Chúng mình là vợ chồng

23/06/2007 09:41 GMT+7

Ngày tôi về làm dâu nhà anh, cha mẹ tôi lo lắm. Tôi là con gái thành thị, về làm dâu miệt vườn liệu có chịu được cực khổ? Nhưng thấy chúng tôi thương nhau thật sự, cha mẹ cũng đồng ý.

Sau 5 năm sống chung với gia đình anh, chúng tôi được cho ra riêng. Tài sản lúc đầu chỉ có hai mươi đồng, vài cây bạch đàn đốn trong vườn nhà và 100 tấm lá lợp nhà chằm từ bụi dừa nước ven sông. Gia đình nhỏ bốn người chúng tôi chen chúc nhau trong căn chòi chỉ khoảng 10 mét vuông, cùng chia sẻ những bữa cơm trộn đầy khoai mì luộc. Khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Những khi tôi nản chí, anh thường nắm lấy tay tôi, bàn tay chai sần thô ráp sau những ngày làm mướn, nhẹ nhàng: “Vợ chồng mình sẽ cùng nhau vượt qua, em nhé!”.

Rồi anh không cho tôi đi làm mướn nữa. Ban ngày, anh đi làm thuê, tôi trông nồi hột vịt lộn cùng mấy cái bánh tráng, con khô nướng ở chợ gần nhà. Tối đến, anh nhận cạy cơm dừa kiếm thêm thu nhập nuôi hai đứa con ăn học. Tuy vất vả, cực nhọc, nhưng anh kiên quyết không để con thất học. Bất cứ những gì liên quan đến chuyện học hành của con cái, anh đều cố gắng lo đầy đủ. Anh luôn bảo tôi phải làm sao cho con cái được học hành đến nơi đến chốn, để không phải khổ như cha mẹ chúng. Và cũng từ đó, tối nào anh cũng dành ra một giờ đồng hồ để cầm tay từng đứa con, tập cho chúng viết từng nét chữ đầu tiên, dạy cho chúng từng câu chuyện vỡ lòng… Nhờ sự kèm cặp, dạy bảo của anh, năm nào cả hai con tôi cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi nhưng chúng không hề tự mãn…

Nhờ chăm chỉ làm ăn, lại cần kiệm trong cuộc sống, dần dần gia đình chúng tôi cũng vượt qua được đói nghèo. Nhưng khi cuộc sống gia đình tương đối ổn định thì mẹ tôi đổ bệnh, phải nằm một chỗ. Mẹ có đến tám người con, nhưng ai cũng bận rộn với cuộc sống gia đình riêng, nên vẫn không có người chăm sóc lúc ốm đau. Không đợi tôi ngỏ lời, anh bàn với tôi rước mẹ về phụng dưỡng. Những chuyện như thay quần áo, đút cơm, cho mẹ uống thuốc,... anh làm còn khéo hơn cả tôi và mấy đứa em, khiến người ngoài cứ nghĩ anh là con ruột của mẹ. Nhờ sự chăm sóc tận tình của anh, mẹ đã sống được thêm bốn năm trên giường bệnh. Rồi đến lượt cha tôi, bệnh ung thư xương quái ác đã khiến cha cũng lâm vào tình trạng như mẹ, chỉ có thể nhìn xung quanh từ giường bệnh. Anh lại tiếp tục tự nguyện đảm nhận trách nhiệm phụng dưỡng cha. Trước ngày nhắm mắt, cha thều thào: “Trong số mấy đứa con, cha thương thằng Châu nhất”. Cũng chính từ lúc ấy, đối với tôi, anh không chỉ là chồng, mà còn là một người mà tôi phải mang ơn suốt đời. Biết ý nghĩ này của tôi, anh chỉ cười, cốc đầu tôi như ngày nào và bảo: “Em ngốc thế! Chúng mình là vợ chồng mà!”.

Bây giờ, hai đứa con tôi đã khôn lớn, nên người như anh mong muốn. Một đứa đã có nghề nghiệp ổn định và đã theo gia đình riêng, đứa kia đang học cao đẳng ở thành phố, thỉnh thoảnh chúng mới về thăm nên chỉ còn tôi với anh sớm tối bên nhau. Anh vẫn ngày ngày cùng tôi chăm lo cho xe bánh mì mỗi sáng, cùng tôi chăm sóc mấy cây kiểng trước nhà mỗi chiều, hay ân cần nấu cháo, đem thuốc đến tận giường tôi mỗi khi tôi đổ bệnh. Vào những đêm trăng sáng, anh lại lấy sáo ra sân thổi. Tiếng sáo không còn vi vu, thánh thót như ngày anh còn trẻ, nhưng những lúc ấy, tôi biết lòng anh đang thanh bình nhất. Nhìn anh như thế, niềm hạnh phúc lại dâng tràn trong tôi như thuở mới yêu nhau. Và những khi cáu gắt với anh vì những chuyện không đâu, câu nói ngày xưa của anh “Chúng mình là vợ chồng mà!” lại đầm ấm vang lên trong tim khiến lòng tôi như dịu lại. Cảm ơn cuộc đời đã đem anh đến với tôi, để chúng tôi được bên nhau cho đến hết thời gian của mình.

H.L (Bến Tre)


XEM THỂ LỆ CUỘC THI

XEM TẤT CẢ BÀI VIẾT THAM DỰ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.