Chuyện 4 người

Cách đây vài chục năm, người Việt chúng ta khó ai có thể hình dung được cả thế giới này lại được gói gọn trong cái điện thoại di động thông minh (smartphone) nằm gọn trong lòng bàn tay như hiện nay.

Sự tiện dụng, đa dạng, phong phú, nhanh tức thì của chiếc smartphone đã khiến cả nhân loại “chao đảo”, trong đó có giới trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, liên quan đến chiếc smartphone cũng lắm chuyện bi hài.
Trước Tết Đinh Dậu 2017, tôi ngồi thư giãn tại quán cà phê “3 Cô gái” trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM. Không như những quán cà phê nhạc thường thấy, quán “3 Cô gái” mở nhạc tùy hứng và tùy thuộc vào… sóng wifi mạnh hay yếu vì nghe nhạc bằng smartphone. Bàn bên cạnh có 4 chàng trai độ tuổi thế hệ “8x”. Qua cách nói chuyện, cho biết 4 chàng này là bạn quen biết nhau thời đại học, nay tất cả đã có công ăn việc làm ổn định.
Sau khi kêu 4 ly cà phê đá, 4 chàng ngồi 4 góc lặng lẽ móc 4 cái smartphone ra mạnh ai nấy online, chẳng ai thèm nói với ai câu nào và cũng không cần biết ly cà phê có màu gì, ngon hay dở. Hồi lâu sau, bỗng có một chàng thốt lên: “Ê tụi mày, hồi còn đi học tụi mình đến quán cà phê làm gì ta?”. Sau nhiều chục giây chợt “thức tỉnh”, có người đáp: “Thì uống cà phê nghe nhạc chứ làm gì nữa!”.
Tưởng sau khi chợt hoài niệm thời sinh viên đầy ấp những kỷ niệm vui - buồn, nhất là rủ nhau đi uống cà phê nghe nhạc, thì mọi người sẽ đút cái smartphone vào túi quần để cùng nhau “ôn lại kỷ niệm xưa”. Nhưng không, hình như kỷ niệm xưa đã lui vào dĩ vãng, 4 chàng tiếp tục “dán con mắt” vào 4 cái smartphone, thả hồn theo thế giới riêng của mình và 4 ly cà phê đá gần như còn y nguyên. Nhìn cảnh ấy mà tui thấy tội nghiệp cho… chính tui.
***
Vào giữa thập niên 1980, tôi theo học khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Lớp sử năm ấy có 1 sinh viên người Campuchia, tên anh ta là Chea Chamroeun, nhà ở thủ đô Phnom Penh. Vì là lớp trưởng nên tôi được Ban chủ nhiệm Khoa phân công phụ đạo cho Chamroeun suốt 4 năm học, chủ yếu nói - nghe - viết tiếng Việt. Ngoài ngôn ngữ tiếng Việt chân phương, chúng tôi còn “dạy” cho Chamroeun cả “tiếng lóng” Sài Gòn. Năm đầu, những buổi phụ đạo của tôi với Chamroeun đều có mặt thêm anh lớp phó học tập và anh Bí thư chi đoàn. Trừ anh Bí thư chi đoàn thuộc thế hệ “6x”, còn lại 3 đứa chúng tôi đều thuộc thế hệ “5x”. Địa điểm phụ đạo chủ yếu ở… quán cà phê vỉa hè trên đường An Dương Vương, đối diện Trường ĐH Sư phạm. Thời đó cả nước “nghèo như nhau” nên sinh viên như 4 đứa tụi tui chỉ dám kêu 2 ly cà phê đen uống chung. Cà phê thời ấy không ngon và đặc sắc như bây giờ và cũng chẳng có thiết bị thông mình gì ráo nhưng bù lại, chúng tôi đã có một quỹ thời gian quý giá để mặt đối mặt “đàm đạo” với anh chàng sinh viên Campuchia, chả thèm biết thế giới chung quanh đang diễn ra chuyện gì. Trộm nghĩ, giá mà hồi đó tụi tui thường xuyên có được 4 ly cà phê đá như 4 anh bạn trẻ ở quán “3 Cô gái” kể trên, chắc sẽ hưng phấn vô cùng.
Nói đến thời sinh viên, phải kể thêm chuyện này. Tôi có anh bạn làm nhà báo, tên Đức, Thư ký tòa soạn, công tác lâu năm cho một tờ báo thuộc TP.HCM. Không hiểu vì lý do gì, đến giờ này mà Đức vẫn dùng chiếc điện thoại di động “cùi bắp” (cùng loại với chiếc “iPhone 8” của tui). Đức kể, hôm đó đám bạn thời đại học (thuộc thế hệ “6x”) rủ nhau đi nhậu. Đến nơi, mồi màng bia bọt kêu ra đầy bàn nhưng mấy thằng bạn cứ mãi mê với cái smartphone, hình như chả biết trên bàn có món gì và cũng chẳng hề một lần cùng nhau “một, hai, ba... dzô!”.
Bực mình quá, Đức hô: “Ê tụi bây, thôi tính tiền đi về!”. Mấy đứa bạn ngơ ngác: “Ủa, sao lại về, mới đến mà!”. Đức giải thích: “Nếu tụi mày không thể dứt cái smartphone ra được thì tốt nhất đừng rủ tao đi nhậu, cứ ở nhà mà tha hồ lướt web!”. Đức kể tiếp, đại ý, nếu bạn bè muốn gặp nhau “ôn lại kỷ niệm xưa” hoặc bàn chuyện thế sự, hoặc gì gì đi chăng nữa thì dứt khoát không được đụng đến cái smartphone, chỉ nghe cuộc gọi đến hoặc gọi đi những cuộc gọi thật cần thiết. Đồng ý thì nhậu, còn không thì giải tán. Sau một hồi…ngại ngùng bàn bạc, đám bạn “nhất trí cao” với lời đề nghị của Đức.
Có người nghiện smartphone không khác gì nghiện…ma túy, chỉ khi nào đi ngủ thì may ra mới dứt được, cho nên không thể trách họ được. Thời công nghệ cao mà! Tuy nhiên, vì những lý do tế nhị trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng đành ngó lơ, coi như trên cõi đời này không có smartphone. Bạn nghĩ sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.