Tham dự buổi hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Văn phòng Bộ VH-TT -DL tại TP.HCM, Liên hiệp Các hội văn hóa nghệ thuật TP.HCM, Đài truyền hình TP.HCM, Hội Điện ảnh TP.HCM cùng các NSND, NSƯT, đạo diễn, biên kịch, diễn viên, nhà sản xuất, báo chí trung ương và địa phương.
Chạy đua theo số lượng, lơ là chất lượng
Năm 1994, Việt Nam chỉ sản xuất mỗi năm 50 tập phim truyền hình (TH). Đến năm 2010 đã vượt hơn 5.000 tập phim/năm, đủ nói lên sự phát triển ồ ạt về số lượng. Tuy nhiên, tiếc thay số lượng này không đi đôi với chất lượng nên thời gian qua dư luận đã lên tiếng, khán giả bất bình khi nhiều bộ phim quá tệ được phát sóng như Anh chàng vượt thời gian, Xin thề anh nói thật, Nợ đa tình...
Bà Dương Cẩm Thúy (Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM) mở đầu buổi hội thảo bằng thông tin dù đã mời nhưng đại diện phòng khai thác phim truyện Đài TH Việt Nam và Đài TH TP.HCM không đến dự. Bà nhận định chất lượng phim TH ngày càng xuống cấp do thiếu nhân sự làm phim, thiếu diễn viên chuyên nghiệp. Mặt khác, kịch bản yếu cũng là yếu tố khiến phim Việt ngày càng bị khán giả quay lưng. Theo đạo diễn Minh Cao, nhà sản xuất đang làm phim theo đơn đặt hàng của bên đầu tư, chịu sức ép từ kinh phí, thời gian hoàn thành. Vì lý do đó, khi bắt tay vào thực hiện, cả đạo diễn, diễn viên đều “chạy đua”. “Thực tế tôi đã từng quay 30 tập trong 60 ngày cho một hãng phim không chuyên nghiệp. Với thời gian như thế, làm sao diễn viên có đủ thời gian thấm kịch bản, tính cách nhân vật?” - đạo diễn Minh Cao nói.
Trong khi đó, đạo diễn Lê Văn Duy cho rằng có một “đường bay” phim TH Việt khi chính người nhà đài lập công ty con và kết nối các công ty sản xuất phim đa quốc gia. Đây là nguyên do, theo ông, khiến cho tình hình cấp “quota” cho phim Việt được phát sóng tràn lan, dễ tạo ra tiêu cực.
|
Ai thẩm định kịch bản?
Nhiều ý kiến cho rằng do sự lỏng lẻo về cơ chế hiện nay nên phim TH dở mới có cơ hội lên sóng. Hội đồng thẩm định kịch bản của nhà đài chỉ xem đề cương kịch bản (với phim dưới 10 tập) hay ít nhất 10 tập đầu kịch bản (với phim trên 10 tập) là xét duyệt. Tình trạng này diễn ra nhiều năm khiến phim Việt “đầu voi đuôi chuột” rất phổ biến. Nhà sản xuất chỉ tập trung làm hay những tập đầu, sau đó “buông” để được lợi nhuận cao. Bất cập thứ hai là sau khi ký hợp đồng, nhà sản xuất tự làm phim mà không có bất kỳ sự giám sát nào của nhà đài. Nhiều phim đang phát sóng bỗng nhiên ngưng như trường hợp Anh chàng vượt thời gian hay Hãy cùng em điệu Sarikakeo có thể đặt câu hỏi về trách nhiệm của các thành viên hội đồng thẩm định này.
Tìm giải pháp nâng chất lượng phim TH
Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến, Tổng giám đốc Đài TH TP.HCM Nguyễn Quý Hòa đưa ra các giải pháp để thay đổi bộ mặt phim TH trong tương lai. Trước tiên, dù mỗi năm Hãng phim TFS của Đài TH TP.HCM đều đặn sản xuất khoảng 300 tập phim đạt chất lượng nghệ thuật nhưng vẫn không đủ số lượng 2.000 tập phim cần phát sóng nên đài sẽ đặt hàng những nhà biên kịch, đạo diễn lớn để làm phim TH. Nhà sản xuất cũng phải có năng lực làm phim trên thực tế và quan trọng là Đài TH TP.HCM không bắt nhà sản xuất ký cam kết có hợp đồng quảng cáo thì phim mới được phát sóng. Ông Hòa nói thêm cần tránh chuyện bán “quota” phát sóng phim cho nhà sản xuất vì dễ dẫn đến tiêu cực. Toàn bộ số tiền đầu tư, nhà sản xuất phải dành trọn cho kinh phí làm phim. Có như thế phim mới đủ vốn, tài chính để thực hiện. Mặt khác, Đài TH TP.HCM sẽ lập ra một lộ trình làm phim với nhiều chi tiết cụ thể, sau đó làm việc với nhà sản xuất để đưa phim TH Việt Nam vào quy củ, nâng cao hơn nữa chất lượng phim.
Một số ý kiến khác cũng nêu rõ, để giảm bớt những phim TH nhạt, nhảm nhí cần đào tạo đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp. Nhà đài cũng phải có trách nhiệm trong việc điều phối, quản lý trực tiếp quá trình sản xuất cũng như phát sóng phim TH. Cơ chế sản xuất phim phải được thực hiện theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi giữa nhà sản xuất và nhà đài. Ngoài ra, việc quản lý này phải công bằng, công khai và minh bạch với từng sản phẩm phim TH được làm ra: phim hay mới được phát sóng, phim dở thì xếp kho. Cần thành lập nhiều hội đồng duyệt phim. Để có đủ nhân lực làm chuyện này có thể mời thêm đội ngũ cộng tác viên đủ năng lực, nhiều kinh nghiệm.
Chúng ta cần có nhiều phim VN nhưng không có nghĩa phải trả bằng mọi giá. Ai sống cũng cần tiền và danh tiếng nhưng trên hết vẫn rất cần lòng tự trọng, đặc biệt khi làm ra những sản phẩm nghệ thuật. Biên kịch Ngô Hoàng Giang
Chính Nhà nước đã đùn đẩy phim TH vào tình trạng đáng rung chuông báo động như ngày hôm nay. Hiện chúng ta có hơn 80 kênh TH của 63 tỉnh thành trong cả nước (không tính hệ thống TH cáp), đó là chưa nói đến TH của Đài tiếng nói VN, nghe nói sắp tới còn có cả kênh TH riêng của công an, quân đội. Nhà nước chủ trương cho thoải mái, tự do mở kênh, lập đài vô tội vạ như hiện nay và nhất là để phó mặc các đài “tự nuôi thân” thì đây là nguyên nhân chủ yếu đẻ ra tình trạng sản xuất phim TH ào ạt, lấy số lượng thay chất lượng khiến dư luận bất bình. Đạo diễn Tô Hoàng
Đạo diễn - diễn viên Hạnh Thúy |
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)