Chuyện khai mở của 'Giáo sư quần đùi'

15/04/2018 09:33 GMT+7

Gặp phóng viên sau chuyến chinh phục 'nóc nhà Đông Dương' trở về, Giáo sư Trương Nguyện Thành (người được gọi là 'giáo sư quần đùi'), chia sẻ trải nghiệm thú vị và bài học mang về cho sinh viên của mình.

Thầy giáo U.60 chinh phục 'nóc nhà Đông Dương' trong 12 giờ
Thưa giáo sư, vì sao ông lại quyết định chinh phục Fansipan trong khoảng thời gian thậm chí còn ngắn hơn vận động viên?
Tôi bắt đầu bằng câu chuyện về giới hạn của bản thân. Tôi nhớ về nguyên tắc mà đặc nhiệm SEAL (Mỹ) áp dụng: Ngay khi não phát ra tín hiệu bạn đã chạm mức giới hạn thì thực tế bạn chỉ mới sử dụng có 60% sức lực của mình. Còn 40% nội lực nữa, nếu bứt phá, bạn sẽ lập kỷ lục mới cho bản thân.
VIDEO: Giáo sư Trương Nguyện Thành khuyên sinh viên hãy bùng nổ
Để trải nghiệm bài học này, cuối tháng 3 vừa qua, tôi quyết định chinh phục “nóc nhà Đông Dương” - Fansipan.
Trong khi các công ty du lịch đều thiết kế các tour leo núi 2 ngày, ngay cả vận động viên marathon cũng mất 14 - 15 tiếng đồng hồ, tôi lại đề nghị thiết kế một tour đặc biệt đưa tôi leo lên và xuống núi trong vòng 12 tiếng đồng hồ.
Khi họ hỏi nghề, tôi nói thầy giáo. Hỏi nhiêu tuổi, tôi trả lời 57 tuổi, ai cũng lắc đầu, khuyên tôi nên lượng sức mình. Cuối cùng, tôi tìm được một chàng trai người Mông tên là Rê (27 tuổi) đồng ý dẫn đường cho tôi.
Chuyện khai mở của 'Giáo sư quần đùi'1
Hình ảnh Giáo sư Thành mặc quần đùi giảng bài về sáng tạo từng gây nhiều tranh cãi
Tôi đang hồi hộp không biết “chàng trai” U.60 sẽ chinh phục Fansipan trong 12 giờ như thế nào?
6 giờ sáng tôi khởi hành, mang theo là 1,5 lít nước.
10 giờ, tôi leo đến trại 1 ở độ cao 2.800 m. Nhưng từ đây lên đến đỉnh mới thực sự thử thách. Từ trại nền 2.800 m lên tới đỉnh núi đúng 2 giờ đồng hồ. Tôi đã đứng trên độ cao ngạo nghễ của “nóc nhà Đông Dương” 3.143 m vào lúc 12 giờ trưa. Đúng dự tính leo lên đỉnh trong vòng 6 giờ. Tôi chụp ảnh “check-in” trong vòng 5 phút.
Hành trình xuống núi được dự đoán còn khó khăn hơn. Cường độ leo núi liên tục và không khí loãng khiến tôi mệt thực sự. Lúc này, anh dẫn đường cho biết bà xã và bạn bè tôi ở chân núi đang rất lo lắng. Họ đề nghị nên cho tôi đi cáp treo xuống.
Khi đó ông nghĩ đã chạm đến giới hạn của mình chưa?
Chưa đâu. Tôi nghĩ tôi còn có thể cố gắng. Đi xuống bằng cáp treo thì “quê” quá. Tôi quyết định leo xuống. Khi đi lên, mình còn bám mấy hòn đá kéo thân mình lên. Còn đi xuống không có gì để bám. Tôi bị trượt mấy cú. May mà không sao. Từ đỉnh núi xuống lại trại 2.800 m, hai chân tôi run lẩy bẩy. Đặt lưng nằm xuống thì lưng ê ẩm. Lúc đó tôi mới cảm nhận mình đã hết sức. Và tôi nằm nghỉ trong trại.
Tôi đang tò mò về lý thuyết “khai mở” 60% năng lượng còn lại...
Tôi nằm nghỉ 15 phút. Rê nói bác hết sức rồi. Giờ chúng ta không thể leo lại lên đỉnh để đi cáp treo xuống. Còn đi xuống chắc phải kiếm người đưa bác xuống. Tôi hỏi nếu kiếm người đưa mình xuống thì mất mấy giờ. Rê trả lời từ 5 - 7 giờ. Tôi nói lâu quá. Vậy hai bác cháu ráng đi ra trước khi trời tối. Thế là chúng tôi lại tiếp tục đi xuống.
Chuyện khai mở của 'Giáo sư quần đùi'2
... và trong một chuyến dã ngoại
Hành trình tiếp theo đúng là “khai mở” năng lượng đang ẩn giấu trong người mình. Lúc đó, tay chân dường như không nhấc nổi. Cái đầu tôi cứ vang vang mấy câu để ép cái chân đi. Cứ đi 10 phút thì dừng lại thở hổn hển...500 m cuối cùng thật sự là khổ ải. Kinh khủng! Mình đi từ 2.800 m tới 2.200 m. Từ 2.200 m băng rừng đi ra, vẫn còn xuống. Nhưng tới 500 m cuối cùng lại là lên dốc. Cái đầu cứ bảo: “Ráng tiếp bước nữa, bước nữa”. Thật hạnh phúc. Tôi xuống đến chân núi đúng thời gian dự tính.
Đêm đó, tay chân tôi không nhấc lên nổi. Vợ tôi cho hai viên thuốc ngủ để dễ ngủ nhưng kỳ lạ là đầu óc mình lại rất tỉnh táo và không tài nào chợp mắt được.

Chiêm nghiệm lại hành trình, điều ông rút ra là gì?
Tôi chia sẻ với sinh viên về trải nghiệm của mình. Tôi nói ai trong cuộc đời cũng phải trải qua những thử thách. Và nếu quyết tâm, bạn có thể vượt qua giới hạn và khai mở phần sức lực còn tiềm ẩn trong con người mình.
Tự đặt vào môi trường khắc phục điểm yếu
Trước khi đi ông có nghĩ đây sẽ là một bài học cho sinh viên của mình?
Không. Tôi chỉ muốn làm một thí nghiệm cá nhân. Tôi nhận thức được đích đến của mình là leo tới đỉnh Fansipan. Nhưng thực sự tôi chỉ ở đó có 5 phút. Hành trình gian nan trong 12 tiếng đồng hồ chỉ để ở đó có vài phút ngắn ngủi.
Từ đó, tôi chia sẻ với sinh viên. Tôi hỏi đích đến của các em khi học đại học là gì? Các em trả lời để có bằng đại học. Đúng. Nhưng thầy đảm bảo, cái hưng phấn khi các em cầm bằng đại học chỉ có 5 phút. Trải nghiệm suốt quá trình 4 năm học mới quan trọng.
Chuyện khai mở của 'Giáo sư quần đùi'3
Giáo sư Thành cùng các sinh viên...
Trong 4 năm ấy không chỉ có đi học, thi cử, lấy bằng mà các em còn phải trải nghiệm, thử thách bản thân, tìm hiểu mình muốn gì. Cũng như chuyến đi của tôi, quan trọng nhất không phải là đứng trên đỉnh núi mấy phút “check-in”, mà tôi đã nhìn thấy vẻ đẹp lẫm liệt của cổ thụ trong rừng già. Đã hạnh phúc khi vượt qua thử thách của bản thân, khám phá phần năng lượng còn lại trong cơ thể mình. Chứ lên bằng cáp treo, tôi chỉ đứng bên cột mốc hơn 3.000 m như đứng trước một tảng xi măng thôi.
Ngày xưa ông học đại học như thế nào?
Khi sang Mỹ, tôi đi làm thí nghiệm, làm trong phòng lab, rồi trong club khiêu vũ, lớp võ, chơi đủ thứ... Bởi vậy, tôi khuyên sinh viên, nếu có cơ hội gì trải nghiệm hãy trải nghiệm.
Khi ở bên đó, người Á Đông nhút nhát hơn trong việc giao tiếp xã hội. Để tăng độ tự tin, tôi ép mình vào câu lạc bộ khiêu vũ để học. Khi nhạc trỗi lên, môi trường này ép tôi phải đến nói chuyện, mời bạn nữ nhảy.
Điều tôi muốn nói với sinh viên, phải biết con người mình như thế nào, yếu chỗ nào. Từ đó, đặt mình vào một môi trường để rèn luyện, khắc phục điểm yếu đó.
Nhưng không phải ai cũng nhìn ra điều ông nói
Tôi sinh ra ở miền Trung. Hồi nhỏ tôi đi bán thuốc lá, đi cày mướn, không thông minh bẩm sinh, rồi còn không được đào tạo bài bản. Những thành quả mình đạt được hôm nay nhờ mình luôn đặt bản thân vào những vị trí bắt buộc mình phải phát triển, phải vượt qua giới hạn bản thân.
Ở vị trí lãnh đạo Trường đại học Hoa Sen, trong chương trình giáo sư có điều gì khuyến khích sinh viên phát triển những kỹ năng khác?
Trước tết, tôi có chọn một nhóm sinh viên để chứng minh suy nghĩ về sự thành công. Nhóm sinh viên tôi chọn chỉ học trung bình thôi, không xuất sắc trong học bạ. Nhưng khi tôi phỏng vấn trực tiếp các em này bộc lộ sự năng động, thể hiện có hoài bão hoặc có ấn tượng đặc biệt. Tôi chọn 80 em, chia ra 10 nhóm, giao cho mỗi nhóm 2 triệu đồng. Tôi ra đề bài, trong một tháng, các em phải lên được ý tưởng kinh doanh và cho 2 triệu đồng này sinh lời. Tôi sẽ chấm điểm trên 3 khía cạnh: ý tưởng sáng tạo, sinh lời nhiều và rút ra bài học. Thế là đội nào cũng làm ra lời, ít nhất cũng được 1 triệu.
Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của nhà trường là tạo môi trường, sân chơi để sinh viên ngoài kiến thức chuyên môn, có những trải nghiệm về cuộc sống. Đây là một phần của đào tạo mà đại học xưa nay quên lãng.
Tôi cho rằng mục tiêu của đại học là đào tạo con người với kiến thức toàn diện chứ không phải chỉ đào tạo để sinh viên có kiến thức chuyên môn cần thiết.
Với mục tiêu như vậy, liệu có tương thích với các chương trình đào tạo giáo dục đại học ở VN hiện nay?
Có. Nhưng chương trình của mình quá đặt nặng chuyên môn. Quên mất phần toàn diện. Thay vì tập trung một tuần 100% dạy kiến thức chuyên môn, thì nên 60% là chuyên môn, 40% là tạo cơ hội cho các em sinh hoạt, tạo môi trường.
Nhiều trường đại học không có nơi nào để sinh viên tự học nhiều. Thư viện cũng chỉ để cho có vì đó là bắt buộc, chứ không tập trung thiết kế một không gian để sinh viên tự học. Nếu nói đào tạo một con người trưởng thành toàn diện, thì một trong những mục tiêu là khả năng giao tiếp bạn bè... Hoặc một không gian khuyến khích sinh viên học suốt đời. Nói thẳng, trước đây chúng ta đặt quá nặng chuyên môn và lý thuyết, cứ nghĩ điều ấy tốt.
Được biết, vài năm trước ông được mời về nước làm tại Viện Khoa học và công nghệ tính toán (thuộc UBND TP.HCM). Lý do nào ông quyết định làm giáo dục?
Cách đây 7 - 8 năm, khi làm ở Viện Khoa học và công nghệ tính toán, tôi nhận sinh viên từ trường đại học Sư phạm, Khoa học Tự nhiên… Tôi đào tạo các sinh viên này kỹ năng nghiên cứu 6 tháng đến 1 năm, các em nghiên cứu không thua ai.
Tôi làm một thí nghiệm, từ khi Viện đi vào hoạt động 2009, tôi thấy từ lúc các em sinh viên vào, các em nghiên cứu được, viết báo được, điều đó chứng minh không phải con người của mình yếu mà các em thiếu môi trường. Tôi tìm hiểu thêm về đại học, một sinh viên trung bình ở VN khi qua nước ngoài rất giỏi. Vậy phải chăng môi trường đào tạo của mình có vấn đề, chứ không phải con người có vấn đề? Từ đó tôi muốn hiểu sâu hơn về giáo dục tại VN. Nhưng nếu chỉ đứng bên ngoài thì chỉ cưỡi ngựa xem hoa, không thể biết tường tận được.
Xin cám ơn giáo sư!
Giáo sư Trương Nguyện Thành (57 tuổi) được sinh ra và lớn lên tại Bình Định, là con thứ hai trong một gia đình có 7 anh em.
Chuyện khai mở của 'Giáo sư quần đùi'5
Năm 1980, ông cùng hai anh em trai đi Mỹ.
Năm 1985, tốt nghiệp Đại học North Dakota loại giỏi, ngoài bằng hóa học, còn lấy luôn 4 bằng phụ về lý, toán, kế toán và công nghệ thông tin.
Năm 1990, nhận học vị tiến sĩ, và giành được Giải thưởng của Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ. Sau đó, học tiếp sau tiến sĩ ngành mô phỏng cơ cấu sinh lý.
Năm 1992, làm giáo sư chính thức giảng dạy môn hóa lượng tử tại Đại học Utah.
Năm 1993, đoạt giải “Một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ”.
Năm 2002, được phong Giáo sư cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp giáo sư ở Mỹ) khi mới 41 tuổi.
Từ 1992 đến nay đã có hơn 200 bài báo được in trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Năm 2005 được Phó chủ tịch UBND TP.HCM khi đó là TS Nguyễn Thiện Nhân (nay là Bí thư Thành ủy TP.HCM) mời về nước để diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán. Sau đó, GS Thành được mời lập đề án thành lập Viện Khoa học và công nghệ tính toán TP.HCM.
Từ cuối năm 2016 đến nay, làm Phó hiệu trưởng điều hành Trường đại học Hoa Sen. Ông hay được gọi là “giáo sư quần đùi” sau lần xuất hiện trong trang phục quần ngắn và áo rách trong một buổi nói chuyện với sinh viên về sự khai mở, sáng tạo.
Người truyền cảm hứng
Người truyền cảm hứng7
Tôi cũng từ Mỹ về VN làm việc. Tôi biết anh Thành là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực mô hình toán học của Đại học Utah, Mỹ.
Tôi đã gặp anh một số lần và nhận thấy anh có bề dày về các vấn đề xã hội từ kinh nghiệm tự lập ở VN và Mỹ.
Anh nhạy bén trong tư duy giáo dục và cũng như nhiều người, anh có ước vọng thay đổi giáo dục đại học tại VN theo chiều hướng tiến bộ của Mỹ.
Tiếp cận của anh hiện nay là người truyền đạt thông tin và cảm hứng cho cộng đồng.
Anh hiện làm Phó hiệu trưởng Đại học Hoa Sen. Mong rằng anh sẽ hiện thực được những lý tưởng giáo dục của mình ở đây và xa hơn nữa.
TS Nguyễn Đức Thái 
(Cố vấn khoa học, Trường ĐH Y Dược TP.HCM)
Nguyễn Thị Bảo Yến
Nguồn năng lượng dồi dào
“Giáo sư quần đùi” Trương Nguyện Thành không còn xa lạ gì nữa với các bạn trẻ và đặc biệt là sinh viên Trường đại học Hoa Sen. Điều khiến sinh viên ấn tượng về thầy nhất chính là nguồn năng lượng dồi dào. Bất kể thời điểm nào gặp thầy cũng nhận được nụ cười rạng rỡ quen thuộc.
Thầy đã mang đến một làn gió tươi mới từ nhiều buổi hội thảo, cuộc thi thiết thực cho sinh viên. Cụ thể gần đây nhất là các cuộc thi về khởi nghiệp. Ngoài ra, thầy đã tạo ra gói học bổng tinh hoa với mong muốn tìm ra và phát triển những cá nhân có tố chất đặc biệt. Vì vậy mà cách thức tuyển chọn cũng cực kỳ đặc biệt.
Sinh viên rất mến thầy, thầy luôn như một ẩn số thú vị khiến sinh viên tò mò và tự đặt câu hỏi sắp tới thầy sẽ làm những điều gì khác biệt nữa?
Nguyễn Thị Bảo Yến 
(Sinh viên ngành marketing - Trường đại học Hoa Sen)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.