(TNO) Nước Mỹ phải dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu đã lỗi thời nhằm tận dụng lợi thế kinh tế và địa chính trị của sự bùng nổ công nghệ nứt vỡ thủy lực (dùng để khai thác dầu khí đá phiến dễ dàng với chi phí và thời gian ngắn hơn - NV), theo một cuộc nghiên cứu do Trường Kinh doanh Harvard và Nhóm Tư vấn Boston đưa ra.
Các chuyên gia kêu gọi Mỹ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu - Ảnh: Reuters
|
Việc dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài 40 năm được áp đặt sau lệnh cấm vận dầu mỏ Ả Rập và việc nới lỏng những hạn chế đối với các cảng xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng sẽ bổ sung 23 tỉ USD cho nền kinh tế vào năm 2030, tạo ra hàng chục ngàn việc làm và cung cấp thêm quyền lực cho Mỹ ở nước ngoài, báo cáo viết.
“Tài nguyên năng lượng của chúng ta đã cho nước Mỹ những công cụ ngoại giao quan trọng mới vốn có thể hỗ trợ các đồng minh và chống lại khả năng những nước không thân thiện sử dụng dầu khí nhằm đạt được những mục tiêu chính trị”, theo cuộc nghiên cứu do Giáo sư Mark Porter thuộc Trường Kinh doanh Harvard và 2 chuyên gia David Gee và Gregory Pope tiến hành, được hãng tin Reuters dẫn lại.
“Ngày nay, lệnh cấm xuất khẩu dầu thô đang làm giảm cơ hội thị trường cho các nhà sàn xuất và làm giảm tăng trưởng của Mỹ mà không có những lợi ích đền bù rõ ràng cho nước Mỹ hay người Mỹ”, nghiên cứu cho biết, đồng thời phác thảo những bước đi mà nước Mỹ phải thực hiện nhằm hưởng lợi đầy đủ từ sự bùng nổ công nghệ nứt vỡ thủy lực.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh đang có tranh cãi dữ dội tại Washington về việc liệu có nên đảo ngược lệnh cấm xuất khẩu dầu sau khi phe Cộng hòa đề xuất các dự luật liên quan trong những tháng gần đây. Các nhà sản xuất dầu háo hức với việc chuyển hàng sang châu Á và châu Âu nói rằng lệnh cấm đã dẫn đến tình trạng thừa thải dầu thô “ngọt” (ít lưu huỳnh) vốn có thể cản trở sự bùng nổ hoạt động khoan dầu nội địa. Một số thành viên của phe Dân chủ lạnh nhạt với ý tưởng này, viện dẫn những lo ngại rằng việc xuất khẩu có thể làm cho giá năng lượng nội địa tăng lên.
Sự phát triển công nghệ nứt vỡ thủy lực, vốn bao gồm bơm nước, cát và hóa chất vào giếng để trích xuất dầu khí, đã khiến sản lượng khí đốt thiên nhiên của Mỹ tăng 35% kể từ năm 2005 và sản lượng dầu tăng 45% kể từ năm 2010.
Nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard nói rằng công nghệ nứt vỡ thủy lực hiện đóng góp khoảng 340 tỉ USD vào tổng sản phẩm nội địa thường niên của Mỹ và hỗ trợ hơn 2,7 triệu việc làm. Tài liệu trên gọi ngành công nghiệp trên “có thể là cơ hội đơn lẻ lớn nhất để thay đổi khả năng cạnh tranh của Mỹ”.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nói rằng các nhà quản lý dầu khí cần phải làm việc cật lực để đối phó với sự ủng hộ yếu ớt của dân chúng đối với công nghệ trên, chủ yếu bởi những lo ngại về nguy cơ ô nhiễm không khí và nước, cũng như mối liên hệ giữa công nghệ này với những trận động đất.
Một báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đầu tháng cho biết công nghệ nứt vỡ thủy lực không dẫn đến việc ô nhiễm nước sinh hoạt trên diện rộng, nhưng họ cảnh báo rằng một số hoạt động khoan dầu có thể gây rủi ro về sức khỏe.
Bình luận (0)