Chuyện “Có bầu mà không có thai nhi”: Người trong cuộc lên tiếng

29/12/2009 00:40 GMT+7

Hôm qua 28.12, Báo Thanh Niên tiếp tục nhận được rất nhiều phản ánh của bạn đọc về việc người thân của họ “có bầu” hoài mà không thấy sinh nở. Nghe đọc bài >> Bí ẩn quanh cái bụng to / Những “thai phụ” không có thai nhi \ Cần sớm làm rõ sự thật

Mỏi mòn chờ con

Sau khi đọc loạt bài về chuyện “Có bầu mà không có thai nhi” đăng trên Báo Thanh Niên, sáng qua 28.12, anh Đ.T đến tòa soạn báo, tự giới thiệu là chồng một “thai phụ” dạng đi “cầu có thai” ở Q.Thủ Đức, TP.HCM. Anh T. mang theo một DVD và cả hồ sơ bệnh án của vợ đến để chứng minh.

Anh T. kể: “Hai vợ chồng tôi cưới nhau hơn 3 năm nay, thấy lâu có con nên chúng tôi có đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ để khám. Bác sĩ nói, việc khó có con là do tôi. Mới khám chỉ một lần, sau đó nghe một số người mách ngoài Q.Thủ Đức có nơi cầu để có con, hai vợ chồng dẫn nhau ra ngoài ấy. Đến nơi, tôi thấy có rất đông các cặp vợ chồng xếp hàng, họ đến từ miền Bắc, miền Trung, miền Tây... với ước muốn có được một đứa con. Vào nơi cầu nguyện, mỗi người lấy một tấm giấy ghi tên, tuổi, địa chỉ và kẹp vào đó một số tiền (tùy tâm) rồi cho vào một chiếc thùng gỗ để sẵn. Chúng tôi mang theo một tấm hình chụp hai vợ chồng theo yêu cầu của nơi đây, và đi “cầu có thai” đến lần thứ 4 thì vợ tôi được thông báo “có thai rồi”. Từ đó đến nay đã là 17 tháng, vậy mà vợ tôi vẫn chưa sinh. Khổ nỗi là rất nhiều lần tôi khuyên vợ đi siêu âm, nhưng vợ không đồng ý. Nay đọc Báo Thanh Niên, thấy nhiều trường hợp trong bài viết sao giống vợ tôi quá, tôi thấy giật mình”.

Liên quan đến các thông tin Thanh Niên nêu trong loạt bài Có bầu mà không có thai nhi, ngày 28.12, ông Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, cho biết việc trị bệnh hiếm muộn như nội dung báo phản ánh là hình thức lừa đảo người bệnh, hoàn toàn không có cơ sở khoa học. “Không thể có thai khi đã phẫu thuật cắt buồng trứng, cắt tử cung; không thể gọi là có thai khi vẫn có kinh nguyệt hằng tháng”, ông Khê nhấn mạnh.

Cũng theo ông Khê, việc điều trị hiếm muộn chỉ được thực hiện tại cơ sở đã được Bộ Y tế thẩm định đủ điều kiện nhân lực, thiết bị... Bộ Y tế sẽ yêu cầu cơ quan y tế địa phương làm rõ sự việc Báo Thanh Niên phản ánh và có thể sẽ mời cơ quan công an cùng hợp tác, làm rõ hành vi tại cơ sở “điều trị” hiếm muộn nêu trên. Ông Khê cho rằng, việc phụ nữ có hình thức bên ngoài có bụng to như người mang thai nhưng không có thai nhi có thể là hiện tượng không bình thường, không thể gọi là mang thai. Hiện tượng này cũng sẽ phải được tìm hiểu về nguyên nhân. (Nam Sơn)

DVD mà anh Đ.T cung cấp cho chúng tôi là do vợ anh được một người khác gửi tặng. Những hình ảnh trong DVD này cũng giới thiệu những cặp vợ chồng có con nhờ đi “cầu có thai”, được dàn dựng công phu. Một cặp vợ chồng được giới thiệu ở Q.Tân Phú, TP.HCM, đã có con 13 tuổi, năm 2000 muốn sinh thêm cháu nữa nhưng không sinh được, đi khám bác sĩ nói do tinh trùng yếu, tinh trùng loãng.

Sau đó được một người giới thiệu địa chỉ “cầu có thai” nên đến đó cầu vào tháng 10.2007, mỗi tháng đi một lần, và rồi được xơ Y. bắt mạch thông báo có thai. Mang thai 17 tháng sau thì sinh con (?!). Đến cặp vợ chồng thứ hai, thứ ba cũng lần lượt trình bày về quá trình khó có con và đi “cầu có thai”. Điều đáng lưu ý, người dẫn dắt chương trình trong DVD (không quay mặt, chỉ ghi giọng nói) đến 6 lần nhắc đi nhắc lại em bé giống bố!

Một bạn đọc khác là chị A. (ở TP.HCM) phản ánh với Báo Thanh Niên trong tâm trạng bức xúc: “Cơ quan tôi cũng có một chị đi “cầu có thai” ở Q.Thủ Đức, TP.HCM. Mỗi lần đi cầu khấn cũng bỏ tiền vào thùng. Lúc đầu còn xơ Y., có mua thuốc ngay ở chỗ đó. Lúc tôi sinh em bé (tôi có bầu bình thường), chị ấy nói đã có thai được 3 tháng, nhưng giờ con tôi đã được hơn 9 tháng rồi mà chị ấy vẫn chưa sinh.

Tôi thấy, một số người cứ nghe truyền miệng rồi cố tình làm cho chuyện đi “cầu có thai” nghe có vẻ huyền bí, nào là đó là con trời cho. Do vậy, có người mặc dù “mang thai” hoài không sinh, nhưng nói sau này sẽ không la mắng con, không cho ai đụng vào con, vì là con cầu, con khẩn”.

Một bạn đọc khác ở số điện thoại 09038... gọi cho Báo Thanh Niên hôm qua nói rằng: “Tôi là một công chức, tôi thấy mình cần có trách nhiệm nói những điều mình biết. Rất tội nghiệp, gần nhà tôi có một cặp vợ chồng cũng đi “cầu có thai” ở Q.Thủ Đức, TP.HCM. Tôi khuyên vợ chồng đừng đi nhưng rồi họ vẫn đi, và giờ cô vợ nói đã có thai 20 tháng rồi mà vẫn chưa sinh con (?!)”.  

Hiện tượng thai nghén giả

Chúng tôi đặt những thắc mắc xoay quanh chuyện “tại sao một số chị em sau khi đi “cầu có thai” về cũng có hiện tượng ốm nghén, và bụng cũng to...” với bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn (Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM). Bác sĩ Tuấn giải thích: “Trong thực tế có xảy ra rất nhiều trường hợp ở những chị em vì quá mong mỏi, khao khát có được đứa con, nên họ có biểu hiện của hiện tượng “thai nghén giả”. Nghĩa là, ở các chị em này có thể có biểu hiện ốm nghén, buồn nôn, ngán thức ăn, và bụng to lên. Với những người đi cầu khẩn, do quá tin vào việc này nên họ dễ có hiện tượng thai nghén giả.

Câu chuyện về đi “cầu có thai” ở Q.Thủ Đức, TP.HCM không chỉ lan truyền đến từng thôn xóm ở VN, mà đã lan ra cả nước ngoài. Một số bạn đọc ở nước ngoài sau khi đọc Báo Thanh Niên cũng chia sẻ, tại hải ngoại cũng có nhiều người Việt đồn đại về câu chuyện này.

Nhưng nếu lòng tin ở họ mất đi thì hiện tượng này sẽ hết và bụng cũng sẽ xẹp xuống. Bên cạnh đó, cũng có một số cặp vợ chồng, do có sự trùng lắp - nghĩa là họ thụ thai bình thường, trong lúc đó họ cũng đi “cầu có thai”.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết thêm, ông cũng đã tiếp nhận một số chị em dạng đi “cầu có thai” đến yêu cầu khám thai. “Trong số này, một số người hiểu biết, họ để chúng tôi siêu âm, khi siêu âm không có thai thì họ nhận ra vấn đề. Nhưng số đông còn lại không chịu siêu âm kiểm tra thai, như báo nêu. Với những trường hợp này chúng tôi từ chối không khám, không cho thuốc, vì không biết được thực sự có thai hay không, nếu có thì tình trạng thai nhi thế nào”, bác sĩ Tuấn nói.

Cũng có bác sĩ cho rằng có thể do sau khi “cầu có thai” nhiều chị em nghĩ mình đang mang thai thật, cũng uống thuốc bổ, ăn uống bổ để dưỡng thai nên mập ra, bụng to lên (phần lớn các chị em này cũng lớn tuổi, nên dễ “phát tướng” ở phần bụng sau một thời gian tẩm bổ, ít vận động).

Một bác sĩ sản phụ khoa ở TP.HCM, sau khi đọc bài trên Báo Thanh Niên số ra ngày 28.12 về nội dung DVD kể cuộc gặp gỡ của những người gọi là đi “cầu có thai” đã có con, đã nói rằng: “Có thể có những cặp vợ chồng có thai trùng lắp khi họ đi “cầu có thai”. Trong thực tế, có nhiều cặp vợ chồng đến bệnh viện khám hiếm muộn, bác sĩ chưa điều trị gì, nhưng rồi sau đó họ cũng có thai bình thường. Có thể ai đó đã lợi dụng, dùng những người có con như thế để lan truyền chuyện đi “cầu có thai”. Còn chuyện thai nhi nằm trong bụng mẹ 15, 17, 20 tháng là điều không có thực”.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.