Một tấm ảnh đen trắng khác, là một nữ sinh đang hát (Trần Thị Hiệp), bên cạnh, là một nam sinh vừa hát vừa đệm đàn guitar (Phạm Văn Đồng, nguyên Ủy viên BCH Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng, Trưởng khối văn nghệ, nay là nhạc sĩ Nguyễn Nam, Trưởng phòng Văn nghệ Đài truyền hình TP.HCM - HTV)… Bên trên sân khấu, là tấm biểu ngữ có dòng chữ “Từ trong lòng đồng bào ta lớn dậy”. Một tấm ảnh khác, là đoàn biểu tình của SVHS chống bầu cử “độc diễn” ngày 3.10.1971 trên đường Ông Ích Khiêm, trước cổng chùa Tỉnh giáo hội Phật giáo Đà Nẵng với hai nữ sinh cầm băng-rôn đi đầu, là Lý Thị Hạ Hà và Trần Thị Hiệp...
Lâu lắm rồi, dễ có đến 40 năm! Mà, đó chỉ là ba trong số nhiều tấm ảnh tư liệu, trong tập sách Chúng tôi - có một thời như thế vừa mới in xong vào đầu tháng 7 năm nay, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng (17.7.1971 - 17.7.2011). Nhưng đó không chỉ là những con người cụ thể, với những tên gọi vừa kể: đó là biểu tượng của cả một lớp trẻ nói chung và tuổi trẻ học đường Đà Nẵng - miền Nam nói riêng, sống kiêu dũng, quên mình, giữa một thời kỳ lịch sử ầm vang những biến động. Vì vậy, có lẽ không nên viết một bài giới thiệu sách theo những “quy thức” của thể loại. Mà chân thành và sâu xa hơn, là nhớ lại. Nhớ lại một thời như thế, khi mà mọi thái độ sống và sự lựa chọn con đường của mỗi cá nhân không thể tách rời khỏi sự mất còn của dân tộc…
|
Và, điều đáng nói là, vào một thời như thế, tuổi đời của họ chỉ mới vào khoảng 15-18. Còn quá trẻ, nhưng họ đã suy nghĩ về vận mệnh dân tộc - đất nước. Không chỉ suy nghĩ, họ đã hành động. Những đêm văn nghệ Hát cho đồng bào tôi nghe, những lần đi cứu trợ đồng bào bị bão lũ, những tờ báo roneo, những tuyên cáo, tuyên ngôn… thôi thúc lòng yêu nước - chống ngoại xâm, những trái bom xăng chế ngay trong trường học… tất cả, đã cùng với cả miền Nam góp thành ngọn gió lớn dẫn đến ngày thống nhất đất nước.
*
Chúng tôi - có một thời như thế, giờ đây, cũng lại là một thái độ: sự nhận lấy trách nhiệm về chính mình: đã sống một thời như thế, và trong sự giới hạn khiêm tốn: chúng tôi. Sách gồm những trang tư liệu, phản ánh các mặt hoạt động của phong trào và những bài viết ngắn có, dài có, phần lớn là những tự thuật về bản thân, về bạn bè, về những kỷ niệm… trong những ngày tháng khó quên của 40 năm trước, bên cạnh một “bài nền” lược ghi về quá trình hình thành - hoạt động của Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng. Cũng có thể lưu ý thêm: sách còn có những bài viết của những anh em ở Huế, Sài Gòn, Quảng Nam: đó vừa là mối tương liên về mặt tinh thần, vừa là thực tế sinh động của sự nối kết lực lượng trong phong trào đấu tranh tại các đô thị miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Cho nên, ánh lửa của những trái bom xăng cháy trên đường phố, những tiếng hát chống chiến tranh cất cao trong những đêm không ngủ, những lần bãi khóa, những buổi xuống đường - tuyệt thực… đã bay đến với mọi trái tim yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới; và hẳn nhiên, đã trở thành một sức mạnh cụ thể trên con đường đi đến yêu cầu thống nhất đất nước.
*
Dường như mãi cho đến bây giờ, vẫn chưa có công trình nghiên cứu đầy đủ - xứng đáng về một hiện tượng đặc biệt và có lẽ là duy nhất trong lịch sử đấu tranh cận đại của nhân loại: cuộc chiến đấu kéo dài suốt 20 năm giữa một bên là những người tay không, không có tấc sắt, ngay trong lòng kẻ địch, một bên là những phương tiện bạo lực dã man nhất.
*
Những chàng trai - cô gái ngày nào, giờ đây cũng đã qua cái ngưỡng tri thiên mệnh. Nhưng hẳn rằng, trái tim của họ vẫn không ngừng âm ỉ phát lộ tro than của một thời như thế. Xin được tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những người tham gia thực hiện tập sách này, mà tôi gọi là những - người - giữ - lửa. Cái thứ lửa vô hình, được tiếp truyền qua bao thế hệ. Cái ngọn lửa đang ngầm lan tỏa, trong tiếng sóng hiển linh dội về từ một quá khứ xa và gần, giữa những ngày hè nồng nhiệt của tháng 7 này.
Nguyễn Đông Nhật
Bình luận (0)