Chứng khoán thế giới đổ dốc

23/09/2011 08:21 GMT+7

* Nhà đầu tư bán tháo khiến Dow Jones mất 300 điểm trong 10 phút giao dịch đầu tiên (TNO) Kết thúc phiên giao dịch 22.9 (vào rạng sáng nay, 23.9, giờ VN), thị trường chứng khoán thế giới đã bất ngờ ghi nhận sự tụt giảm rất mạnh của hầu hết các chỉ số chứng khoán lớn trên cả 3 khu vực châu Á, châu u và Mỹ. Chỉ số Dow Jones Industrial của Phố Wall (Mỹ) tuột khỏi mốc 11.000 điểm.

Ghi nhận tại thời điểm chốt phiên 22.9 tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (sàn Phố Wall), chỉ số thị trường S&P 500 của Mỹ đã giảm mạnh 3,2%, xuống chốt phiên ở mức 1.129,56 điểm.

Tổng cộng trong 4 phiên liên tiếp, S&P 500 giảm tới 7,1%. Chỉ số MSCI World giảm tới 4,5% trong phiên này.


Quá nhiều thông tin xấu khiến nhà đầu tư đau đầu, chứng khoán mất điểm mạnh - Ảnh: Bloomberg 

Dow Jones Industrial, chỉ số một thời từng là thước đo cho sức mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ, đã nhanh chóng để mất tới 300 điểm chỉ sau 10 phút mở cửa giao dịch.

Chung cuộc, Dow Jones phải nhận tới 391,01 điểm trừ, tương đương giảm 3,5% so với phiên 21.9, xuống chốt phiên ở mức 10.733,83 điểm.

Chỉ trong 2 phiên vừa qua, chỉ số này đã để mất tới 5,9% tổng số điểm và được ghi nhận là mức giảm trong 2 phiên liên tiếp mạnh nhất kể từ tháng 12.2008. Nasdaq Composite giảm 3,25%, xuống còn 2.455,67 điểm.

Toàn bộ 10 nhóm ngành đóng góp vào S&P 500 đều giảm tối thiểu 1,8% trong phiên này.

Các cổ phiếu có mức vốn hóa lớn như cổ phiếu tập đoàn nhôm Alcoa, cổ phiếu công ty sản xuất máy công trình Caterpillar, cổ phiếu ngân hàng của Bank of America đều giảm trên 5% trong phiên này.

Liên tiếp các thông tin xấu được công bố khiến áp lực giảm điểm chồng chất lên thị trường chứng khoán thế giới. Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết, họ nhận thấy những dấu hiệu xấu cho thấy kinh tế Mỹ đang đi xuống và rằng sẽ thay thế khoảng 400 tỉ USD trái phiếu ngắn hạn bằng trái phiếu dài hạn để kích thích tăng trưởng kinh tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại đưa thêm một thông tin rằng kinh tế Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới - đang đứng trước nguy cơ suy thoái lần thứ 2.

Trên thị trường lao động, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ tiếp tục cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong tuần trước giảm 9.000 hồ sơ, xuống còn 423.000 trường hợp, tuy nhiên vẫn cao hơn mức dự đoán giảm còn 420.000 trường hợp mà các chuyên gia kỳ vọng. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn trên 9%.

Thông tin từ phía bên kia bờ Thái Bình Dương, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm trong tháng 9 này, đánh dấu 3 tháng giảm liên tiếp, dài nhất kể từ năm 2009.

Các thông tin kinh tế không mấy khả quan đến dồn dập đã khiến tâm lý giới đầu tư có phần bị xáo trộn.

Các nhà đầu tư tại Mỹ ngay trong những phút đầu mở cửa giao dịch phiên 22.9 đã có xu hướng bán tháo hàng, khiến thị trường giảm điểm nhanh chóng. Tuy nhiên, sức giao dịch trên Phố Wall sau đó đã dần bình ổn.

* Tại châu u, châu Á, các thông tin xấu kể trên cùng với việc hãng đánh giá tín dụng Moody’s hạ mức xếp hạng tín dụng của 3 ngân hàng lớn của Mỹ: Bank of America, Citigroup và Wells Fargo đã khiến chỉ số STXE 600 và MSCI Asia Pacific lần lượt giảm mạnh 4,6% và 3,7%.

Cổ phiếu của các ngân hàng châu u tiếp tục giảm mạnh trong phiên này: cổ phiếu của BNP Paribas, ngân hàng lớn nhất nước Pháp, đã giảm 5,7%; cổ phiếu của Societe Generale giảm mạnh 9,6%, xuống chốt phiên ở mức thấp nhất kể từ năm 1992.

Cổ phiếu của Lloyds Banking Group, ngân hàng cho vay thế chấp lớn nhất nước Anh, giảm 10% trong phiên này, cổ phiếu Barclays giảm 9,4%; cổ phiếu Raiffeisen Bank International giảm 8,4%.

Tổng kết trên các thị trường thành viên: Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm mạnh 246,8 điểm, tương đương giảm 4,67% so với phiên trước đó, xuống còn 5.041,61 điểm, đây cũng là phiên giảm điểm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 3.2009; CAC 40 của Pháp giảm 5,25%, xuống chốt phiên ở mức 2.781,68 điểm; DAX của Đức mất 269,59 điểm, tương đương giảm 4,96%, xuống còn 5.164,21 điểm.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 4,62%; FTSE MIB của Ý giảm 4,52%; PSI General của Bồ Đào Nha giảm 5,02%; ISEQ của Ireland giảm 3,21%; Athex Composite của Hy Lạp giảm 3,03%.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chốt phiên 22.9 ở mức 8.560,26 điểm, giảm 180,9 điểm, tương đương giảm 2,07%. HSI của Hồng Kông rời bỏ mốc 18.000 điểm khi giảm tới 912,22 điểm, tương đương giảm 4,85%, xuống chốt phiên ở mức 17.911,9 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc giảm 2,78% và 3,08%; KOSPI của Hàn Quốc giảm 2,9%; S&P/ASX 200 của Úc giảm 2,63%; Straits Times của Singapore giảm 2,55%.

Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.