Chuyện đưa người lên sao Hỏa 'một đi không trở lại'

13/02/2015 20:09 GMT+7

(TNO) 'Tôi có thể chết vì tai nạn xe, tuổi già, nhưng nếu là vì người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa, thì tại sao lại không thể ?' - Leila Zucker, người tham gia Mars One, chương trình đưa người lên sao Hỏa 'một đi không trở lại' cho biết, theo The Washington Post .

(TNO) “Tôi có thể chết vì tai nạn xe, tuổi già, nhưng nếu là vì người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa, thì tại sao lại không thể ?” - Leila Zucker, người tham gia Mars One, chương trình đưa người lên sao Hỏa "một đi không trở lại" cho biết, theo The Washington Post.

Hình ảnh mô phỏng không gian của sao Hỏa - Ảnh: Reuters
Chuyến hành trình “một đi không trở lại”
Chương trình đưa người lên sao Hỏa thuộc Tổ chức Mars One (Hà Lan) công bố tuyển ứng viên từ năm 2011 và thu hút hơn 200.000 hồ sơ đăng ký từ 140 quốc gia trên thế giới. CEO của Mars One, ông Bas Lansdorp, cho biết chương trình nhắm đến mục tiêu chinh phục sao Hỏa thành thuộc địa của con người trong tương lai.  
Sau nhiều vòng tuyển chọn, chương trình đã tuyển ra 24 ứng viên cho chuyến hành trình “một đi không trở lại”, trong số họ có các nhà khoa học, nhà vật lý, doanh nhân, luật sư, phi công... 24 người sẽ được chia thành 6 nhóm và trải qua 8 năm huấn luyện cho cuộc sống mới. Theo kế hoạch, vào tháng 4.2024 Mars One sẽ đưa 4 người trong nhóm đầu tiên lên hành tinh Đỏ, thời gian chuyến bay khoảng 7 tháng.
Các nhóm còn lại sẽ lần lượt được đưa lên, thời gian trung bình cách nhau mỗi chuyến từ 1 - 2 năm. Chi phí toàn bộ chương trình Mars One lên đến 6 tỉ USD với sự tài trợ của nhiều tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới. Trước đó, Mars One cũng đã xây dựng các khu định cư và chuẩn bị dụng cụ, thiết bị cần thiết để xây dựng cuộc sống cho các thành viên.
Khi đến sao Hỏa, các thành viên phải sống trong điều kiện khó khăn với khí quyển chủ yếu là CO2 và nhiệt độ trung bình 63 độ C. Họ phải tự chế tạo nước, dưỡng khí và trồng thực phẩm. Điều đáng nói, Mars One hoàn toàn không có kế hoạch cho những người tham gia được trở về Trái Đất.
Đây là chương trình thực tế lớn nhất trong lịch sử truyền hình từ trước đến nay, toàn bộ quá trình của dự án từ khâu tuyển dụng, đào tạo ứng viên và cuộc sống trên sao Hỏa đều được truyền hình trực tiếp.
“Chết vì là người đầu tiên lên sao Hỏa - tại sao không?”
Nhiều ý kiến trái chiều cho rằng đây là một ý tưởng điên rồ. Nhưng trong cuộc phỏng vấn mới đây trên The Washington Post, các ứng viên đã có dịp chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ cho quyết định tưởng như “điên rồ” này.
Cô Leila Zucker và chồng - Ảnh chụp màn hình The Washington Post
Cô Leila Zucker, bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Howard, Washington DC, chia sẻ: “Nhiều người hỏi tôi tại sao lại muốn đi. Nhưng tôi đã trả lời ngược lại rằng, tại sao tôi không thể đi?".
“Họ hỏi, nếu chết thì sao?... - Đúng vậy, tôi có thể chết vì tai nạn xe hơi vào ngày mai, chết vì tuổi già, bệnh tật. Nhưng nếu có thể chết vì là người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa thì tại sao lại không thể?”, cô Leila cho biết.
Anh Derrick Michael Johnson - Ảnh chụp màn hình The Washington Post
Derrick Michael Johnson, 29 tuổi, là nhân viên trong một văn phòng chính phủ ở Texas với công việc bàn giấy tẻ nhạt. Thuở thiếu thời, Derrick từng là một thanh niên có nhiều hoài bão. Anh cho biết: “Tôi luôn muốn một sự khác biệt, muốn biết được nhiều điều và đi xa hơn những gì tôi có thể”.
Đến một ngày, vào tháng 4.2014, dưới sự giới thiệu của một đồng nghiệp về Mars One, cuộc sống của Derrick đã thật sự bước sang trang mới. Anh bỏ công việc bàn giấy và quyết tâm trở thành người chinh phục sao Hỏa. “Không gì là không thể xảy ra nếu bạn có ước mơ và sự kiên trì. Tôi muốn truyền cảm hứng đến cho người trẻ về việc theo đuổi ước mơ”, Derrick cho biết.
Ông Daniel Carey - Ảnh chụp màn hình The Washington Post
Rời bỏ gia đình, bạn bè và người thân chưa bao giờ là điều mong muốn của bất kỳ ai. Daniel Carey, một kiến trúc sư 52 tuổi đang có cuộc sống đầm ấm cùng vợ và hai người con, đã phải đấu tranh và trải qua nhiều thử thách để được gia đình chấp nhận tham gia Mars One.
Từ khi còn là một đứa trẻ, ông Daniel đã mơ về giấc mơ không gian, ông say mê xem các chương trình phóng tàu vũ trụ Apollo trên ti vi và mong muốn một ngày trở thành phi hành gia của NASA. Khi biết được quyết định của Daniel, gia đình ông đã không bất ngờ, nhưng người vợ Anne chỉ đau lòng nói rằng: “Làm sao anh có thể rời bỏ người anh yêu thương để theo đuổi giấc mơ?”.
Daniel đã trăn trở rất nhiều về những điều này, nhưng cuối cùng, ông tin rằng sứ mệnh của con người là phải khám phá vũ trụ và phi vụ của Mars One ngày hôm nay sẽ truyền cảm hứng cho sự phát triển của loài người trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.