Chuyện của những người "sống chung" với rác (Kỳ 2)

24/07/2007 10:47 GMT+7

Kỳ 2: Kiếm ăn nơi “đất khách”! Những người vào bươi, gom rác ở các bãi rác, các điểm trung chuyển rác ở TP.HCM đều là người nghèo, ở tứ xứ quy tụ về. Vì vậy, hàng ngày họ cố giành giật cơ hội để tìm kiếm từng miếng ăn. Họ làm tất cả cũng chỉ kiếm chút tiền lận lưng, gửi về quê cho gia đình và phòng khi đau ốm nơi đất khách…

Cuộc chiến với “sự sống”

Bà Nguyễn Thị Tú Anh, 42 tuổi đã có 20 năm bươi rác, bức xúc chuyện thầu thu gom rác cá thể. Bà cho biết, chỉ cách đây mấy ngày, đã có xảy ra cãi vã giữa những người bươi rác và thầu  thu gom rác. Bà Tú Anh nói : “Bây giờ bươi rác không còn như xưa, mọi thứ hầu như đều có thầu. Cái nghề bần cùng này mà cũng sắp bị tiệt đường sống…”. Thực tế khi chúng tôi trở lại điểm trung chuyển rác đường Phạm Văn Xảo (đây là điểm trung chuyển rác lớn nhất trong hàng chục điểm của quận Tân Phú), cũng vừa lúc  một chiếc xe ben đến đây lấy rác. Hàng chục người vừa thấy rác là xông vào. Ai đến trước, được đứng gần đống rác và coi như đã “xí” phần, không ai được nhảy vào giành. Tuy nhiên, đôi lúc cũng có chuyện tranh giành nhau khi đông người chen lấn để bươi rác. Thế là xảy ra cãi vã, văng tục…


Anh Sang (người nâng xe ba gác) đang hành nghề (Ảnh: Đỗ Thông)

Anh Nguyễn Văn Sang (hơn 10 năm bươi rác khắp các bãi rác ở TP.HCM), nói như phân bua: “Nghề nào cũng vậy phải giành giật lắm mới có đường sống”.  Theo anh Sang, điều đáng lo hơn cả  chính  là bệnh tật và tai nạn lao động.

Rõ ràng, môi trường vệ sinh ở các bãi rác ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của những người chuyên sống bằng nghề bươi rác. Cạnh đó, tai nạn lao động thì xảy ra thường xuyên. Anh Sang, cho biết thêm: “ Nước thải trong rác thật độc hại, nó hòa vào mồ hôi thì tắm sạch cách mấy cũng bốc mùi, còn lỡ để nước thải này văng vào mắt thì hậu quả không thể lường trước được.…”.


Ô nhiễm nước rác thải cùng với nước mưa không có lối thoát ở điểm ép rác Phạm Văn Xảo (Ảnh: Đỗ Thông)

Chị Nguyễn Thị Nga chen vào và kể: “Nếu ai có hành nghề bươi rác ở những điểm ép rác thuộc Quận Tân Phú, cách nay hơn một năm, chắc sẽ không quên được hoàn cảnh thương tâm của chị Lê Thị Én (ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Mới lao động hơn 1 tháng, chỉ do sơ  ý  để nước rác bắn vào mắt. Sau đó mắt sưng đỏ tấy hơn một tuần, nhưng không đi khám. Đến khi khám thì đã trễ, đành phải bỏ đi con mắt hư…”.

Chị Nga nói thật như đùa, đã hành nghề bươi rác thì không ai lại không một lần bước chân đến bệnh viện vì các vết thương  gây nhiễm trùng  trong lúc lao động . Và ai đó sợ gặp tai nạn lao động, không muốn cực nhọc ở các bãi rác thì coi như... đói!

“Hãi hùng” bữa cơm trưa!

Có lẽ ấn tượng nhất đối với mọi người là bữa cơm trưa ngay tại bãi rác. Gần 12 giờ trưa, trời như đổ lửa, những người lao động ở đây vội nghỉ ngơi cơm nước. Họ ăn uống đơn giản và thiếu thốn, miễn sao là no cái bụng để tiếp tục làm việc cả ngày .

Chúng tôi vào một túp lều được dựng xơ xài bằng vài tấm  bạt nilông,  là chỗ trú chân của những người bươi rác (tại bãi rác Phạm Văn Xảo, phường Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú).   Trong môi trường vệ sinh kém nhìn một người phụ nữ  thỏai mái vừa ăn, vừa luôn tay đuổi ruồi bám vào thức ăn, chúng tôi lắc đầu chào thua . Bữa cơm diễn ra rất nhanh, ai cũng ăn vội để tiếp tục công việc bươi, gom rác. Họ gần như không sợ ô nhiễm và bệnh tật. Cái mùi hôi, tanh của rác dường như đã thấm vào máu thịt của họ. Vì vậy, chuyện ruồi nhặng bay khắp nơi, đậu vào thức ăn là chuyện thường ngày.


Ăn cơm ngay cạnh bãi rác (Ảnh: Đỗ Thông)

Anh Nguyễn Văn Sang, tâm sự: "Những người bươi, gom rác làm việc ngoài nắng, mưa trong môi trường đầy ô nhiễm nhưng họ đã gần như quen dần với điều kiện sống tệ hại này." Tất cả  những người lao động ở đây đều  đen nhẽm và gầy gò, đó là hậu quả của những ngày lao động đầy mệt nhọc và cả sự ô nhiễm lây lan".

Ở những bãi rác, điểm trung chuyển rác, còn đó nhiều  mảnh đời phải đổ  mồ hôi, nước mắt và cả bệnh tật để đổi lấy sự sống. Họ vẫn quanh quẩn với đói nghèo và bệnh tật. Kết thúc một ngày làm việc, họ lại lầm lũi trở về với những dãy nhà trọ ở tạm qua đêm. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi, trong số này có cả trẻ em luôn phải đối mặt với sự thất học và nghèo khổ.

Đỗ Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.