Chuyện Công viên 23.9: 'Con ơi, công lý đã có mắt!'

24/03/2019 10:47 GMT+7

Đó là câu chuyện dài đủ thứ trầm luân về ngôi nhà số 30 Phạm Ngũ Lão, đồng thời là trụ sở chính của Nhà xuất bản Sống Mới nổi tiếng trước năm 1975 của ông V.V.K...

Ngôi nhà nằm bên hông của Công viên 23.9, và là mảnh đất “vàng” bị đồ án quy hoạch Trung tâm Văn hóa Thương mại Sài Gòn bao trọn!

Rước lụy bởi hai chữ… “tư sản”!

Tôi viết câu chuyện này bởi hơn 20 năm qua, sau rất nhiều thăng trầm thế sự ở cái công viên đặc biệt này và sự dây dưa sụp đổ của cái dự án kia, lại vận vào cuộc đời của những con người trong những gia đình cụ thể. Họ phải rời khỏi nơi đó, với những nỗi ấm ức, kể cả những oan khuất, mà nếu như không có “công trình chào thế kỷ 21” ấy thì họ vẫn sống bình lặng, cố quên đi đủ thứ, bỏ ngoài tai tất cả, mặc cho bao nhiễu nhương của một giai đoạn giành giật, quy hoạch và rốt cuộc họ phải ngậm đắng nuốt cay vì bị đẩy đuổi đi nơi khác…
…Và người bị vận vào những thứ tai ách ấy, là gia đình một người rất đáng kính: ông V.V.K!
“…Có thể nói, trong rất nhiều trường hợp khiếu nại về vấn đề đền bù giải tỏa và những tiêu cực trong việc thực hiện chính sách, chế độ đối với những hộ nằm trong diện giải tỏa ở khu vực Trung tâm Văn hóa Thương mại Sài Gòn, chỉ có một số ít đơn thư đến đúng địa chỉ và được sự “để ý” của các cấp thẩm quyền, còn hầu như những vấn đề có liên quan nằm trong phạm vi của những lá đơn tố cáo, cho đến nay vẫn chưa được làm rõ…”
(Trích trong bài Dự án xây dựng trung tâm Văn hóa Thương mại Sài Gòn: Giải tỏa - đền bù còn nhiều bất cập? đăng trên chuyên trang Kinh tế Báo Thanh Niên ngày 10.11.1997)
Nhà xuất bản Sống Mới của ông K. là một trong những nhà xuất bản hàng đầu ở miền Nam, chuyên về in sách giáo khoa cho học sinh và những bộ sách tham khảo cho học sinh đệ nhất, đệ nhị cấp cũng như sinh viên các trường đại học. Trong khi Nhà sách Khai Trí chuyên in sách học thuật, khảo cứu còn Nhà xuất bản Tinh Hoa lại thiên về in tập nhạc…
Vào năm 1997, khi tiến hành đền bù giải tỏa ở khu vực dự án Trung tâm Văn hóa Thương mại Sài Gòn, khi đến chỗ nhà số 30 Phạm Ngũ Lão của ông V.V.K thì bỗng nhiên bị chựng lại, vì ngôi nhà này đang được Nhà nước cho một vị cán bộ công tác ở quận 1 thuê. Sau nhiều lần tiếp chị Võ Thị Thúy Hồng, là con gái ruột của ông K. tại tòa soạn vào năm 1997, tôi mới vỡ lẽ rằng đây là một câu chuyện éo le, nói theo ngôn ngữ thời ấy người ta hay sử dụng cho những tình huống kiểu như vậy, là “do lịch sử để lại”!
Số là, năm 1973, vì lý do sức khỏe cũng như bị chế độ cũ “để ý” về thái độ chính trị nên ông K. đã bàn giao quyền điều hành nhà xuất bản này lại cho con gái là chị Hồng. Vụ “để ý” về thái độ chính trị của ông K. cũng bởi xuất phát từ tấm lòng với nước nhà của ông K., chứ không phải ông âm mưu làm cách mạng. Tháng 7.1973, ông K. bị Sở Tình báo và Điều tra tư pháp của chính quyền Sài Gòn khép vào “tội in và bán sách, nhạc phản chiến”, mà theo chị Hồng cho biết, chủ yếu là ông K. in lậu nhạc của Trịnh Công Sơn và một số sách một số người bị tình nghi là “theo giải phóng” hoặc của những tác giả thuộc lực lượng thứ ba, đem ra “phổ biến bí mật”, là những loại sách, nhạc bị chính quyền Sài Gòn cấm in và lưu hành. Tổng nha Cảnh sát lúc ấy quy ông tội “nối giáo cho cộng sản”, bắt giam ông K.10 ngày. Mấy tháng sau, ngày 11.9.1973, Phủ Tổng ủy dân vận và chiêu hồi đã ra lệnh đóng cửa Nhà xuất bản Sống Mới 3 tháng, cũng bởi các tội danh như trên.
Vậy nhưng, không hiểu sao sau giải phóng, Nhà nước lại xác định ông V.V.K thuộc diện “tư sản ngành văn hóa phẩm” nên bị tịch thu nhà số 30 Phạm Ngũ Lão.
Ông K. và con gái phải “chạy đôn chạy đáo” khắp nơi để khiếu nại nhằm cởi bỏ cái tai ách khiến ông bị tịch thu ngôi nhà vốn là tài sản cả đời làm ăn dành dụm mà có. Nhiều cán bộ hoạt động nội thành trước đây đã xác nhận ông K. đã từng có liên hệ giúp đỡ cách mạng, đóng góp công sức tiền bạc trong kháng chiến chống Mỹ, đồng thời trụ sở Nhà xuất bản Sống Mới cũng từng là nơi hội họp của nhiều cán bộ nội thành. Trong số những cán bộ ấy, có ông Nguyễn Kim Xuân (bí danh Mười Xuân), vào thời kỳ cải tạo công thương nghiệp được giao giữ chức Bí thư Đảng ủy Sở Văn hóa Thông tin kiêm chuyên trách công tác cải tạo của sở, đã ký giấy xác nhận với nội dung: “Ban cải tạo của Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM chưa bao giờ kết luận ông V.V.K. là tư sản văn hóa, cũng như nhà xuất bản Sống Mới chưa hề là đối tượng thuộc phạm vi cải tạo”.
Sau nhiều ngày tháng ông K. kiên trì khiếu nại, ngày 26.01.1991, UBND TP.HCM ra quyết định số 46/QĐ-UB do Phó chủ tịch Vương Hữu Nhơn ký, trong đó ghi rõ: Xác định chị Võ Thị Thúy Hồng (là con gái, đại diện cho ông K.) không thuộc đối tượng cải tạo thương nghiệp (điều 1, mục b) và quyết định: Nhà nước giao trả nhà số 30 Phạm Ngũ Lão, quận 1 cho chị Võ Thị Thúy Hồng; giao UBND quận 1 sắp xếp trả nhà số 30 Phạm ngũ Lão cho chị Hồng trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký quyết định.
Thế nhưng, thời gian cứ đằng đẵng trôi, mặc cho chị Hồng “vác” Quyết định 46 và hàng chồng đơn tiếp tục đi khiếu nại để lấy lại nhà của mình, mãi đến năm 1997 UBND quận 1 mới chịu giao trả căn nhà 30 Phạm Ngũ Lão cho chị Hồng, nhưng với phương thức là trả tiền đền bù vì thời gian này, khu vực Công viên 23.9 đã là khu vực giải tỏa để xây dựng Trung tâm Văn hóa Thương mại Sài Gòn…

Trở thành một điểm cho tiêu cực!

Như đã nêu trên, sau khi tịch thu ngôi nhà số 30 Phạm Ngũ Lão, chính quyền giao cho một vị cán bộ thuê ở, theo chính sách thuê nhà của Nhà nước vào thời kỳ đó. Khi giải tỏa đến ngôi nhà này, vị cán bộ ấy lập tức được thỏa thuận đền bù một số tiền là 900 triệu đồng (một số tiền khá lớn vào thời kỳ ấy, có thể mua được 30 nền đất diện tích 4x12 m vào lúc phân lô bán nền rộ lên ở quận Gò Vấp vào năm 1998-1999 - NV), trước cả chị Hồng, người chủ thực sự của ngôi nhà nắm trong tay cái quyết định 46 được xem như là “bảo bối” kia.
Còn chị Hồng sau nhiều năm lao khổ, mới nhận được số tiền đền bù hợp pháp là 1,6 tỉ đồng do Ban giải tỏa đền bù chi trả. Có một chi tiết chị Hồng đã kể với tôi vào một buổi chiều ở ngay tòa soạn: “Do nôn nóng sợ không nhận được tiền đền bù, nên dù đã cầm trên tay bản chiết tính đền bù do Ban giải tỏa đền bù gửi đến, tôi chạy hỏi khắp nơi. Tình cờ gặp được một cô nhân viên làm ở công ty liên doanh Vijico, cô ấy giới thiệu tôi nên gặp vợ của một thành viên trong Ban chỉ đạo giải tỏa để thương lượng. Khi tôi đến, thì nhận được lời đề nghị của bà vợ thành viên này là nên trích ra 1 tỉ đồng để trả cho vị cán bộ đang thuê nhà 30 Phạm Ngũ Lão, vì ông ta cũng có hộ khẩu ở ngôi nhà này…”.
Chị Hồng nhất định không chịu, và chính vì thái độ kiên quyết đó cho nên sau đó ban chỉ đạo giải tỏa phải chi trả đúng số tiền như bản chiết tính đã nêu!
Với những dùng dằng, tiêu cực xảy ra tại dự án Công viên 23.9, mãi đến năm 1998, Chủ tịch UBND quận 1 kiêm Trưởng ban chỉ đạo giải tỏa lúc ấy là ông Ngô Hồng Minh cũng đã ký công văn thông báo cho 3 đơn vị phía VN trong liên doanh là đã làm tròn trách nhiệm giải tỏa trắng khu Công viên 23.9 nối dài.
Tưởng cũng cần nhắc lại một câu chuyện, vào một ngày tháng 2.1998, sau khi những bài báo phanh phui những tiêu cực xảy ra trong quá trình giải tỏa đền bù ở dự án này đăng tải, trong đó có nêu lên trường hợp oan khuất của ông V.V.K., chị Võ Thị Thúy Hồng gọi điện thoại cho tôi, nhắn một câu: “Nhờ em qua nhà chị gấp, có chút chuyện”. Tôi nghe giọng có vẻ hối hả, xách xe chạy qua đường Cao Thắng. Chị Hồng ra đón tôi và nói: “ Ba chị sắp đi rồi, hôm qua chị đọc bài báo em viết, ổng cứ nằng nặc gặp tác giả cho được”.
Trên chiếc giường nhỏ với mớ dây nhợ, ông K. nằm đó, bên cạnh là tờ Thanh Niên đăng bài viết của tôi. Ông gượng dậy chào tôi một tiếng yếu ớt, nói duy nhất một câu: “Cảm ơn cậu nhiều lắm”. Rồi ông cầm tay chị Hồng, run run thều thào một câu mà suốt đời tôi không quên được: “Con ơi, công lý cuối cùng cũng có mắt!”.
Hai ngày sau ông K. về trời…
>> Đón đọc Bài 3: Tiếp tục 12 năm “lận đận”!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.