Chuẩn - Tại sao không?

20/05/2006 21:33 GMT+7

Xã hội càng phát triển, các hoạt động trong cộng đồng xã hội không thể không theo một tiêu chuẩn, quy cách khoa học, chính xác, rõ ràng. Thực tế ở nước ta, một thời gian rất dài tình trạng "loạn chuẩn" hay "chuẩn quy định cho có, không ai thực hiện" đã dẫn đến nhiều tiêu chuẩn lẽ ra phải vì lợi ích người dân lại xảy ra tình trạng ngược lại.

Khí thải độc hại của xe cơ giới mặc sức xả

Có một điều hết sức lạ lùng, đều là chiếc xe ô tô của cùng một hãng nhưng nếu nó sản xuất tại Việt Nam thì sẽ không thể xuất khẩu sang các nước khác được. Nguyên nhân chính của tình trạng này là chúng ta chưa có một chuẩn mực tốt, buộc các nhà sản xuất phải áp dụng. Không có tiêu chuẩn nên mọi hậu quả đều đổ lên đầu người dân. Chẳng hạn theo một khảo sát, do không áp dụng tiêu chuẩn khí thải của Euro, trên một con đường dài khoảng 100 km, một xe ô tô đã thải ra môi trường 0,5 kg khí độc hại. Riêng tuyến quốc lộ 5, một ngày các loại ô tô đã thải ra môi trường hàng trăm kg khí thải độc hại. Trong khi các nước Nhật, châu u đã quy định buộc các loại xe ô tô phải đảm bảo tiêu chuẩn khí thải Euro 3, Euro 4 từ lâu thì ở Việt Nam, từ 1/7/2006 chúng ta mới áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao ta không áp dụng luôn tiêu chuẩn khí thải Euro 3, Euro 4?

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cho rằng trong điều kiện hiện tại của ta, nếu áp dụng tiêu chuẩn Euro 3, Euro 4 là không tưởng. Họ lập luận: tiêu chuẩn Euro liên quan chặt chẽ với chất lượng nhiên liệu mà chất lượng xăng của ta quá kém, rồi nếu áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 thì giá xe sẽ đội lên rất cao. Nhưng thực tế, giải quyết các vấn đề này không phải quá khó. Thứ nhất, chúng ta chưa sản xuất xăng mà phải nhập. Việc đổi nhập loại xăng này chuyển sang nhập loại xăng khác là rất đơn giản. Còn về công nghệ, Việt Nam hoàn toàn chưa có công nghệ ô tô mà công nghệ là của các hãng ô tô trên thế giới mang vào. Tại sao các hãng ô tô có mặt ở Việt Nam họ đều làm được ô tô đảm bảo tiêu chuẩn khí thải Euro 4 ở các nước khác, còn ở Việt Nam lại không? Có hai cách để giảm khí thải cho xe ô tô, một là áp dụng ngay công nghệ tiên tiến vào sản xuất, hai là sử dụng thiết bị làm giảm khí thải. Đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất thì chi phí sẽ đẩy lên rất lớn, nên nhiều nước áp dụng cách thứ hai là sử dụng thiết bị lọc khí thải. Một chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế máy ô tô ở Đức tiết lộ: "Nói áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 sẽ đẩy giá xe lên quá cao là không đúng. Giá các thiết bị lọc khí đắt lắm cũng chỉ 200 - 300 USD là cùng".

“Tại sao không?” phát sóng 10 - 11h sáng chủ nhật hằng tuần trên VTV1. Chương trình phối hợp thông tin với báo Thanh Niên do HauMi Cross-Media và Trung tâm THVN tại TP.HCM sản xuất.

Tương tự, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường giao thông cho biết: Cùng một loại xe máy nhưng chiếc xe lưu hành ở Nhật, Singapore hoàn toàn khác với xe lưu hành ở Việt Nam, bởi nó có tiêu chuẩn khí thải tốt hơn nhiều so với ở ta. Theo Cục Đăng kiểm, 2 triệu mô tô, xe máy đang lưu thông ở Hà Nội, mỗi năm thải ra không khí khoảng trên 16 tấn khí thải HC và NOx. 16 triệu mô tô, xe máy của cả nước, một năm sẽ thải ra môi trường gần 150 tấn khí thải. Đây là loại khí thải độc hại, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Ông Cao Xuân Vịnh, Trưởng phòng Môi trường, Cục Đăng kiểm dẫn chứng cụ thể: "Vào những ngày hè, mỗi khi tan tầm, bạn bị tắc đường đôi khi thấy mình bị khó thở hoặc tức ngực. HC và NOx chính là nguyên nhân của tình trạng này".

Từ trước đến nay, mọi người đều cho rằng chi phí để sản xuất những chiếc xe không thải ra khí độc hại rất đắt. Thực tế không phải như thế. Nếu sử dụng bộ xúc tác để làm giảm thiểu khí thải thì các nước đang phát triển vẫn có được những chiếc "xe sạch". Ngay ở trong nước cũng đã có một số đơn vị nghiên cứu, sản xuất được bộ xúc tác làm giảm khí thải độc hại. PGS Phạm Minh Tuấn, Trưởng bộ môn Đốt trong, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: "Hiệu quả của những bộ chuyển đổi xúc tác rất tốt, giảm được 38% khí thải CO, 57% khí NOx, lượng độc hại trung bình giảm được 46%". Giá cả của bộ xúc tác cũng không đắt, chỉ khoảng 100.000 - 150.000 đồng/bộ.

Bây giờ thì đã rõ, chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế được các chất độc hại thải ra môi trường, chỉ có điều các cơ quan chức năng chưa ra những quy định cụ thể quản lý vấn đề này.

Vàng nữ trang thiếu tuổi

Mỗi năm, thị trường Việt Nam tiêu thụ hàng chục tấn vàng nữ trang, riêng tại TP.HCM chiếm khoảng 70%. Các đơn vị sản xuất vàng nữ trang tại TP.HCM đưa ra thị trường khoảng 2,5 triệu sản phẩm nữ trang mỗi năm. Ngoài một số đơn vị kinh doanh vàng nữ trang có uy tín (hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay) thì hàng ngàn doanh nghiệp kinh doanh vàng muốn lời cao đã làm ra những sản phẩm nữ trang lệch chuẩn. Trên mỗi sản phẩm nữ trang đóng dấu 18k (75%), nhưng thực tế hàm lượng vàng chỉ có 68%, 65%, thậm chí 51%. Đây là thực tế nhức nhối khiến người tiêu dùng bị "móc túi" công khai do tình trạng vàng thiếu tuổi. Vàng nữ trang được xem là loại hàng hóa thông thường nên các doanh nghiệp kinh doanh tự đăng ký và chịu trách nhiệm về chất lượng đăng ký.

Chất lượng vàng nữ trang hiện chưa có tiêu chuẩn quy định cụ thể. Ảnh: D.Đ.Minh

Tiêu chuẩn hàm lượng vàng tối thiểu phải đạt bao nhiêu vẫn chưa được các cơ quan quản lý nhà nước quy định rõ đã tạo ra sự gian lận này. Trên những món nữ trang vàng, thay vì ký hiệu hàm lượng vàng bằng số thì người kinh doanh có thể yêu cầu thợ làm vàng ghi bằng chữ như SL (65%), ST (có thể hiểu 64% hay 68%)... Nhiều nơi trên thế giới ban hành những quy định về tiêu chuẩn vàng nữ trang rất chặt chẽ nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Chẳng hạn, tại Ấn Độ, nữ trang vàng phải đạt tiêu chuẩn BIS gồm 7 loại tuổi (23, 22, 21, 18, 14, 12 và 9k) cùng với 9 hệ thống kiểm định chất lượng vàng trong cả nước; còn tại Hồng Kông, Malaysia vàng được quy định 5 loại tuổi (24, 22, 18, 14, 12k), nếu cơ quan chức năng phát hiện gian lận tuổi vàng nữ trang sẽ bị phạt rất nặng... Ở Việt Nam, do chưa có những quy định hàm lượng vàng, xử phạt nghiêm nên có một quy luật bất thành văn giữa người mua cũng như người bán vàng là "mua đâu, bán đó" (!).

Cốt nền chuẩn ở đâu?

Tại TP.HCM, mùa mưa nước ngập đã đành, mà ngay mùa khô nước cũng ngập tại nhiều con đường, khu vực. Ngập nước trở thành nỗi ám ảnh, căn bệnh kinh niên ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu cư dân và làm xấu đi cảnh quan đô thị. Việc chống ngập tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng từ năm này qua năm khác, nhưng rút cuộc việc xóa ngập không những không giải quyết dứt điểm mà còn phát sinh những điểm ngập mới. Nguyên nhân gây ngập thì có nhiều: kênh rạch bị san lấp, nhà cửa xây cất lấn chiếm cống thoát, xả rác bừa bãi... nhưng đặc biệt cốt nền chuẩn trong xây dựng, quy hoạch hầu như không ai quan tâm.

Trước năm 1975, nước ta sử dụng hai cao độ chuẩn so với mực nước biển: miền Bắc dùng Hòn Dấu (Hải Phòng) làm mốc 0, miền Nam sử dụng Mũi Nai (Kiên Giang) làm mốc 0. Sau ngày giải phóng, cả nước thống nhất về một mốc chuẩn quốc gia là mốc 0 ở Hòn Dấu. Từ mốc 0 sẽ dẫn chiếu về các tỉnh, đô thị trung tâm, xây dựng các cốt nền chuẩn để làm cơ sở cho việc quy hoạch, xây dựng công trình...

Tại TP.HCM, cốt nền chuẩn chưa phủ kín thành phố (mới thí điểm xây dựng cốt nền tại 3 địa bàn là Q.2, Tân Bình và Tân Phú), nên công tác quy hoạch, xây dựng nhiều nơi thực thi loạn xạ. Nhiều con đường mới mở, người dân phải chạy đua với công trình: đường nâng lên thì ngập hẻm, hẻm lên thì ngập nhà, dân phải tôn nền thật cao để tránh ngập. Ở một số quận, trong 2 dự án liền kề thì dự án làm trước nền thấp, dự án làm sau nền cao... Mới đây, bàn về giải pháp chống ngập lụt khi xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), cốt nền cũng có ý kiến khác nhau. Theo đề xuất của Công ty SaSaKi (Nhật Bản) - đơn vị trúng thầu thiết kế khu đô thị mới Thủ Thiêm - một trong những giải pháp chống ngập là nâng cốt nền lên 2,5m, trong khi có ý kiến khác đề nghị "hạ cốt" còn 2m. Bởi cốt nền cao thì tốn nhiều đất cát san lấp, tốn kém kinh phí, nhưng cốt nền thấp liệu có thoát ngập?...

Mỗi khi mùa mưa tới, nhiều khu vực ở TP.HCM như một biển nước mênh mông. Nhiều con đường như Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Đinh Bộ Lĩnh, Minh Phụng, 3 Tháng 2... nước dâng cao từ 0,5 - 0,8m trở nên bình thường. Từ năm 2001, người ta xác định toàn TP.HCM có khoảng trên 100 điểm ngập. Sau 5 năm chống ngập, các điểm ngập xóa chỗ này lại mọc ra chỗ khác, thậm chí mực nước có chỗ còn dâng cao hơn. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng đó là vì cốt nền chuẩn lâu nay bị bỏ trống, không ai quản lý.

Cùng làm truyền hình, Tại sao không?

Mời tham gia ý tưởng và sản xuất phóng sự - chân dung cho chương trình "Tại sao không?" VTV1. Mời bạn tham gia vào quá trình sản xuất chương trình truyền hình "Tại sao không?" bằng cách gửi ý kiến góp ý, gợi ý, giới thiệu câu chuyện, nhân vật và trao đổi khả năng làm phóng sự, chân dung... về địa chỉ thư điện tử TSK@taisaokhong.com.vn, hoặc gửi thư về:

* Báo Thanh Niên 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP Hồ Chí Minh (Thư đề gửi Chuyên mục Tại sao không? của Thanh Niên chủ nhật)

* HauMi Cross-Media  168 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.21, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. (ĐT: 0983056347 - 0912570036)

Những ý tưởng được sử dụng sẽ được trả nhuận bút. Các videoclip đạt chất lượng phát sóng trên VTV sẽ được nhà sản xuất HauMi Cross-Media mua với giá thỏa thuận để đưa vào chương trình giữ nguyên tên tác giả.

Câu hỏi dành cho khán giả

Có bao nhiêu phần trăm Tiêu chuẩn Việt Nam hiện tại tương ứng với tiêu chuẩn quốc tế:
a/ khoảng 20%
b/ khoảng 40%
c/ khoảng 60%
d/ khoảng 80%
Bạn có thể trả lời bằng các cách sau: nhắn tin hoặc điện thoại đến tổng đài 1900 1758; tham gia trả lời trên giao diện của website
www.taisaokhong.com.vn hoặc gửi về hộp thư điện tử TSK@taisaokhong.com.vn.

Phần thưởng của chương trình gồm: 1 giải nhất 1.000.000 đồng kèm quà tặng của chương trình TSK?; 2 phần thưởng là quà tặng của chương trình TSK? dành cho những bạn có câu trả lời chính xác và nhanh nhất.

Xuân Toàn - Thanh Xuân - Trần Hùng - Bích Hạnh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.