Trong đó, một học sinh lớp 7 của trường này, chỉ vì mua nón bảo hiểm bồi thường cho người bạn không đúng màu nón cũ mà mình làm mất, đã bị bạn rủ thêm nhiều bạn khác đánh hội đồng, ghi hình lại và clip này nhanh chóng phát tán trên mạng xã hội.
Chỉ từ một nguyên nhân rất giản đơn, một nhóm học sinh đã cố tình tấn công bạn học là hành vi rất xấu trong giới trẻ, cần phải ngăn chặn. Đáng nói, vụ việc xảy ra ngày 7.11, nhưng mãi đến 11.11, nhà trường mới biết. Điều đó cho thấy sự quan tâm của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm là chưa đủ, bởi hình ảnh, clip đã tràn ngập trên tài khoản cá nhân của chính các học sinh trong trường.
Ngay sau khi nhận được đề nghị trực tiếp của người viết, một lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận đã tham mưu, có văn bản gửi Sở GD-ĐT và UBND H.Hàm Thuận Nam để yêu cầu xác minh; đồng thời yêu cầu làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến hành vi bạo lực học đường của học sinh. Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận cũng có công văn yêu cầu tổ chức thăm hỏi, ổn định tâm lý cho học sinh bị đánh để em có thể trở lại trường càng sớm càng tốt, cũng như rút kinh nghiệm, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để ngăn ngừa các vụ việc tương tự tái diễn.
Nhìn rộng ra, dù truyền thông đã nhiều lần cảnh báo, bạo lực học đường vẫn tái diễn. Một phần nào đó có thể thấy công tác tuyên truyền và phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội vẫn chưa đủ mạnh. Vì thế, giáo viên chủ nhiệm - những người gần gũi nhất với học sinh - cần chủ động hơn trong việc nắm bắt tâm lý và hành vi của các em. Cần hành động quyết liệt để giúp học sinh hiểu rằng bạo lực không chỉ là hành vi sai trái, mà còn gây tổn hại đến chính mình, gia đình, và môi trường giáo dục.
Ngăn chặn triệt để bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục, mà còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Chỉ khi tất cả cùng vào cuộc, chúng ta mới có thể xây dựng môi trường học đường an toàn và lành mạnh.
Bình luận (0)