng cung); nhạc phục vụ không được mở âm lượng lớn và chỉ sử dụng những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những bài hát hay về Huế, hoặc nhạc cổ điển; thu hẹp không gian kinh doanh đồng thời mở rộng không gian trưng bày với tủ sách, các bức thư pháp, tranh ảnh tư liệu về đời sống xưa và những hình ảnh về tranh mộc bản triều Nguyễn... để Tứ phương vô sự thực sự là điểm dừng chân lý tưởng của du khách, từ đây cũng có thể quan sát, chiêm nghiệm về Hoàng thành Huế”.
|
|
Thế nhưng, sáng 1.6, PV Thanh Niên đã trở lại lầu Tứ phương vô sự và nhận thấy, ngoài những biển hiệu quảng cáo được tháo xuống (từ ngày khai trương 22.5), một số đèn đã được thay, cờ ngũ sắc không còn treo trên tường nhưng lại treo cao hơn trên tầng 2 của tòa lầu..., mọi hoạt động kinh doanh ở đây vẫn diễn ra bình thường.
Những nội dung như thay đổi trang phục nhân viên phục vụ, thu hẹp không gian kinh doanh đồng thời mở rộng không gian trưng bày... cũng chưa thấy động tĩnh. Cả tầng 1 và 2 của tòa lầu vẫn được đặt bàn ghế để kinh doanh giải khát. Trong lầu Tứ phương vô sự, rất nhiều bạn trẻ đến uống cà phê ăn mặc khá thoải mái, có người mặc cả quần lửng, áo dây lên ngồi trên lầu. Nhiều người vẫn vô tư hút thuốc, nhả khói phì phèo ngay trong di tích. Nhân viên phục vụ vẫn quần jeans và áo xanh được may theo kiểu nửa Tàu nửa Việt, cung cách phục vụ cho thấy các nhân viên chưa có được kỹ năng và kiến thức cần thiết để phục vụ khách đúng chuẩn du lịch. Khu vực pha chế được đặt ngay bên hành lang của tòa lầu, với xô chậu, ly chén... khá luộm thuộm. Và quan trọng hơn, cả một buổi sáng chúng tôi có mặt không hề thấy bóng dáng một du khách nào tìm đến ngắm cảnh tại đây.
Thực tế những gì đang diễn ra ở di tích lầu Tứ phương vô sự theo chúng tôi cần được xem xét lại một cách nghiêm túc. Bởi chủ trương khai thác dịch vụ để “phát huy giá trị di tích, làm cho di tích trở nên sống động hơn” của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế rõ ràng đã không được đơn vị quản lý di tích và chủ kinh doanh ở đây chấp hành nghiêm túc.
Ở box thông tin trong bài Di tích lầu Tứ phương vô sự thành quán cà phê (Thanh Niên ngày 23.5), do PV có sự nhầm lẫn với gác Tứ phương vô sự ở điện Càn Thành, bị triệt giải dưới thời Thành Thái, nên có chi tiết chưa chính xác. Nay xin đính chính lại: Lầu Tứ phương vô sự được xây dựng vào năm 1923, dưới thời vua Khải Định. Sau đó, do thời gian, thời tiết khắc nghiệt và chiến tranh đã làm công trình hư hỏng, đổ nát. Năm 2008, di tích được trùng tu và khánh thành vào tháng 10.2010 với tổng mức đầu tư hơn 9,3 tỉ đồng. |
Bùi Ngọc Long
Bình luận (0)