Từ một người chỉ biết “vọc” máy tính với các phần mềm, mã code, kỹ sư IT Phan Ngọc Minh dần chuyển niềm đam mê sang xe hơi. Ban đầu chỉ là sửa, thay mới, dần dà anh trở thành chuyên gia trong lĩnh vực “độ” xe địa hình của làng offroad Việt Nam.
Có bằng thạc sĩ công nghệ thông tin, tuy nhiên kỹ sư Phan Ngọc Minh đã bỏ qua sức hút của chiếc máy tính, chuyển niềm đam mê “khám” và “phá” những chiếc xe hai cầu hầm hố. Dân chơi xe địa hình ở thành phố đều ít nhiều biết tiếng anh. Mỗi năm khoảng 100 chiếc xe SUV, các dòng bán tải... qua tay anh và trở nên mạnh hơn, nhờ được cải tiến về kỹ thuật, dù đi trong sương mù dày đặc hay đường trơn, lầy lội, xe vẫn vượt qua dễ dàng.
“Độ” không phải là “phá” xe
Nhiều người cứ nghĩ “độ” xe là gắn thêm dàn đèn nhấp nháy, hay cắt ngắn ống pô để xe kêu ầm ầm đi qua phố, độ xe phải thiết thực chứ không đơn thuần làm cho xe ngầu hơn, đẹp hơn. Với những tay chơi như anh Minh, độ xe là cải tiến để xe lưu thông tốt hơn. Không cố gán ghép những phụ kiện đắt tiền lên xe để khoe mẽ, không ép chiếc xe cưng thành vật hầm hố, mong muốn của anh là “làm sao cho xe đi an toàn hơn, đi được nhiều vùng địa hình” mà thôi.
Các mức độ cải tiến xe rất khác nhau, nhiều người chỉ muốn chiếc xe bán tải của mình qua cầu vẫn giữ được nhịp chạy băng băng, không bị mất lái khi chạy qua những chiếc cầu không có gờ giảm tốc, hoặc lái xe bon bon trên những đoạn đường trơn như mỡ. Dẫu xe được độ chế nhưng anh Minh luôn cố gắng không làm thay đổi kết cấu để xe vẫn lưu thông trên đường bình thường.
|
|
|
|
Anh Minh chơi xe từ năm 2004, gia tài của anh là 6 chiếc xe, được nhiều tay mê xe mơ ước. Anh cho biết khi thay đổi các chi tiết máy anh luôn nhằm vào mục đích giúp chủ xe lái thuận lợi hơn trên các địa hình phức tạp. Những chiếc xe giúp người lái có thể vượt qua các rặng núi cheo leo đầy sương mù của vùng Tây Bắc, hay những ổ voi, đường sình lầy ở Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, hoặc các ông chủ vườn cao su có thể thăm rẫy của mình vào những ngày mưa...
Có 3 mức độ thường thấy khi độ xe. Nhẹ nhất là thay hệ thống giảm xóc, thay hệ thống đèn đi trong sương mù hay trời tối; mức độ trung bình thì xe được gắn thêm tời, cản trước, cản sau, bảo vệ gầm xe, ống thở cho xe lội suối. Riêng đối với những chiếc xe đặc biệt, anh Minh cho biết, ở Sài Gòn chỉ có khoảng 20 chiếc xe được độ chế thay đổi toàn bộ kết cấu của xe, khung, máy... và chỉ dùng để thi đấu.
Những chiếc xe chinh phục địa hình
Mỗi năm ở Hà Nội, TP.HCM có các giải đấu dành cho dân chơi offroad như: VOC, HOC, SAT... quy tụ các tay chơi xe sừng sỏ từ nam chí bắc. Đến giải đua, họ mang theo những chiếc xe “khủng” để thách thức địa hình. Theo anh Minh: “Mỗi tay chơi xe có ít nhất 2 chiếc xe, một chiếc để lái hằng ngày, một chiếc được độ để thỏa niềm đam mê chơi xe cảm giác mạnh. Những chiếc độ nặng (offroad extreme) chỉ dùng tham gia các giải đấu”.
Để làm những chiếc xe đặc biệt này, người ta cần đến 3-4 chiếc xe SUV thường để lấy phụ tùng mà ghép thành xe mới. Có thể nói chiếc “siêu xe” mới được làm từ những chiếc xe đa quốc tịch. Dẫu các phụ tùng được “tái sử dụng” từ những phụ tùng cũ của các chiếc xe riêng biệt nhưng chi phí độ một chiếc xe hạng nặng không hề rẻ, có thể lên đến tiền tỉ. Ngoài tiền bạc, thời gian đầu tư làm chiếc xe không thể gấp gáp, phải chờ đợi phụ tùng như máy, khung... từ khắp nơi gửi về.
Trong số 6 chiếc xe mà anh Minh sở hữu có một chiếc đặc biệt như thế. Mỗi dòng xe có ưu điểm khác nhau, nên anh chọn khung xe từ chiếc Land Cruise, động cơ Nissan, nhông truyền của Yukon, lốp xe của Maxxis, giảm xóc của Fox... Sau 6 tháng ròng rã, anh hồ hởi khoe “giờ tôi đã có chiếc xe đi mọi loại địa hình”.
Một lời khuyên anh Minh dành cho những người cùng sở thích: “Muốn “chế” xe thì trước tiên phải hiểu xe, hiểu các chi tiết kỹ thuật... trước khi độ hãy nghĩ xe là dùng để đi chứ không phải để khoe mẽ, phụ kiện gắn vào phải hữu ích, không dùng để trang trí rất lãng phí”.
Rất nhiều nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan... có đội cứu hộ đặc biệt gọi là Offroad Rescuse Team di chuyển bằng những chiếc xe được độ chế đặc biệt. Họ là những người đi tiên phong đến hỗ trợ các nạn nhân bị thiên tai, cứu chữa những người gặp nạn mắc kẹt trong tuyết, mất tích do động đất, hay đem lương thực tới những nơi đường sá bị hư hỏng nặng mà các phương tiện thông thường không đến được. |
Nguyên Trang
Bình luận (0)