Nhà đầu tư vui mừng khi Phố Wall phục hồi mạnh mẽ - Ảnh: Bloomberg |
Trước đó, chứng khoán châu Á cũng khép lại phiên giao dịch bằng sắc xanh trên diện rộng, biên độ tăng khá, chứng khoán châu u tăng nhẹ và còn le lói sắc đỏ.
Tại Phố Wall, mặc dù các dữ liệu kinh tế mới công bố đều không được như kỳ vọng nhưng đem lại một niềm hi vọng khác cho giới đầu tư rằng, trước bối cảnh kinh tế yếu kém như hiện nay, rất có thể Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải nhanh chóng hành động để thúc đẩy kinh tế phát triển trở lại.
Chỉ số thị trường S&P 500 nhờ đó đã tăng mạnh 3,4% trong phiên 23.8, lên mức 1.162,35 điểm. Đây là mức tăng phiên mạnh nhất kể từ 11.8 vừa qua.
Toàn bộ 10 nhóm ngành đóng góp vào S&P 500 đều tăng điểm trong phiên này, mức tăng dao động từ 1,8% đến 4,6%.
Chỉ số Dow Jones Industrial nhận thêm 322,11 điểm cộng trong phiên cùng ngày, tương đương tăng 3%, chốt phiên với 11.176,76 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite dành cho các công ty công nghệ tăng 4,3%, lên thành 2.446,06 điểm.
Trong khoảng thời gian 4 tuần liên tiếp (từ 22.7 đến 19.8), chỉ số S&P 500 đã giảm tới 16% tổng số điểm và được ghi nhận là chuỗi giảm tuần kỷ lục nhất kể từ tháng 3.2009.
Cùng với đó, thị trường chứng khoán thế giới đã mất khoảng 8.000 tỉ USD, trong đó, Phố Wall bị “cướp” mất tới 3.000 tỉ USD.
Nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng đóng góp vào S&P 500 đã tăng mạnh trở lại 3,2% trong phiên 23.8 này.
* Tại châu u, các chỉ số chứng khoán tăng điểm phiên thứ 2 liên tiếp nhờ những hi vọng về kế hoạch trợ giúp mới của Fed đối với kinh tế Mỹ sẽ sớm được công bố, cùng với đó, Trung Quốc công bố những dữ liệu lạc quan về sản xuất.
Cổ phiếu của các ngân hàng châu u trong phiên này đã tăng mạnh trở lại. Cụ thể: cổ phiếu của UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, đã tăng 2,1% sau khi tuyên bố cắt giảm 3.500 lao động nhằm giảm chi phí; cổ phiếu Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ 2 tại nước này, tăng 2,3%.
Tuy nhiên, cổ phiếu các ngân hàng Hy Lạp lại bất ngờ giảm mạnh do trái phiếu chính phủ nước này giảm mạnh. Cổ phiếu của National Bank of Greece giảm mạnh tới 9%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1997. Cổ phiếu của Eurobank Ergasia giảm 5,6%.
Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực tăng thêm 0,8% trong phiên này, trước đó, đã có lúc chỉ số này tăng tới 2,2%.
Chỉ số quản lý thu mua PMI của Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua đã tăng nhẹ lên mức 49,8 điểm, so với 49,3 điểm hồi tháng 7 (theo số liệu của HSBC Holdings và Markit Economics).
Như vậy, theo số liệu này, sản xuất của Trung Quốc hiện vẫn đang suy giảm nhưng ở mức độ chậm hơn so với thời gian trước.
Cũng theo số liệu của Markit Economics, chỉ số PMI tổng hợp của khu vực dịch vụ và sản xuất tại châu u trong tháng 8 duy trì ở mức 51,1 điểm, cao hơn dự đoán giảm xuống 50 điểm của các chuyên gia.
Hầu hết các thị trường trong khu vực đều tăng điểm trong phiên 23.8. Cụ thể: chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,67%, chốt phiên ở mức 5.129,42 điểm; CAC 40 của Pháp tăng 1,08%, lên thành 3.084,37 điểm; DAX của Đức tăng 1,07%, chốt phiên ở mức 5.532,38 điểm.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 0,17%; FTSE MIB của Ý giảm 1,04%; PSI General của Bồ Đào Nha giảm 0,22%; ISEQ của Ireland giảm 0,57%; Athex Composite của Hy Lạp giảm 3,15%.
* Tại châu Á, chỉ số MSCI Asia Pacific tăng 1,8% nhờ cổ phiếu của các công ty xuất khẩu trong khu vực tăng giá.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 104,88 điểm, tương đương tăng 1,22% trong phiên này, chốt phiên ở mức 8.733,01 điểm. HSI của Hồng Kông giành thêm 388,66 điểm, tương đương tăng 1,99%, chốt phiên ở mức 19.875,5 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt tăng 1,52% và 1,56%. KOSPI của Hàn Quốc tăng mạnh 3,86%; S&P/ASX 200 của Úc tăng 2,23%.
Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)
Bình luận (0)