Chưa tách được vốn ra khỏi các bộ

12/11/2014 05:10 GMT+7

Dù dự án luật Quản lý đầu tư vốn nhà nước cho sản xuất, kinh doanh đã được Quốc hội cho ý kiến từ kỳ họp trước và đã chỉnh lý, nhưng khi trình lấy ý kiến lần cuối vào hôm qua, vẫn có một số điều khoản quan trọng chưa được đồng tình.

ĐB Trần Ngọc Vinh tham gia thảo luận tại hội trường - Ảnh: Ngọc Thắng

Hầu hết các đại biểu (ĐB) đều có ý kiến về mô hình đại diện sở hữu vốn tại doanh nghiệp (DN) nhưng dự án luật đã không có điều nào quy định về vấn đề này.

Để các bộ tập trung nghiên cứu chính sách

 

 

Cần có cơ chế xử lý nhanh

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề xuất Chính phủ thành lập Tổng cục Quản lý vốn nhà nước tại DN, trên cơ sở nâng cấp Tổng công ty đầu tư - kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn. Bên cạnh đó, ĐB này cũng đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định chế tài đủ mạnh xử lý nếu người đại diện vốn nhà nước tại DN có sai phạm. “Luật này cần có cơ chế xử lý nhanh nếu lãnh đạo DN để tình trạng kinh doanh đi xuống nghiêm trọng”, ông nói.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, sau này nhà nước sẽ hình thành những tập đoàn kinh tế lớn nhưng như hiện nay, vai trò giám sát của QH chưa rõ nên cần có cơ chế để QH có thể giám sát các tập đoàn.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng dự luật cần quy định thành lập cơ quan ngang bộ quản lý vốn nhà nước tại DN mới tạo đột phá. Nếu làm được việc này, các bộ sẽ tập trung hơn vào nghiên cứu chính sách. “Tôi nghĩ đây là thời điểm đã chín mùi để khắc phục lỗ hổng quản lý, tránh những sự việc nghiêm trọng ở một số tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước đã diễn ra trong thời gian qua”, ĐB này nói.

Đồng tình với đề xuất này nhưng ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng luật không nên quy định “cứng” vì đây là vấn đề quan trọng, cần tính toán thấu đáo. Nếu có cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thì cơ quan này không được trực tiếp tham gia, điều tiết thị trường, không áp đặt mệnh lệnh hành chính lên hoạt động DN.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thì sốt ruột: “Chúng ta cứ phải băn khoăn mô hình nào. QH đã bàn luận mãi về chuyện tách bạch chức năng quản lý và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhưng chưa thấy tiếp thu, cứ đổ qua đổ về. Cái lớn nhất đã làm không được thì luật này có ra cũng không giải quyết vấn đề gì cả”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã cũng lo ngại: “Nếu chưa xác định cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thì sẽ rất khó. Hiện nay, các bộ đều đã có vụ quản lý về DN. Cho nên, nếu chưa thành lập, lại vẫn để các bộ quản lý”.

“Phải giám sát cả trước và trong”

Nhiều ĐB cho rằng quy định về thu nhập, lương của lãnh đạo các DNNN chưa rõ ràng.

Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): “Quy định về tiền lương, thu nhập của lãnh đạo DNNN còn chung chung. Tôi không rõ thước đo về hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo DNNN, nhất là người quản lý trên lĩnh vực công ích dựa trên tiêu chí nào”.

ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cũng cho rằng các quy định về tiền lương, thù lao cho người quản lý DNNN rất thiếu cụ thể để đánh giá mức lương cán bộ lãnh đạo DN là bao nhiêu để tính trên hiệu quả điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi nhuận sau thuế, mức độ hoàn thành công việc. Theo ĐB này, cần quy định kỹ để tránh chênh lệch quá lớn với người lao động.

Một số ĐB đề nghị quy định chi tiết hơn, thêm các chi tiết về hoạt động thanh tra, giám sát vốn nhà nước tại DN. ĐB Đỗ Văn Vẻ nhận xét: “Quy định như dự thảo luật là không đủ vì mới chỉ thanh tra, giám sát sau, chúng ta cần phải giám sát cả trước và trong khi các DNNN sử dụng vốn, đầu tư thì mới có tác dụng ngăn ngừa, chống thất thoát, lãng phí vốn”.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị luật hóa hết các quy định thanh tra, kiểm tra dưới luật hiện nay và DN có quyền từ chối các hoạt động thanh tra, kiểm tra không đúng luật.

Mạnh Quân

>> Tách vốn nhà nước ra khỏi bộ, ngành
>> Kiến nghị bỏ luật Đầu tư
>> Hoãn trình luật Đầu tư công, mua sắm công
>> Thực hiện luật đầu tư không cần thông tư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.