Chuyện điểm danh ở bậc đại học

12/10/2005 21:30 GMT+7

“Đi học đi, có điểm danh !” - nhận được mẩu tin nhắn vỏn vẹn mấy từ ngắn ngủi, L. - sinh viên (SV) ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) TP.HCM lập tức hộc tốc “bay” ngay vào lớp. Vừa thở dốc, L. vừa càu nhàu lũ bạn đang cười thích chí khi thêm một "con nhạn là đà" bị gạt bằng chiêu lừa cũ rích nhưng vẫn hiệu nghiệm này.

Muôn kiểu điểm danh, muôn “chiêu” đối phó

Hầu hết các trường ĐH hiện  nay đều thực hiện quy chế điểm danh với mục đích tránh cho những giảng đường thưa vắng sinh viên dần sau vài ngày nhập học đầu tiên. Thầy Nguyễn Hữu Năng (Phòng Đào tạo ĐH Dân lập Văn Hiến TP.HCM)  cho biết: "Mục đích của điểm danh là nhằm giúp SV đi học tốt hơn, chuyên cần và nắm bài vững hơn. Theo quy chế của trường và cũng là của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì SV nghỉ quá 20% số tiết sẽ bị cấm thi. Những SV bị cấm thi môn nào thì sẽ buộc phải học lại môn học ấy". Tuy nhiên, biện pháp quản lý sinh viên theo hình thức điểm danh có vẻ như vẫn chưa hiệu quả. Thay vì  đến giảng đường vì nhu cầu tiếp thu kiến thức, một số sinh viên đến lớp chỉ để đối phó với việc điểm danh. Và chỉ chờ khi giảng viên thực hiện xong việc điểm danh (thường ở giữa giờ học) là SV lại "chuồn" ra khỏi lớp.

Ngoài ra, tình trạng điểm danh dùm cũng không xa lạ gì trong giới SV. Tr., SV ĐH Công đoàn Hà Nội kể lại: "Để đối phó với điểm danh, các SV có cách "hô khống": đối với lớp đông SV, giảng viên (GV) thường chỉ gọi tên để điểm danh mà không nhìn thấy và nhớ mặt SV nên một SV có thể có nhiều lần hô: "Có ạ!". Thỉnh thoảng GV kiểm tra đột xuất lại bằng cách... đếm từng người, thấy hụt đi mấy "suất", thế là phải điểm danh lại! Vậy là tiết học 45 phút bị xem như bị mất đi ít nhất 10 phút cho việc điểm danh". Do nhận thấy việc điểm danh bằng cách gọi tên không hiệu quả, một GV  khoa Xã hội học của ĐH KHXH&NV TP.HCM đã tung ra "tuyệt chiêu" điểm danh trên phiếu có "mộc đỏ" của khoa. Mỗi SV khi đến lớp sẽ được phát một phiếu để điền tên và mã số SV vào đấy. Thế nhưng "chiêu" này cũng chỉ phát huy hiệu quả 50% vì sau khi nhận xong  phiếu điểm danh, lớp học sau đó lại... vơi dần.

Không điểm danh lớp học vẫn đông

Thực tế, có nhiều môn học, giáo viên không cần điểm danh nhưng lớp học vẫn đông đủ thậm chí... dư sinh viên. Các SV năm 4 của trường ĐH KHXH&NV vẫn lan truyền "giai thoại" về giờ học môn Triết học của giảng viên Vũ Tình như một ví dụ về việc không cần điểm danh mà lớp vẫn đông: Tuy là giờ học của SV "trường nhà" nhưng lớp học lúc nào cũng dư  SV bởi nhiều SV ĐH Bách khoa đã sang học ké môn học vốn có tiếng là khô khan này. L. (SV khoa Xã hội học ĐH KHXH&NV TP.HCM), một "tay" cúp học có tiếng nhưng lại không bao giờ bỏ học môn Xã hội học Đô thị vì: "Môn học này, thầy dạy theo phương pháp đặt vấn đề và các SV cùng nhau phát biểu ý kiến, giải quyết vấn đề nên giờ học rất sinh động. Không như những môn học khác, với môn học này tôi luôn tranh thủ đến lớp nghe thầy giảng và cùng các bạn thảo luận để được tiếp thu những kiến thức bổ ích không có trong sách, giáo trình...".

Đối với SV, nhiều người có thể tự chủ động học tập và nghiên cứu thường cảm thấy "phí" thời gian nếu đến giảng đường với cơn buồn ngủ trong những tiết học mà chép nhiều hơn nghe (nhất là khi hiện tượng học theo kiểu "thầy đọc, trò chép" vẫn còn phổ biến trong ngành giáo dục ở nước ta hiện nay). Trong khi đó, nếu dùng khoảng thời gian đó để nghiên cứu thêm các nguồn tài liệu liên quan thì hiệu quả học tập sẽ cao hơn nhiều (đương nhiên, với điều kiện là SV biết được những yêu cầu kiến thức mà bộ môn đặt ra và có nhiều tài liệu học tập trong tay). N.V.Đ, một giảng viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM nói: "Trước giờ tôi chưa bao giờ điểm danh SV. Tôi cảm thấy điểm danh có thể khiến SV nghĩ giảng viên cho rằng việc SV đi học chưa thực sự vì nhu cầu học hỏi mà chỉ để đối phó với điểm danh...". Đ.K, SV vừa tốt nghiệp ĐH Nông lâm TP.HCM thì bày tỏ quan điểm: "Tôi thấy điểm danh là một vấn đề rắc rối và không cần thiết. SV đều đã trên 18 tuổi, nên để các bạn tự giác đi học. Qua các kỳ thi, nếu các bạn không theo kịp chương trình thì sẽ tự bị đào thải". Và như thế, liệu có cần thiết giữ việc điểm danh ở bậc đại học khi mà cả giảng viên và sinh viên đều cảm thấy không thoải mái và trên thực tế, việc điểm danh vẫn chưa thể hiện được hiệu quả quản lý sinh viên một cách tốt nhất?

Thy Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.