Chuẩn bị đối phó với bão số 7: Trăm sự nhờ bao cát!

31/10/2006 11:12 GMT+7

Sau bão Xangsane, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận định: ”Tôi đi nhiều nơi, thấy nhà nào, dù cấp 4 thôi, chịu khó bỏ bao cát lên mái thì chẳng việc gì”. Chính vì vậy, khi nghe tin bão số 7 (bão Cimaron) sắp đổ bộ, người dân Đà Nẵng, Quảng Nam đổ xô đi mua bao cát. >> Miền Trung căng thẳng trước giờ bão đến

Nhà nhà đi mua bao cát

Cơn bão Xangsane khủng khiếp đi qua, đa số người dân bị nạn chưa kịp gượng dậy, nay lại nghe thông tin cơn siêu bão số 7 Cimaron sắp đi vào các tỉnh miền Trung. Thế là nhà nhà đổ xô đi mua cát về vô bao để chần lên mái nhà mà họ đã chắt chiu từng đồng mua tôn vừa mới lợp lại xong. Cát lại lên ngôi, giá cát từ 10.000đ/một chiếc xe bò (0,3m3) mua tại các cửa hàng bán vật liệu xây dựng, nay giá đội lên tới 20.000đ. Giá cát bây giờ là thời sự, cát "cháy hàng" mua không ra, như hàng tôn đã từng xảy ra sau bão.

Anh Quang, nhà ở phường Hòa Cường Bắc nét mặt ưu tư khi nói về chuyện “làm giá” quá lộ liễu của những người bán bao cát dọc đường Ông Ích Khiêm. “Họ tranh thủ lúc khó khăn này mà bắt chẹt dân nghèo thì mất nhân tính quá. Ai cũng biết kinh doanh thì phải có lãi. Nhưng đằng này họ bán với cái giá kinh khủng thế này, ai mà chịu cho nổi”. Không riêng gì anh Quang, hàng chục ngàn người dân TP Đà Nẵng đều kêu ca về chuyện lên giá đột ngột của mặt hàng “để đầy trên sạp” chẳng ai thèm đụng này. Từ giá chỉ 300-500đ/cái, đến ngày 30/10 thì lại “đủ giá”, có nơi 1.500 đồng, có nơi 2.000 đồng, có nơi thậm chí lên đến 3.000đ/cái. Mỗi gia đình dù nhỏ hay lớn cũng phải mua ít nhất từ 20 đến 30 cái để chèn chống nhà cửa, vì vậy, lợi nhuận từ mặt hàng này là rất lớn.

Có mặt tại khu vực ngã tư đường Ông Ích Khiêm - Hùng Vương, nơi chuyên cung cấp sỉ lẻ các mặt hàng bao cát, mới thấy cảnh mua bán mặt hàng này một cách "sôi động" chưa từng thấy. Nhà cung cấp bao cát sỉ lên giá một thì mấy người bán lẻ hô giá lên mười. Anh Thái Phương, nhà ở đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà nhăn nhó khi nghe chúng tôi hỏi về công việc chằn chống nhà cửa trước khi bão vào đất liền. “Mấy anh hỏi giúp bọn tui mấy ông Quản lý thị trường, mấy ông bên Sở Thương mại đi đâu hết rồi, mà để người ta lợi dụng tình hình bán giá cao như vậy. Miệng mấy ổng lúc nào cũng kêu đã bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Nhưng anh xem, bình ổn kiểu này có ổn không?”.

Dạo quanh các đường phố, nơi những điểm lâu nay chuyên bán vật liệu xây dựng cũng tranh thủ đổ cát vào bao và bán với giá... đội nóc 5.000 - 7.000 đồng/bao. Hỏi một ông chủ mồ hôi nhễ nhại đang tranh thủ thu tiền từ khách hàng: ”Anh ơi, cả cát, cả bao trọng lượng chưa đầy 5kg mà sao bán giá cao vậy?”. Ông này lừ mắt rồi phán ngay một tràng: ”Đi mà hỏi mấy cha cung cấp cát, bán bao chứ hỏi gì tui. Cát lên giá hơn 10.000 đồng/khối thì tui phải bán giá lên chứ. Đó, thấy không còn phải thuê người vào bao, cột miệng...”. Nếu khách hàng có nhu cầu vận chuyển tận nhà, các chủ cửa hàng vật liệu xây dựng cũng sẵn sàng đáp ứng. Tùy từng địa điểm, hẻm sâu hay thuận lợi mà giá cả vận chuyển bao cát cũng theo đó tăng lên. Khảo sát vài khách hàng, thì giá chỉ có tăng chứ không hề giảm!

Tận dụng xe máy để chở cát về nhà. Ảnh D.H

Trước đây giá cát chỉ từ 10.000đ/1 chiếc xe bò (0,3m3) mua tại các cửa hàng bán vật liệu xây dựng, nay giá đội lên tới 20.000đ. Giá cát bây giờ là thời sự, cát "cháy hàng" mua không ra, như hàng tôn đã từng xảy ra sau bão. Để đỡ tốn kém, những hộ dân ven biển tranh thủ xúc cát biển về chằn nhà. “Đỡ tiền được đồng nào hay đồng nấy, chằn xong nhà mình, có khi tui còn mang đất xuống phố bán kiếm ít tiền!”, anh Hoàng nhà ở P.Xuân Hà, Q.Thanh Khê hồ hởi nói với PV sáng kiến của mình.

Bên cạnh bao cát là đinh, dây nhựa... tuy không khan hiếm như trong và sau bão Xangsane, nhưng giá cũng tăng vọt không kém, và rất khó mua. Bên cạnh đó là các loại đèn pin, máy nổ... cũng bán chạy không kém. Tại các chợ ở Đà Nẵng, giá cả các loại thực phẩm cũng bắt đầu rục rịch tăng, và người dân cũng mua hàng dự trữ. Các mặt hàng cá khô xuất hiện và người mua đông chẳng kém các mặt hàng thịt, cá, rau...

Đắt hàng nhờ rút kinh nghiệm từ bão Xangsane

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chỉ ra những yếu kém cần khắc phục ngay để có thể đối phó với các cơn bão khác, trong đó có bão số 7 sắp đổ bộ vào Việt Nam. Theo ông Cao Đức Phát, cần thiết lập ngay hệ thống thông tin liên lạc xuyên suốt, chính xác từ trung ương đến các địa phương, quận huyện, xã phường để chỉ đạo kịp thời. Các địa phương phải lập kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể, rõ ràng về việc di dời dân, ai đi, đi đến đâu, bằng phương tiện gì; chỗ ở thế nào, cấp nước sạch, lương thực ra sao... chứ không nên vá víu, tạm bợ, nước đến chân mới nhảy.

Trong cuộc họp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Bộ, Ngành, Trung ương với chính quyền các tỉnh, thành Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam vào ngày 28/10, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: ”Sau bão, tôi đi nhiều nơi kiểm tra tình hình thiệt hại. Thấy nhà nào, dù cấp 4, có dằn trên mái vài chục bao cát đầy ứ thì không bị suy suyển một tấm tôn nào. Nhiều nhà xây cao tầng, trên lợp tôn, nhưng chủ quan không bỏ bao cát thì y như rằng, tôn bay, tường ngã, nhà sụp ngay”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng kêu gọi chính quyền các địa phương hãy nhanh chóng phổ biến kinh nghiệm chống bão hiệu quả của những hộ dân này để hạn chế thiệt hại trong việc phòng tránh bão Cimaron. Ngay cuộc họp của UBND TP Đà Nẵng vào sáng 30/10, đại diện UBND quận Cẩm Lệ cũng đề xuất phương án kêu gọi người dân thành phố biển hãy tập trung phòng tránh bão bằng biện pháp dân gian, vừa rẻ vừa hiệu quả này. Không những nhà dân, mà ngay cả các công sở, trường học, trạm y tế cũng đều phải cử người tham gia đổ cát vào bao, vận chuyển lên dằn mái. Nếu không, hàng chục tỷ đồng vừa bỏ ra khắc phục tạm bợ những mái trường sẽ theo gió mà bay đi!

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Chính đồng ý ngay đề xuất này, và lệnh cho các quận, huyện phổ biến ngay cho dân. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý những hộ nào có nhà cửa vừa mới khôi phục, quá yếu, không đảm bảo tính mạng thì di dời ngay, không chậm trễ.

Người dân chằn chống nhà cửa. Ảnh H.T

Hữu Trà - Diệu Hiền - Gia Nguyễn - Đ.N.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.