Chương trình giáo dục phổ thông mới: Sẽ xét tốt nghiệp THPT thay vì thi?

12/04/2017 08:04 GMT+7

Hôm nay 12.4, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức họp báo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Cuối chiều qua, phóng viên Thanh Niên đã trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết (ảnh), Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, xung quanh những nội dung chính của dự thảo chương trình này.
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Sẽ xét tốt nghiệp THPT thay vì thi ?
So với các thông tin trước đây, chương trình giáo dục phổ thông mới có một số điểm mới. GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết chương trình bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình) và các chương trình môn học và hoạt động giáo dục (gọi chung là chương trình môn học).
Trước khi công bố dự thảo chương trình để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các hội thảo, tiếp thu ý kiến từ nhiều cơ quan, nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và chuyên gia tư vấn quốc tế. Chương trình cũng đã được thẩm định lần thứ nhất.
Nhiều loại môn học tự chọn
Điều dư luận rất quan tâm là hệ thống các môn học trong chương trình mới sẽ ra sao, thay đổi như thế nào ở mỗi cấp học, thưa ông?

Dự thảo đưa ra 3 hình thức đánh giá. Trong đó hình thức thứ hai là đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT được cấp bằng tốt nghiệp

GS Nguyễn Minh Thuyết

Hệ thống các môn học của chương trình bao gồm các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn tự chọn và môn tự chọn bắt buộc. Môn học bắt buộc là môn mà mọi học sinh (HS) đều phải học, được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần (mô đun). Trong đó một số chủ đề hoặc học phần là bắt buộc đối với tất cả HS, một số được tự chọn tùy theo nguyện vọng của HS và điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục.
Môn học tự chọn là HS được tự nguyện lựa chọn, phù hợp với nguyện vọng, sở trường và định hướng nghề nghiệp của HS. Còn môn học tự chọn bắt buộc là môn mà HS bắt buộc phải lựa chọn trong số các môn định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, 12 theo quy định của chương trình.
Theo ông, chương trình đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải đổi mới phương pháp giáo dục ra sao để đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu?
Theo chương trình mới, các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học. Trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho HS, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích HS tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển.
Các hoạt động học tập của HS bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống), được thực hiện với sự hỗ trợ của đồ dùng học tập và công cụ khác, đặc biệt là công cụ tin học và các hệ thống tự động hóa của kỹ thuật số.
Theo tôi hình dung, các hoạt động học tập nói trên được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu sau: Học lý thuyết; Thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; Tham gia seminar, tham quan, cắm trại, đọc sách; Sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Sẽ xét tốt nghiệp THPT thay vì thi ?1
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều hình thức học tập như tham quan, sinh hoạt cộng đồng... Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hoàn thành đủ môn học sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT ?
Lâu nay, đổi mới phương pháp dạy học luôn gặp một rào cản là cách kiểm tra, đánh giá, thi cử không thay đổi nên chưa tạo động lực cho giáo viên và HS đổi mới cách dạy và học. Vậy trong chương trình mới, vấn đề này có được đề cập để đảm bảo tính đồng bộ trong cả quá trình giáo dục không, thưa ông?
Dự thảo chương trình tổng thể đã nêu ra 3 hình thức đánh giá: Đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, phụ huynh, bản thân HS và của các HS khác trong tổ, trong lớp.
Hình thức thứ hai là đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. HS hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT được cấp bằng tốt nghiệp.
Hình thức thứ ba là đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương, do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tôi được biết, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã phân công Vụ Giáo dục trung học chủ trì, phối hợp với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Ban Phát triển chương trình nghiên cứu, đề xuất lộ trình đổi mới đánh giá kết quả giáo dục và xét tốt nghiệp khi cấp THPT triển khai chương trình mới.
Các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Ở cấp tiểu học: Các môn học bắt buộc gồm: tiếng Việt, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, tìm hiểu xã hội, tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu công nghệ. Các môn học bắt buộc có phân hóa gồm: thế giới công nghệ, tìm hiểu tin học, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, ở cấp tiểu học còn có hoạt động tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của HS tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).
Ở cấp THCS: Các môn học bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. Các môn học bắt buộc có phân hóa gồm: tin học, công nghệ và hướng nghiệp, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.
Ở cấp THPT: Dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp. Các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, thiết kế và công nghệ, giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học bắt buộc có phân hóa gồm: tin học, giáo dục thể chất, hoạt động nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học tự chọn gồm tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.
Lên đến lớp 11 và 12, các môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học tự chọn bắt buộc: HS chọn 3 môn và một chuyên đề học tập trong số các môn: giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học máy tính, tin học ứng dụng, thiết kế và công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc, chuyên đề học tập. Các môn học tự chọn gồm tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.