Chùa cổ có nguy cơ bị xóa sổ

22/09/2012 03:20 GMT+7

Những ngày này, người dân thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng rất bức xúc trước việc ngôi chùa cổ, di tích quốc gia tại địa phương bị sư trụ trì tiến hành xây mới khiến cho cảnh quan biến dạng cực kỳ xấu, còn chùa chính đang có nguy cơ xóa sổ.

Đó là chùa Trà Phương, tên chữ là Thiên Phúc tự. Theo sử sách ghi chép, chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, do dựng trên một gò đất vắng vẻ, cây cối rậm rạp, cách xa chốn quần cư nên ban sơ có tên chùa Bà Đanh. Điều này được chứng minh rất rõ qua những di vật còn sót lại, trong đó có 3 chân cột bằng đá xanh tảng vuông vức, mỗi cạnh khoảng 60 cm, điêu khắc hoa sen mang phong cách đặc trưng của kiến trúc - điêu khắc thời Lý, và một vế đối chữ Hán còn lưu trong chùa “Lý triều khai sáng danh lam cựu” (Triều Lý đã khai mở danh lam này). 

Điều không ngờ, mặc dù là công trình văn hóa kiến trúc xếp hạng quốc gia nhưng sự quản lý lại hết sức lỏng lẻo. Gần như người ta giao phó hẳn cho ni sư Trang trụ trì toàn quyền quyết định, đến mức nhà chùa muốn làm gì thì làm. Ngôi chùa cổ kể từ đợt trùng tu đầu thế kỷ 20 đến nay tuy có không ít hạng mục xuống cấp theo thời gian nhưng về cơ bản vẫn chắc chắn với những hàng cột lim to cao bóng lưỡng, tường đá xây bằng vôi mật trải bao nắng mưa vẫn chắc nình nịch.

 Chùa Trà Phương là di tích quốc gia nhưng sự quản lý rất lỏng lẻo - Ảnh: Nguyễn Thông
Chùa Trà Phương là di tích quốc gia nhưng sự quản lý rất lỏng lẻo - Ảnh: Nguyễn Thông

Những cây nhãn cổ thụ hơn 400 năm tuổi tuy xác xơ hơn hồi xưa vẫn tỏa bóng xanh trùm lên mái ngói cổ. Nhưng vị ni sư Trang trụ trì dường như thấy sự xưa cũ ấy kém giá trị, muốn làm lại tất tật theo phong trào chùa to tượng lớn, muốn bê tông hóa di sản. Điều lạ nữa ở chỗ, chính quyền xã Thụy Hương đã đồng ý với “cuộc cách mạng chùa” đó mà không hề tham khảo ý kiến các cơ quan quản lý văn hóa hoặc báo cáo lên cấp trên. Bằng chứng là họ nhiệt tình tham gia vào lễ động thổ xây chùa mới.

Theo điều 34 luật Di sản văn hóa, “việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải được dựng thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải bảo đảm giữ gìn tối đa những yếu tố của di tích”. Hình như người trụ trì chùa Trà Phương và chính quyền xã Thụy Hương không quan tâm đến luật này nên mới quyết định làm lễ động thổ xây dựng chùa mới to lớn hoành tráng hơn. Lễ được tiến hành hồi giữa tháng 4.2012 nhưng may mắn là có người thấy được sự vô giá của ngôi chùa cổ ngàn năm lịch sử, đã gọi điện ngay cho mấy vị lãnh đạo chính quyền huyện. Đích thân ông Nguyễn Duy Bình - Chủ tịch UBND H.Kiến Thụy, đã lắng nghe, cử ngay người đến xem xét sự việc. Vì vậy, dù lễ động thổ đã diễn ra nhưng việc thi công bị tạm dừng ngay, chờ các cấp có thẩm quyền giải quyết.

Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương rất bất bình, nói rằng nhà chùa vẫn âm thầm xúc tiến, thực hiện cho bằng được việc xây chùa mới.

Lưu giữ nhiều cổ vật

Hiện nhà chùa còn lưu giữ nhiều văn vật vô giá, đặc sắc về điêu khắc, kiến trúc, như 2 bức tượng đá Hoàng đế Mạc Đăng Dung và Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, đôi sấu đá, các tấm bi ký đều tạc từ thế kỷ 16, chân đá tảng hoa sen từ thời nhà Lý, các kiến trúc đậm dấu ấn phong cách thời Mạc, Nguyễn.

Năm 2007, chùa Trà Phương được Bộ Văn hóa - Thông tin trao bằng xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Chùa Trà Phương ngày nay vừa là một di tích lịch sử - văn hóa vừa đóng vai trò một bảo tàng nghệ thuật thời Mạc ít nơi nào có được.

Nguyễn Thông

>> Chưa có chủ trương cho nghiên cứu đầu tư xây dựng mới chợ Đông Ba
>> Cháy lớn tại ngôi chùa cổ trên 800 năm tuổi
>> Chưa có giá giường bệnh nằm... hành lang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.