Chuyên gia WHO: tích trữ vắc xin là 'bất công, vô đạo đức', làm đại dịch Covid-19 kéo dài

08/09/2021 15:05 GMT+7

Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO ) ngày 7.9 đã lên án các nước giàu vì thu gom vắc xin , thuốc, đồ bảo hộ, khiến đại dịch kéo dài.

Lời chỉ trích này được 2 nhà dịch tễ học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra trong một phiên hỏi đáp trực tuyến trên trang mạng xã hội của tổ chức này vào ngày 7.9, CNBC đưa tin.

“Hành động này không chỉ bất công, vô đạo đức mà còn đang làm đại dịch kéo dài”, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia của WHO về Covid-19, cho biết. "Hành động này cũng dẫn đến cái chết của nhiều người", bà Kerkhove nói thêm.

Các nước phát triển tích trữ vắc xin làm kéo dài đại dịch Covid-19

WHO đã nhiều lần lên tiếng về sự bất bình đẳng toàn cầu trong việc phân phối vắc xin và kêu gọi phân phối vắc xin công bằng hơn ở các nước thu nhập thấp. Trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin ở nước nghèo còn rất thấp, một số quốc gia phát triển đã chủng ngừa cho phần lớn dân số và bắt đầu triển khai tiêm nhắc lại.

Ngày 4.8, WHO đã kêu gọi các nước ngừng triển khai tiêm mũi thứ ba trong ít nhất hai tháng và chuyển số vắc xin dư đến các quốc gia nghèo hơn để có thể đạt mục tiêu chủng ngừa cho 10% dân số thế giới vào cuối tháng 9. WHO cũng đặt mục tiêu tiêm vắc xin cho 40% dân số thế giới vào tháng 12.

Mỹ đã tiêm liều tăng cường cho 1,3 triệu người. 53% dân số nước này cũng đã được chủng ngừa xong 2 mũi vắc xin. Trong khi đó, châu Phi mới chỉ tiêm xong 2 mũi cho 3% dân số. 26 quốc gia tại châu lục này cũng phân phối chưa đến 50% số vắc xin đã nhận được.

Với tốc độ tiêm chủng hiện tại, WHO cho biết 80% quốc gia ở châu Phi sẽ không thể hoàn thành mục tiêu tiêm cho những người dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch Covid-19 trước cuối tháng 9.

Tuy vậy, các nước giàu có thể sẽ không cần phải thu gom vắc xin như trước nữa. Liên đoàn các nhà sản xuất dược phẩm quốc tế (IFPMA) ngày 7.9 cho biết các công ty đang sản xuất khoảng 1,5 tỉ liều vắc xin Covid-19 mỗi tháng, DW đưa tin.

Tổng giám đốc IFPMA Thomas Cueni cho biết đến nay, các công ty đã sản xuất 7,5 tỉ liều vắc xin. Ông Cueni cũng dẫn lại dự đoán của một cố vấn độc lập rằng thế giới sẽ có 12 tỉ liều vắc xin vào cuối năm nay.

Điều này nghĩa là các quốc gia giàu "không còn cần" dự trữ vắc xin, ông Cueni nói. Hành động của các nước phát triển là yếu tố chính góp phần vào sự bất bình đẳng về vắc xin trên toàn thế giới.

COVAX khó đạt mục tiêu vì nhiều sáng kiến chia sẻ vắc xin Covid-19 cạnh tranh

 Việc dự trữ vắc xin cũng làm đại dịch khó kết thúc vì các biến thể mới có thể xuất hiện ở những khu vực có tỷ lệ chủng ngừa thấp.

Công ty dữ liệu Airfinity đã công bố một nghiên cứu cho thấy nguồn cung vắc xin sắp bằng với nhu cầu trên toàn cầu, đặc biệt nếu EU, Mỹ, Anh và Canada tặng 500 triệu liều vắc xin thừa mà họ hiện có cho các quốc gia nghèo hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.