Chuyện 'biết rồi, khổ lắm'

21/07/2020 04:32 GMT+7

Đó là chuyện phí logistics của Việt Nam quá cao, khiến hàng hóa giảm sức cạnh tranh tại ngay chính thị trường nội địa chứ chưa nói đến ra thế giới .

Vấn đề này được nói đến cách đây hàng thập kỷ và hằng năm đều có thống kê,phân tích, so sánh, đưa giải pháp rồi năm sau, câu chuyện lại vẫn vậy. Tại hội nghị trực tuyến “Cắt giảm chi phí logistics - Giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt” tổ chức tuần trước, nhiều đại biểu, chuyên gia tham dự phản ánh, chi phí logistics khiến hàng loạt nông sản bị mắc kẹt, khó cạnh tranh khi xuất khẩu.
Vấn đề này cũng được đưa ra tại hội thảo “Tăng cường kết nối cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản & thủy sản của ĐBSCL” do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phối hợp cùng UBND TP.Cần Thơ tổ chức chưa đầy 1 năm trước đó. Các đại biểu tham dự cũng khẳng định, chi phí logistics quá cao khiến nông thủy hải sản của ĐBSCL chưa thể “cất cánh”.
Lùi về năm 2018, số liệu của VLA cho thấy, dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô 20 - 22 tỉ USD/năm, chiếm gần 20,9% GDP của cả nước. Tỷ trọng này cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu (14%).
Trong đó, khâu quan trọng nhất là vận tải chiếm từ 40 - 60% chi phí logistics. Nguyên nhân chính được nêu ra là do chúng ta chưa kết nối được hệ thống vận tải đa phương thức, vận chuyển theo đường nào cũng gặp nhiều bất cập. Tương tự, tại “Diễn đàn logistics Việt Nam năm 2016”, nhiều báo đã giật tít “chi phí logistics Việt Nam đắt đỏ nhất thế giới” để phản ánh nội dung chính mà các đại biểu, các doanh nghiệp than phiền.
Thống kê của Ngân hàng Thế giới thời điểm đó cho thấy, chi phí logistics chiếm rất lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng tại Việt Nam. Cụ thể, với ngành thủy sản là hơn 12%, đồ gỗ chiếm 23%, rau quả 29,5% và ngành gạo chiếm đến gần 30% trong giá thành. Mức chi phí logistics tại Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, còn so với Singapore thì cao hơn tới 3 lần. Năm 2012, để vận tải một container 40 feet sang Mỹ, doanh nghiệp Việt phải chi trung bình 3.000 USD, trong khi ở Trung Quốc là 2.700 USD, Thái Lan là 2.500 USD.
Dẫn lại một vài mốc thời gian để thấy, phí logistics của Việt Nam đắt đỏ là câu chuyện cũ, rất cũ. Năm nào cũng họp hành, hội nghị, hội thảo, cũng nguyên nhân, giải pháp nhưng rồi mọi chuyện vẫn thế. Nói cho công bằng thì chúng ta cũng có những cải thiện nhưng so với tốc độ cải thiện của các nước trong khu vực và trên thế giới thì không ăn thua.
Nguyên nhân, giải pháp không thiếu; hệ lụy cũng được mổ xẻ rất rõ ràng... Vấn đề cuối cùng là chúng ta có thực sự coi đây là vấn đề cấp bách, trọng điểm cần phải giải quyết hay không. Còn cứ hội thảo, hội nghị, bàn bạc xong rồi mọi chuyện “đâu còn đó” thì thêm thập kỷ nữa, logistics sẽ vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Vẫn khiến nông sản, vốn là thế mạnh của Việt Nam bị mắc kẹt trong khi con đường ra thế giới đã được hàng loạt các hiệp định thương mại khơi thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.