Chứng khoán lao dốc, vàng 'nhảy múa' thất thường

10/03/2020 07:46 GMT+7

Hôm qua (9.3), thị trường tài chính thế giới lẫn Việt Nam đều biến động mạnh do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư toàn cầu vì dịch bệnh Covid-19 vẫn đang lây lan tại nhiều nước.

Chứng khoán bốc hơi 10,5 tỉ USD

Giá dầu trên thị trường quốc tế đầu ngày 9.3 rơi tự do với mức giảm có lúc lên hơn 30% ngay khi mở cửa thị trường trên thị trường châu Á. Điều này diễn ra sau khi Saudi Arabia bắt đầu cuộc chiến giá cả với Nga bằng cách giảm giá bán chính thức và công bố kế hoạch tăng sản lượng giữa lúc nhu cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19.
Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc chiến vùng Vịnh 1991 đến nay khiến tâm lý nhà đầu tư khắp nơi lo lắng. Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 5 trên sàn ICE để mất 31% tương đương 14,25 USD, xuống 31,02 USD/thùng. Nhưng sau đó giá dầu hồi phục nhẹ và chỉ còn giảm 21,58% xuống 35,5 USD/thùng. Thậm chí Ngân hàng Goldman Sachs đã cảnh báo giá dầu có thể xuống gần 20 USD/thùng.
Giá dầu sụp đổ cũng kéo theo thị trường cổ phiếu đồng loạt đi xuống khắp nơi tại châu Á, châu Âu khi mở cửa sau đó (vào buổi chiều giờ Việt Nam). Cuối phiên, thị trường chứng khoán VN cũng chìm sâu trong sắc đỏ khi VN-Index giảm 6,28%, tương đương mất 55,95 điểm xuống còn 835,49 điểm, tương đương 10,5 tỉ USD và HNX-Index cũng mất đi 6,43% xuống còn 106,34 điểm.
Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng 18 năm qua, kể từ năm 2002. Tương tự, nhiều thị trường chứng khoán tại châu Á cũng đóng cửa phiên giao dịch với mức giảm sâu trong nhiều năm qua.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định: “Hiện nay nhà đầu tư nói riêng và người dân khắp nơi đang sợ hãi vì dịch bệnh do vi rút Corona chủng mới gây ra. Từ đó kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm chứ không phải do thừa tiền. Vì vậy chỉ khi nào dịch bệnh được kiểm soát thì nỗi sợ hãi này mới giảm dần và thị trường hàng hóa hay cổ phiếu mới có thể dần phục hồi”.

Vàng thế giới giảm, trong nước vẫn tăng

Trong khi dầu và chứng khoán cùng lao dốc thì hôm qua giá vàng cũng có một phiên “nhào lộn” chóng mặt. Đầu ngày, vàng SJC trong nước tăng mạnh mỗi lượng 900.000 đồng nhưng sau đó quay đầu sụt giảm. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) liên tục thay đổi giá vàng, đến trưa giảm xuống mức 46,85 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra còn 47,35 triệu đồng/lượng, giảm 600.000 - 900.000 đồng/lượng so với đầu ngày.
Chưa chịu đứng yên, đến cuối ngày giá bán vàng miếng đã quay ngược tăng trở lại thêm 500.000 đồng/lượng, giá mua vào lên 47,15 triệu đồng/lượng và bán ra 47,85 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên giá chốt cuối ngày vẫn còn thấp hơn 300.000 đồng mỗi lượng so với giá đầu ngày. Cá biệt trên thị trường, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) đã tăng vọt giá bán lên 48,6 triệu đồng mỗi lượng, trong khi mua vào chỉ ở mức 46,7 triệu đồng/lượng. Các đơn vị kinh doanh vàng liên tục thay đổi bảng giá vàng, như Eximbank đã có gần 30 lần điều chỉnh.
Chứng khoán nhiều nơi tại châu Á lao dốc Ảnh: Bloomberg

Chứng khoán nhiều nơi tại châu Á lao dốc

Ảnh: Bloomberg

Giá vàng nhảy liên tục và khoảng cách mua bán cũng khá cao, nên giao dịch trên thị trường gần như tê liệt. Đại diện Công ty SJC cho hay đa số khách đến hỏi giá, giao dịch rất thấp. Giá vàng thế giới trong ngày “chạy” quá nhanh, nên các nhà đầu tư gần như chỉ nghe ngóng.
Giá kim loại quý quốc tế trong ngày hôm qua cũng biến động không ngừng. Đầu ngày vàng tăng 30 USD lên 1.704 USD/ounce, nhưng sau đó đã nhanh chóng giảm mạnh về 1.657 USD/ounce, cuối ngày là 1.666 USD/ounce. Nghịch lý giá vàng trong nước và thế giới lại diễn ra. Bất chấp thị trường không giao dịch nhiều nhưng giá của các công ty vàng bạc không chịu hạ xuống. Thế nên, dù vàng thế giới giảm 10 USD/ounce so với cuối tuần qua nhưng trong nước lại tăng 500.000 đồng/lượng. Giá vàng trong nước cũng đang cao hơn thế giới 1 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá mua - bán được nới rộng lên từ 700.000 - 1,3 triệu đồng mỗi lượng, cao gấp 2 - 3 lần so với tuần trước.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), nhận định dịch Covid-19 vẫn là yếu tố tác động lớn lên sự tăng trưởng kinh tế của các nước, ảnh hưởng đến nền sản xuất toàn cầu. Các nước như Mỹ, Úc, Canada đã tung ra các gói hỗ trợ kinh tế, giảm lãi suất nên vàng được hưởng lợi tăng giá. Thế nhưng cứ mỗi lần sóng vàng tăng cao thì lực chốt lời xuất hiện kéo giá giảm lại và lần này cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên về xu hướng, vàng vẫn đang trong kênh tăng giá và hướng đến mức 1.800 USD/ounce.

Giá vàng nhảy múa trong ngày cũng tác động đẩy giá USD trên thị trường tự do

tăng 10 - 20 đồng, lên 23.250 đồng - 23.270 đồng. Ngược lại tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm 10 đồng, Vietcombank mua vào còn 23.090 đồng, bán ra 23.260 đồng. Các ngoại tệ khác giảm khá mạnh như đô la Úc giảm 270 đồng, còn 14.769 - 15.386 đồng; đô la Canada giảm 320 đồng, còn 16.663 - 17.186 đồng...
Một số ngoại tệ mạnh khác lại tăng khá mạnh như france Thụy Sĩ tăng 505 đồng, lên 24.577 - 25.348 đồng; euro tăng 380 đồng, lên 25.911 - 27.095 đồng… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.