Chức danh chưa đủ đánh giá giảng viên

28/05/2013 15:58 GMT+7

(TNO) Sáng nay 28.5, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo trực tuyến ba đầu cầu (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM) nhằm lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Trong nhiều vấn đề được đưa ra mổ xẻ, đại diện nhiều trường ĐH, CĐ cho rằng khâu trọng yếu là xử lý giảng viên sau khi được đánh giá.

>> Sinh viên đánh giá giảng viên (!)
>> Gần 90% SV muốn được đánh giá giảng viên

Nhầm lẫn tiêu chí

Hoạt động lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên được Bộ GD-ĐT bắt đầu thí điểm vào năm 2008, chính thức triển khai đại trà vào năm 2010. Suốt từ đó đến nay, các trường đều triển khai tự phát khi không có bộ tiêu chuẩn chung thống nhất từ Bộ.

 Chức danh chưa đủ đánh giá giảng viên
Giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học - Ảnh: Hà Ánh

Trước dự thảo 7 nội dung người học cần phản hồi ý kiến về hoạt động giảng dạy của giảng viên được Bộ ban hành ngày 25.5, ông Đỗ Diên, Phó trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), cho biết: “Rất khó để thống nhất một phiếu khảo sát chung cho tất cả các trường vì mỗi trường có đặc thù riêng. Nên chăng, Bộ chỉ cần nêu ra tiêu chí đánh giá để các trường tự xây dựng bộ công cụ đánh giá riêng phù hợp với trường mình”.

Còn tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thì cho rằng các tiêu chí đánh giá mà bản dự thảo đặt ra dường như giống với chuẩn mực giảng viên hơn là tiêu chí đưa ra để đánh giá. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc đánh giá của sinh viên vì rất khó cảm nhận”.

Cũng theo tiến sĩ Dũng: Tôi thấy một số trường xây dựng câu hỏi đánh giá gồm cả chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, chuẩn đầu ra… Điều này cho thấy các trường đang bị nhầm lẫn về mục tiêu đánh giá chất lượng nhà trường với chất lượng giảng dạy của giảng viên.

Một giảng viên có tự trọng và trách nhiệm, khi nhìn vào kết quả đánh giá của sinh viên sẽ tự biết mình phải làm gì. Hơn nữa, việc đánh giá nên tiến hành với mục đích thúc đẩy sự phát triển không ngừng của giảng viên, không phải vì mục đích đẩy giảng viên ra khỏi trường

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
“Hành chính hóa” với giảng viên?

Trong bài phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Hải Thập, Phó cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT), nói: “Theo thống kê mới nhất, cả nước hiện có 59.712 giảng viên ĐH và 24.437 giảng viên CĐ. Xét về trình độ đào tạo và chức danh, về cơ bản đội ngũ giảng viên bậc ĐH và CĐ của chúng ta hiện nay đã đạt chuẩn, thậm chí trên chuẩn. Tuy nhiên, để đánh giá chất lượng giảng viên thì chức danh thôi chưa đủ, còn cần phải nhìn nhận qua hoạt động giảng dạy thực tiễn, từ nội dung tài liệu, phương pháp giảng bài, nghiệp vụ sư phạm…”.

Từ đó, ông Thập cho rằng, để đánh giá đúng chất lượng giảng viên, hoạt động lấy ý kiến phản hồi từ người học thực sự cần thiết, và đây chính là khâu quan trọng nhất để góp phần cải thiện chất lượng đào tạo nhà trường.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Sáu, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, cho biết: “Trường chúng tôi đã mạnh dạnh sử dụng kết quả khảo sát vào việc đánh giá thi đua khen thưởng của giảng viên. Trường hợp giảng viên được xếp loại A sẽ có mức tiền thưởng từ 2 đến 3 tháng lương, tính ra cả mấy chục triệu đồng. Chính điều này đã khiến giảng viên cố gắng hoàn thiện bản thân hơn”.

Ông Đỗ Diên đề xuất: “Nên chăng đặt ra chế tài nào đó để điều chỉnh hoạt động giảng dạy của giảng viên sau khi khảo sát. Trường mong muốn Bộ cần có quy định pháp lý bắt buộc giảng viên phải tham gia đánh giá trong mỗi năm học”.

Hà Ánh

>> Các trường ĐH, CĐ bắt buộc kiểm định chất lượng giáo dục
>> 91 trường tham gia kiểm định chất lượng giáo dục
>> ĐH Quốc gia TP.HCM xây dựng lại chuẩn đầu ra
>> Chuẩn đầu ra cách xa thực tế
>> SV được lợi gì ở “chuẩn đầu ra”?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.