Chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng: Phong tỏa hẻm 415, 456 Nguyễn Văn Công, Gò Vấp

27/05/2021 13:30 GMT+7

Liên quan chuỗi lây nhiễm Covid-19 là các thành viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, lực lượng chức năng phong tỏa hẻm 456 Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Tối 26.5 đã phong tỏa hem 415 Nguyễn Văn Công.

Sáng 27.5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông báo TP.HCM phát hiện tổng cộng 25 trường hợp dương tính Covid-19, là những thành viên của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, sinh hoạt tại một địa chỉ ở hẻm 415 Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM).

Hội thánh truyền giáo Phục Hưng liên quan chuỗi ca Covid-19 sinh hoạt thế nào?

Phong tỏa hẻm 415 và 456 Nguyễn Văn Công, P.3, Q.Gò Vấp

Liên quan đến các trường hợp dương tính Covid-19 là thành viên của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, ngay trong tối 26 và sáng 27.5, lực lượng chức năng đã lập chốt, phong tỏa hẻm 415 và hẻm 456 Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp) để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân trong khu vực.
Theo người dân ngụ khu vực này, khoảng 21 giờ ngày 26.5, hẻm 415 Nguyễn Văn Công (P3, Q. Gò Vấp) đã được lực lượng chức năng lập chốtphong tỏa nghiêm ngặt, không để người dân ra, vào. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 người dân tại hẻm phong tỏa

Ảnh: TRẦN KHA

Đến sáng 27.5, lực lượng chức năng phong tỏa tiếp hẻm 456 Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp). Bên trong khu vực phong tỏa, các nhân viên y tế phối hợp cán bộ của phường khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, lời khai y tế của những người dân sinh sống tại đây. Các phóng viên đến tác nghiệp cũng được yêu cầu đứng xa khu vực hàng rào.
Bên ngoài khu vực phong tỏa, một số nhà dân, điểm kinh doanh buôn bán gần hẻm 415 và 456 Nguyễn Văn Công cũng chủ động nghỉ bán để phòng chống dịch.

KHẨN: TP.HCM dừng các hoạt động làm đẹp để phòng Covid-19

'Phải mạnh tay quyết liệt như vậy mới được'

Tiệm uốn tóc của bà Thanh nằm sát hẻm 456 Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp). Khi thấy lực lượng chức năng lập chốt phong tỏa, bà Thanh chủ động đóng cửa tiệm uốn tóc. “ Tôi cũng không lo lắng lắm nhưng vì sức khỏe cộng đồng nên tôi nghỉ, vì tình hình chung mà”, bà Thanh chia sẻ.

Các điểm kinh doanh, nhà dân gần hẻm phong tỏa chủ động đóng cửa phòng dịch

ẢNH: TRẦN KHA

Cách đó không xa là tiệm bán đồ ăn sáng của ông Nguyễn Tấn Thành (56 tuổi). Ông Thành cho biết từ sáng tới giờ, khi hẻm bị phong tỏa, việc buôn bán ế ẩm hẳn nhưng ông rất ủng hộ việc xử lý quyết liệt của lực lượng chức năng. “Tình hình dịch bệnh quá trời rồi. Bây giờ phải tập sống chung với lũ. Mình thấy làm như vầy là đúng, ngăn chặn từ đầu như vầy rất là hay. Phải mạnh tay quyết liệt như vậy mới được”, ông Thành nói.
Trong khi đó, bà Lê Thị Dung (54 tuổi, quê Tiền Giang, thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Văn Công để kinh doanh) cho biết từ tối 26.5, hẻm 415 đã được lực lượng chức năng phong tỏa. Lực lượng chức năng cũng khuyến cáo bà và người dân xung quanh tránh tiếp tiếp xúc và đeo khẩu trang để đảm bảo sức khỏe cộng cộng. Đến sáng nay, lực lượng chức năng lại cho phong tỏa tiếp hẻm 456, ngay sát cửa hàng bà kinh doanh của bà nên bà tỏ ra buồn rầu: “Tôi thuê mặt bằng mỗi tháng cả chục triệu, nếu tạm ngưng lấy đâu tiền trả tiền thuê mặt bằng”.
Cùng chung với tâm trạng của bà Dung là gia đình ông Võ Công Thăng (48 tuổi, quê Nghệ An). Cả gia đình ông Thăng 4 người phụ thuộc vào tiệm bán nước, trong đó hai con ông đang tuổi ăn học nên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống những ngày tới. “Tình hình này phải nghỉ bán vài ngày xem sao chớ buôn bán cũng sợ. Đây là điều nên làm, chúng ta phải chung tay mới dập được dịch”, ông Thăng cho biết.
Đến trưa 27.5, hẻm 415 và hẻm 456 Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp) vẫn đang được lực lượng công an, dân quân, dân phòng phong tỏa nghiêm ngặt.

TP.HCM phát hiện 36 ca Covid-19 liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.