Chuỗi Nhà hàng Món Huế nợ hàng trăm tỉ đồng

24/10/2019 06:29 GMT+7

Liên tiếp trong 3 ngày qua, hàng trăm nhà cung cấp của chuỗi Nhà hàng Món Huế đã bức xúc chạy khắp nơi tố cáo Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế quỵt nợ tiền tỉ.

Ước tính, số nợ của công ty này lên đến hàng trăm tỉ đồng...

Nợ tiền tỉ, âm thầm đóng cửa nhà hàng

Sáng hôm qua 23.10, nhiều nhà cung cấp cho Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế (chủ sở hữu chuỗi Nhà hàng Món Huế) đã đến Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP.HCM để gửi đơn tố cáo. Tại đây, ông Phạm Văn Tĩnh, đại diện Thanh Nhân Food (Q.Tân Phú, TP.HCM) thông tin, công ty ông cung cấp thịt bò tươi cho Công ty Món Huế mới 1,5 tháng nhưng số nợ gần 1,1 tỉ đồng. Theo hợp đồng đã ký, hạn thanh toán là sau 40 ngày, nhưng hàng giao từ đầu tháng 8 đến nay vẫn chưa được trả tiền. “Do không nhận được thanh toán vào tháng 8, chúng tôi tạm ngưng không giao hàng và số nợ còn lại gần 1,1 tỉ đồng. Tuy chúng tôi liên hệ thường xuyên, bộ phận kế toán hứa nhiều lần nhưng đến nay coi như bặt vô âm tín, không liên lạc được với ai từ bên ấy”, ông Tĩnh cho biết.
Công an P.Cô Giang (Q.1, TP.HCM) nơi có trụ sở công ty cũng đã tiếp nhận hàng chục trường hợp tố cáo chủ Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Anh Lã Trọng Thể, chủ hộ kinh doanh chuyên cung cấp lá chuối, nước cốt dừa và nước dừa cho chuỗi nhà hàng này từ tháng 3.2019, cho biết số tiền Món Huế đang nợ anh Thể hơn 165 triệu đồng nhưng đòi tiền năm lần bảy lượt, người đại diện mua hàng của công ty đều không trả.
Trước đó, trong hai ngày 21 - 22.10, cả trăm nhà cung cấp nguyên liệu cho chuỗi Nhà hàng Món Huế đã giăng băng rôn trước trụ sở Công ty Huy Việt Nam (công ty mẹ của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế) tại TP.HCM để đòi nợ tiền hàng. Các chủ hàng cung cấp cho Món Huế tố đang bị công ty này nợ chủ yếu là thịt bò, thịt heo, phở, hến, rau củ quả, nước đá, rau thơm, lá chuối, nước cốt dừa… Trong đó, có chủ hàng rau củ quả tên Phương tố bị nợ hơn 2,7 tỉ đồng tiền hàng, rau củ quả Bảy Hùng (Bình Điền) tố bị nợ 1,3 tỉ đồng; nhà cung cấp con hến ở miền Tây bị nợ 150 triệu đồng, nơi cung cấp lá chuối bị nợ hơn 138 triệu đồng... Thông tin trên một số diễn đàn, các chủ nợ này ước tính tổng số tiền nợ của Công ty Món Huế bao gồm nợ tiền hàng, lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng... lên đến 800 tỉ đồng?
Anh Võ Công Thuận là nhà cung cấp rau củ quả cho Món Huế cũng tỏ ra bức xúc vì nạn nhân không chỉ các nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm mà có cả nhân viên, lao công, bảo vệ của công ty này cũng điêu đứng vì bị “giam” lương từ 2 - 3 tháng.

Khóa trang web, cơ quan thuế phong tỏa tài khoản

Đến chiều 23.10 vẫn chưa ai liên hệ được với bất kỳ người nào trong ban lãnh đạo của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế. Nhiều nhà cung cấp bức xúc, lo lắng mất tiền.
Trong khi đó cũng chiều qua, website của Công ty Huy Việt Nam đã bị khóa. Trước đó, trên webiste của công ty này, Huy Việt Nam cho biết đang quản lý các thương hiệu: Món Huế, Phở Ông Hùng, Great Bánh mì & cafe, Cơm Thố Cháy, Phở 99, Iki sushi, Shilla Korean BBQ Restaurant, TP Tea và Mì Quảng Bếp Tâm.
Từ năm 2007 - 2013, Món Huế có 9 cửa hàng, tức trung bình mỗi năm họ mở 1,5 cửa hàng. Sau đó, công ty nhận được liên tiếp khoảng 30 triệu USD ở 2 vòng gọi vốn Serie B và C trong hai năm 2014 - 2015 từ các quỹ đầu tư nước ngoài, Huy Việt Nam bắt đầu có một bước phát triển nhảy vọt ở mọi mặt. Năm 2017: Ông Huy Nhật đứng tên đại diện cho Tập đoàn Huy Việt Nam. Đây cũng là thời điểm hoàng kim của tập đoàn khi có tới gần 200 cửa hàng và hơn 9 thương hiệu. Đến nay, hầu hết các cửa hàng đều đã đóng cửa. Đến tháng 10.2019, ông Nguyễn Quỳnh Anh là đại diện pháp lý cho Tập đoàn Huy Việt Nam.
Cùng ngày, ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, Công ty TNHH Món Huế do Chi cục Thuế Q.3 quản lý hiện đang nợ khoảng 25 triệu đồng. Doanh nghiệp này đóng thuế hằng quý, số nợ thuế này mới phát sinh gần đây. Cán bộ thuế đến địa chỉ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp thì thấy họ không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký nữa. Hiện cơ quan thuế đã cho phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp và đang chờ tập hợp các số liệu liên quan đến thuế từ các chi nhánh của công ty này trên địa bàn thành phố từ các chi cục thuế.

Gian nan đòi nợ 

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, nhận xét quan hệ của các nhà cung cấp với chuỗi Nhà hàng Món Huế thông qua hợp đồng kinh tế. Vì vậy các chủ nợ có thể khởi kiện công ty ra tòa yêu cầu trả nợ theo hợp đồng. Sau khi tòa tuyên án nhưng phía Công ty Món Huế vẫn không thi hành, không trả nợ thì các nhà cung cấp lại phải làm hồ sơ yêu cầu tòa tuyên phá sản đối với Công ty Món Huế. “Để có thể thanh lý, bán tài sản của đơn vị đang nợ thì phải tuyên phá sản. Sau đó, tùy thuộc vào tài sản còn lại của Công ty mới bắt đầu được thanh lý để thanh toán các khoản nợ. Theo quy định, các chủ nợ có đảm bảo như ngân hàng là đối tượng được trả nợ trước. Tiếp theo đến nghĩa vụ thuế đối với nhà nước và thanh toán lương cho người lao động. Sau đó mới xem xét trả nợ cho các đối tác, nhà cung cấp khác. Thông thường trong các vụ tuyên bố phá sản thì khả năng thu hồi được tiền của các chủ nợ chỉ còn rất ít hoặc không còn gì. Đây chính là rủi ro cho những đơn vị cung ứng hàng hóa cho trả chậm”, luật sư Bùi Quang Nghiêm phân tích.
Còn theo luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty luật Kinh Luân (TP.HCM), vấn đề của Nhà hàng Món Huế là nếu người đại diện pháp luật bỏ trốn thì có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo điều 175 bộ luật Hình sự 2015, tội này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Vì vậy các chủ nợ có thể tố cáo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM. Trong quá trình giải quyết án hình sự, các bị hại cũng có quyền yêu cầu giải quyết dân sự để nhận lại tiền. Tuy nhiên luật sư Nguyễn Văn Đức cũng nhấn mạnh, việc có đòi lại được nợ hay không phụ thuộc vào tài sản của Công ty Món Huế còn lại như thế nào.
Trong những vụ án tương tự, dù giải quyết theo hình sự hay kiện dân sự thì khả năng đòi được tiền là khá thấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.