Chuyện kỳ cục trong nhập khẩu thực phẩm: Nhập thịt bẩn vẫn cố cãi!

24/07/2009 00:45 GMT+7

Ngày 23.7, hơn 50 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu thịt đông lạnh đã có cuộc gặp với lãnh đạo Cục Thú y, Trung tâm Thú y vùng VI về việc siết chặt những quy định nhập khẩu thực phẩm do những vi phạm rộ lên trong thời gian gần đây.

Chống chế

Cuộc gặp gỡ sáng qua như là dịp để các DN nhập khẩu thịt đông lạnh trút nỗi lòng sau một thời gian bị cơ quan chức năng mạnh tay kiểm soát và báo chí cũng có nhiều thông tin phản ánh. Nỗi băn khoăn của DN, có lẽ xuất phát từ 2 văn bản tăng cường quản lý mới đây của Cục Thú y.

* "Không thể nào sản phẩm người ta ghi rõ không sử dụng cho người mà chúng ta lại mang về ăn. Không thể nào sản phẩm kiểm tra nhiễm vi sinh gấp 2 - 3 lần mà vẫn đem ra thị trường. Cục Thú y luôn cầu thị, ghi nhận ý kiến của DN để quản lý tốt hơn, nhưng chúng ta phải chú trọng lợi ích của người tiêu dùng".

Ông Mai Văn Hiệp - Cục phó Cục Thú y (Bộ NN-PTNT)

* "Vừa qua, có một số lô hàng nhập khẩu từ Mỹ không ghi hạn sử dụng. Vì vậy lực lượng thú y dựa vào tiêu chuẩn VN để áp dụng, theo đó hạn sử dụng tối đa từ 12 - 18 tháng, tồn kho vượt quá quy định thì phải xử lý tiêu hủy. Không có loại thực phẩm nào mà lưu trữ vô hạn cả".

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó giám đốc Trung tâm Thú y vùng VI

Theo đó, Cục Thú y đề nghị các công ty không nhập khẩu sản phẩm pín và nội tạng động vật để làm thực phẩm cho người (trừ tim, gan, thận thì được kiểm dịch nhập khẩu, nhưng phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y theo quy định). Ngoài ra những lô hàng không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định của Bộ Y tế thì không được nhập khẩu vào VN mà phải tái xuất về nước xuất khẩu, hoặc phải chuyển mục đích sử dụng, hoặc phải tiêu hủy theo quy định. Nghĩa là không chấp nhận việc chiếu xạ các lô hàng bị nhiễm khuẩn vượt quá quy định như trước.

 Đại diện Công ty Cosimex (Vũng Tàu) biện bạch: "Nhiều khách hàng nước ngoài than phiền rằng các quy định về nhập khẩu thực phẩm của VN rất khó khăn, bên cạnh đó thị trường thịt nhập khẩu của VN còn nhỏ so với các thị trường khác, vì vậy họ không chấp nhận việc tái xuất. Nếu bị tái xuất, thì DN nhập khẩu sẽ thiệt hại rất lớn, bởi vì chưa chắc đối tác xuất khẩu chịu trả lại tiền". Đại diện Công ty TNHH Đông Á cũng nêu thắc mắc: "Cơ quan nào sẽ có chức năng quyết định lô hàng nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn? Để có được kết quả xét nghiệm chính xác được nước ngoài công nhận thì phải có một phòng thí nghiệm đạt chuẩn. Đâu phải cứ nói tái xuất là tái xuất được, phải có cơ sở chứng minh với đối tác nước ngoài chứ! Đó là chưa kể quy trình lấy mẫu ở cảng cũng không đảm bảo độ chính xác".

Bà Minh Hiền - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu của Công ty Vissan phát biểu: "Cục Thú y cần xem xét lại quy định không cho chiếu xạ. Nhiều nước xuất khẩu nói rằng quy định kiểm soát của VN quá khó, nên họ đã ngưng cung cấp nguyên liệu thực phẩm chế biến. Như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN trong khi họ đã nhận đơn hàng, đã nhận tiền".

 
Kiểm tra thực phẩm nhập khẩu của công ty Vinafood - Ảnh: Q.T

Một DN còn "năn nỉ": "Tôi khảo sát thực phẩm ngoài chợ, thấy rằng quản lý chất lượng thịt "nội" của chúng ta còn lỏng lẻo, trong khi thịt "ngoại" được đóng gói theo quy trình kỹ lưỡng, tại sao lại làm khó thịt "ngoại" như vậy? Việc buộc tái xuất hàng đã nhập khẩu là xem như DN gánh chịu hết mọi thiệt hại, cần phải nới lỏng quy định này". Công ty cổ phẩn thực phẩm Vinafood, đơn vị bị phát hiện nhiều sai phạm trong thời gian qua cũng cố gắng chống chế: "Chúng tôi nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ, Canada, đây là những nước có quy định an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt. Họ cũng nói nếu sản phẩm của họ giữ lạnh ở nhiệt độ -18oC thì có thể bảo quản lâu dài, vì vậy dựa vào đâu mà cho rằng sản phẩm của chúng tôi quá hạn?".

Ưu tiên số 1: Bảo vệ người tiêu dùng

Trước hàng loạt những thắc mắc của DN, bà Trương Thị Kim Châu - Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM giải đáp: "Là cơ quan quản lý, chúng ta phải đặt quyền lợi của người tiêu dùng VN lên trên hết, vì vậy tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu vào VN cũng phải được đặt ngang hàng với các nước châu u hoặc Mỹ. Như thế vai trò người gác cửa Nhà nước cũng phải hết sức nghiêm ngặt. Không thể nói vì chúng ta còn ăn thịt "bụi" mà lơi lỏng chất lượng hàng nhập khẩu. Sản phẩm động vật nhập về không đạt chuẩn thì nhất định phải tiêu hủy. Các đợt kiểm tra gần đây cho thấy các DN đa số vi phạm về nhãn mác và hạn sử dụng. Nhãn phụ do DN dán lên thường khác đi so với hạn sử dụng của nhà sản xuất. Quy định về dán nhãn chúng tôi đã triển khai cho DN từ trước".

 
Chân, cánh gà được bày bán kiểu này khiến người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là hàng nhập khẩu kém chất lượng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó giám đốc Trung tâm Thú y vùng VI, phát biểu: "Là cơ quan làm việc thường xuyên với DN nhập khẩu thịt động vật, tôi cũng nhìn nhận những thiếu sót của lực lượng thú y. Hiện trung tâm chỉ có 4 cán bộ ở cảng, trong khi hằng ngày có đến 50 - 60 lô hàng nhập khẩu. Ngoài ra, trung tâm cũng chưa có xe đông lạnh chuyên dụng để lấy mẫu từ cảng mang về trụ sở để xét nghiệm. Về việc thực thi 2 công văn mới của Cục Thú y, thật sự vẫn có những khó khăn. Vừa qua các sản phẩm chiếu xạ đều chưa dán nhãn đúng theo quy định của Bộ Y tế, sắp tới phải khắc phục chuyện này".

Ông Tạ Trọng Khang - Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương, bổ sung: "Hiện nay các vi phạm là do các DN còn thờ ơ với vấn đề dán nhãn, thường giao cho nhân viên cấp dưới phụ trách. DN coi đây là vấn đề nhỏ, nhưng khi bị phát hiện thì đó là chuyện lớn".      

 Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.