Chuyện của những người "sống chung" với rác! (Kỳ cuối)

25/07/2007 10:22 GMT+7

Kỳ 3: Trẻ em bươi rác với khát vọng đến trường Ở các bãi rác, các điểm trung chuyển rác có nhiều trẻ em trong độ tuổi đến trường nhưng phải vất vả mưu sinh để kiếm sống. Cái chữ tưởng như bình thường lại là khát vọng của trẻ em nơi này…

Mơ về một ngày tươi sáng

Phần lớn trẻ em đang lao động tại các bãi rác, điểm trung chuyển rác ở TP.HCM có độ tuổi từ 8-13, chưa đi học hoặc bỏ học giữa chừng.

Em Trần Văn Út Mười, mới 12 tuổi nhưng đã có 5 năm hành nghề bươi rác. Cuộc sống nghèo khổ buộc em phải vào đời sớm. Chúng tôi gặp Mười ở điểm trung chuyển rác đường Bình Long (quận Bình Tân), rất tình cờ vì em là người nhỏ nhất, gần như lọt thỏm giữa đám đông toàn những người cao lớn.

Mười kể, nhà em nghèo lắm, cha mẹ lại đau bệnh nên em phải vào bãi rác phụ gia đình kiếm tiền. Lên 7 tuổi, khi bạn bè cùng lứa tung tăng cắp sách đến trường, thì Mười đã phải rời quê lên Sài Gòn, bắt đầu cuộc sống bươi rác.

Mười ngậm ngùi: “Nhà em ở tận Cà Mau, từ nhỏ đến giờ thấy bạn bè đi học cũng ham lắm nhưng nhà nghèo đành phải chịu”. Gia đình Mười có đến 5 anh chị em, nhưng không ai được đi học cả, rồi lớn lên đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Hiện nay, Mười cùng 2 anh chị theo mẹ đi bươi rác ở các trạm trung chuyển rác thuộc quận Tân Phú và quận Bình Tân.


Mười và Cường đi cùng với mẹ của Cường hành nghề tại điểm ép rác đường Phạm Văn Xảo
(Q.Tân Phú) - Ảnh: Đỗ Thông

Nói về ước mơ, em cũng mong muốn được đi học như bạn bè và mai sau làm nghề nào khác có tương lai hơn.

Em Nguyễn Ngọc Tân, 12 tuổi, quê ở Bến Tre, dù  ham học nhưng nghèo quá đành phải nghỉ học để kiếm sống. Và Tân lúc nào cũng ước mơ một ngày nào đó em có cơ hội để đi học lại.

Cùng cảnh ngộ và cũng một mơ ước trên, Lê Văn Cường, 12 tuổi, rất buồn vì phải nghỉ học sớm và đối diện với bao cực nhọc của cuộc mưu sinh.

Cám cảnh nhất có lẽ là trường hợp của em Thạch Sơn (quê huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Cách đây 3 năm, khi Sơn đang học lớp 7, một mất mát không thể tính được đã ập đến tuổi thơ của em. Cha mẹ Sơn mất trong một tai nạn giao thông, từ đó Sơn phải tự nuôi thân và chăm lo 2 em còn nhỏ. Để có tiền nuôi thân cũng như phụ giúp ông bà ngoại nuôi các em, Sơn đã theo các thanh niên trong xóm lên TP.HCM làm phụ hồ. Sức nhỏ, chịu không nổi, Sơn chuyển qua bán vé số. Không may, một lần nữa tai hoạ lại đến với em: Trong một lần mời phải những tên cướp cạn, Sơn mất sạch hơn 300 ngàn đồng. Không tiền, Sơn tìm đến với nghề bươi rác.

Sau hơn 6 tháng theo nghề, ngoài việc trả được gần 300 đồng tiền nợ đại lý vé số, em còn tiết kiệm được hơn 3,5 triệu đồng. Sơn cho biết: “Rằm này em sẽ về quê thăm ngoại và các em, có thể sẽ ở dưới quê làm vườn, làm ruộng luôn để tiện bề chăm lo việc ăn học cho các em”. Sơn cho biết thêm: “Bằng mọi giá con sẽ lo cho 2 đứa em ăn học đến nơi đến chốn. Con sẽ nói cho mấy đứa em con biết không được đi học sẽ buồn và thiệt thòi như thế nào…”.


Những căn nhà trọ tồi tàn được những người bươi rác thuê làm nơi tá túc - Ảnh: Đỗ Thông

Có thể dễ dàng nhận thấy, do vào đời khá sớm nên các em ở đây trông già dặn trước tuổi, nhưng cái hồn nhiên của trẻ thơ vẫn còn trong đôi mắt của các em. Chúng tôi không thể nào quên việc các em vây quanh xin được chụp ảnh. Hỏi ra mới biết từ nhỏ đến giờ hầu hết các em không có tiền để chụp hình. Thế rồi, dù áo quần dơ bẩn, rách bươm khi phải làm quần quật và tiếp xúc suốt ngày với rác, nhưng các em cũng làm kiểu, cũng cười rất tươi và hồn nhiên như bao đứa trẻ khác.

Đến trường học - chuyện tưởng như bình thường ở lứa tuổi thiếu niên, nhưng với trẻ em ở những bãi rác, đó là niềm mơ ước lớn mà chưa biết có khi nào đạt được...

***

Rời những bãi rác, các điểm trung chuyển rác, trong cái nắng chiều gay gắt, bỏ lại phía sau những căn lều tạm bợ, những đứa trẻ nghèo khổ, thất học, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi và tự hỏi:  Tương lai của các em - Út Mười, Cường, Tân và hàng chục em khác - rồi sẽ về đâu? Có lẽ, đây cũng là bài toán khó đối với những người có trách nhiệm và với cả xã hội.

Đỗ Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.