Chuyện khó tin của Liên đoàn Bóng đá Hà Nội

06/07/2020 08:55 GMT+7

Sau 14 năm... không hoạt động, Liên đoàn Bóng đá Hà Nội (HNFF) sẽ tổ chức đại hội để bầu Ban chấp hành cũng như bộ máy lãnh đạo và nhất định sẽ không đi lại vết xe đổ của nhiệm kỳ cũ.

Bóng đá Việt Nam có những chuyện vô cùng hy hữu và khó tin. Một tổ chức xã hội nghề nghiệp như HNFF, trực thuộc một địa phương đầu tàu về thể thao đỉnh cao trong cả nước nhưng suốt gần 1 thập niên rưỡi qua, gần như ngưng trệ toàn bộ mọi hoạt động. Không hề có bất kỳ một kế hoạch nào về bóng đá phong trào lẫn đỉnh cao, các ban bệ không phối hợp hành động, không chỉ tiêu, không định hướng. Nói tóm lại chỉ gần như một con số 0 tròn trĩnh. Tại sao lại có chuyện lạ đời như thế?

Xin giải thể và trả lại con dấu

Cách đây 2 năm, Báo Thanh Niên từng có bài viết đề cập việc HNFF bị giải thể. Ngày 2.5.2002, UBND TP.Hà Nội ra quyết định thành lập HNFF nhiệm kỳ 2002 - 2006 với chủ tịch là ông Nguyễn Quốc Triệu (thời điểm đó giữ chức Chủ tịch UBND TP.Hà Nội). Đến năm 2004, ông Nguyễn Quốc Triệu chuyển công tác và ủy quyền điều hành công việc cho đội ngũ lãnh đạo HNFF còn ở lại. Tuy nhiên, HNFF như rút vào “bí mật” và suốt nhiều năm ròng rã, được biết Ban Chấp hành (BCH) HNFF chỉ có 1 - 2 phiên họp rồi sau đó... ngưng. Đáng nhẽ khi hết nhiệm kỳ vào năm 2006 phải tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 2007 - 2010 nhưng đại hội đã không được tổ chức theo đúng lịch trình.
Cuối tháng 3.2018, trong công văn gửi Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động, ông Nguyễn Quốc Triệu nêu ý kiến về việc “BCH HNFF không hoạt động, khi hết nhiệm kỳ không tổ chức đại hội”. Do đó, BCH HNFF nhiệm kỳ 2002 - 2006 xin giải thể, trả lại con dấu. Đồng thời cũng đề nghị Sở VH-TT Hà Nội tổ chức vận động, tổ chức Đại hội HNFF nhiệm kỳ 2018 - 2022. Mặc dù HNFF vận động để tổ chức đại hội nhằm thành lập bộ máy mới song nó đã không thể diễn ra ngay trong năm 2018 với nhiều lý do khác nhau, trong đó vướng mắc nhất là chưa thể hoàn tất cơ cấu nhân sự lãnh đạo.
Chuyện khó tin của Liên đoàn Bóng đá Hà Nội

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT, sẽ kiêm Chủ tịch HNFF?

ẢNH: VIỆT TÚ

“Kết duyên” với bầu Hiển

Ngày 5.7, chia sẻ với Báo Thanh Niên, ông Tô Văn Động cho biết kế hoạch tổ chức đại hội đã được Thành ủy, UBND TP.Hà Nội phê duyệt, cả về cơ cấu nhân sự dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 7. “HNFF cũ đã được giải thể nên nhân sự sẽ được thay thế 100%”, ông Động nói. Vị này thừa nhận việc HNFF không hoạt động trong từng đấy năm trời đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và phong trào phát triển của bóng đá Hà Nội. Nhiều cầu thủ nổi tiếng như Đức Huy, Đình Trọng, Quang Hải cũng xuất thân từ lò Hà Nội khi họ còn nhỏ. Sau đó, vì không hoạt động nên HNFF đã bàn giao lại lứa cầu thủ này cho CLB Hà Nội T&T (tiền thân của đội Hà Nội).
Giống như Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) từng gặp khó khăn trong việc đi tìm “minh chủ” khiến Đại hội VFF nhiệm kỳ 7 rồi sau đó cả nhiệm kỳ 8 cũng phải hoãn đi hoãn lại mấy lần, HNFF cũng phải “đốt đuốc” nhằm chọn lựa được tân chủ tịch vừa có tâm vừa có tầm, gánh vác được công việc bộn bề mà nhiệm kỳ cũ từ mười mấy năm trước để lại (!?). Được biết, Thành ủy đã phê duyệt dự án nhân sự bộ máy cấp thượng tầng của HNFF khóa 2020 - 2024. Chủ tịch HNFF dự kiến sẽ là ông Tô Văn Động, và hai phó chủ tịch, dự kiến một là ông Nguyễn Xuân Vũ, người đang phụ trách một CLB bóng đá, hai là một doanh nhân thuộc doanh nghiệp Việt - Nhật.
Một lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội cho biết: “Do chưa tìm được người đứng mũi chịu sào nên tạm thời giám đốc sở phải kiêm nhiệm. Nhưng sẽ cố gắng tìm lãnh đạo phù hợp để chuyển giao sớm. Quan trọng là phải bắt tay ngay đào tạo trẻ vì đó là sự sống còn của bóng đá thủ đô. Hiện nay, cơ sở vật chất cho bóng đá trẻ của Hà Nội còn nghèo nàn, thiếu thốn. Vì thế, HNFF sẽ xin chủ trương, xin cơ chế để được cấp đất xây dựng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Còn bóng đá đỉnh cao, sẽ giao cho phía bầu Hiển. Chúng tôi sẽ cố gắng phối kết hợp chặt chẽ với Tập đoàn T&T và CLB Hà Nội để bóng đá Hà Nội có hướng phát triển đồng đều, mạnh cả về phong trào lẫn đỉnh cao”.
LĐBĐ địa phương có nơi mạnh, có nơi tồn tại cho có
LĐBĐ địa phương có nơi mạnh, có nơi tồn tại cho có

HFF luôn đẩy mạnh bóng đá học đường xuyên suốt 10 năm qua

ẢNH: HFF

Hiện tại, VFF có 63 tổ chức thành viên, trong đó có 19 LĐBĐ địa phương. Mạnh nhất trong số này là LĐBĐ TP.HCM (HFF) hoạt động rất tốt, tổ chức nhiều sân chơi phong trào, bóng đá nữ và futsal. Đặc biệt, HFF liên kết với CLB Lyon (Pháp) đào tạo trẻ, dự kiến sẽ cho ra lò lứa đầu trong 2 - 3 năm nữa. HFF hiện còn phát triển tốt bóng đá học đường với chương trình “Bóng đá vì ngày mai” do chuyên gia Đoàn Minh Xương phụ trách thu hút 100% số trường tiểu học và trung học cơ sở tham gia, nhằm ươm mầm cho các tài năng. HFF cũng liên kết với nhiều trung tâm bóng đá cộng đồng phát triển chân đế rất mạnh. HFF cũng là đơn vị tự chủ về tài chính, bộ máy có thu nhập riêng, không lệ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Một số LĐBĐ cũng đang có hoạt động tương đối như Bình Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Long An, Lạng Sơn, Bình Định, Thái Nguyên, Tây Ninh, Đồng Tháp, Thừa Thiên-Huế, số khác thì gần như chỉ mới tồn tại nhưng chưa có đóng góp gì nhiều như Quảng Ngãi, Kon Tum, Lâm Đồng… Bất ngờ là có rất nhiều địa phương có đội bóng mạnh lại không có LĐBĐ như: Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Nam, Nam Định, Gia Lai, Khánh Hòa, An Giang...
T.K
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.