Chuyện mùa thi: Những câu văn "kinh dzị"!

11/06/2008 22:54 GMT+7

Tôi gặp cô N.T.M.H - giáo viên môn Văn của một trường khá danh tiếng ở Quảng Ngãi - khi cô vừa chấm thi tốt nghiệp THPT trở về. Cô kể năm nay lại xuất hiện những câu văn "kinh dzị" của các thí sinh thể hiện trong bài thi.

Ở câu 1 (Đề I) - đề thi dành cho học sinh không phân ban: "Theo anh/chị, Enxa Tơriôlê có vai trò như thế nào trong cuộc đời và thơ ca của Lui Aragông?". Sau khi "tán hươu tán vượn" về mối tình của nàng Enxa và nhà thơ, một thí sinh đã viết trong bài làm của mình: "Aragông đã từng tham gia Cách mạng Tháng 8.1945 " . Trong câu 2, khi suy nghĩ về nhan đề tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, có thí sinh viết: "Trăng ơi trăng không tròn - Nếu như trăng không tròn còn gì gọi là trăng !".

Câu 3b - II (đề thi dành cho học sinh phân ban) yêu cầu phân tích tâm trạng nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Một thí sinh đã đưa ra lời bình "hiểu chết liền" về cụ Tứ (mẹ nhân vật Tràng): "Bà cụ Tứ là một người già hết rồi đã hết sức lao động không còn để giữ lại cho đời để sống qua ngày, qua những dan lào (gian lao - NV) để tìm cái trước mắt của nó đả (đã) xảy ra còn tồn tại". Ở một bài làm khác, thí sinh nhận xét về nhân vật Tràng như sau: "Tràng ngỡ ngàng ngạc nhiên vì lần đầu tiên ngủ với 1 người đàn bà không phải là mẹ của mình". Cũng với đề thi này, thí sinh khác lại viết: "Tràng là một người lính đi qua xóm ngụ cư thấy người chết như ngả rạ anh than thở: như thế này thì chẳng mấy chốc không còn người nào!".

Song, những câu văn trên vẫn chưa gây "sốc" bằng câu 3 (Đề I, dành cho học sinh không phân ban). Đề bài yêu cầu phân tích một đoạn thơ trong bài Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm. Nhiều thí sinh lại nảy ra nhiều "ý tưởng" trong việc phân tích các câu thơ: "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" trong bài làm của mình: "Nhà thơ muốn nói đến quá khứ của con lợn. Gà lợn có nét mặt rất tươi trong" hay "Tranh Đông Hồ gà lợn rất ô nhiễm. Thực chất lợn ở đây chính là hình ảnh ẩn dụ - Lợn là phần nhỏ mà phần lớn là chỉ về con người".

Đến đoạn "Ruộng ta khô/Nhà ta cháy/Chó ngộ một đàn/Lưỡi dài lê sắc máu", lại xuất hiện nhiều câu văn phân tích "rùng mình" như: "Ruộng ta rất khô, ruộng ta rất rộng và to làm cho người nông dân cảm thấy rất vất vả, mệt mỏi khi thấy đám ruộng to như thế, nhà ta là cái nhà rất to, "nhà ta cháy" thì người nông dân đến để chữa cháy, làm cho ta cảm thấy mệt chán, làng khói (làn khói - NV) làm cho mọi người xung quanh cảm thấy rất khó chịu muốn dập lửa nhưng mà khó chữa được, người chạy trước người chạy sau ". Có thí sinh còn sa vào miêu tả đàn chó: "Chó rất nhiều, nhiều con chó rất hung dữ, chó 1 đàn lưỡi rất dài, dài đến nỗi ta không thể tưởng tượng được "hoặc" Chó ngộ là ngộ cả bầy. Chó ngộ một đàn khô là chính cửa điệp từ này đã giúp ông trong việc thi đua học tập"; "Lưỡi dài lê sắc máu: đổi màu máu trở thành màu của thiên nhiên rất phong phú về quê hương, đất nước trong sự đổi mới của văn học Việt Nam". Chuyển sang phân tích những câu thơ cuối trong đoạn thơ "Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang/Mẹ con đàn lợn âm dương chia lìa đôi ngả/Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã/Bây giờ tan tác về đâu", có lẽ vì chợt nhớ đến nhà thơ Hoàng Cầm, tác giả của bài thơ, thí sinh trình bày: "Nói đến cuộc đời của ông là nói đến 1 trong những bài văn mà ta đã làm trong những ngày thơ ấu. Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang trong truyện này ông đã để lại cái mà ông rất mong muốn đối với 1 cuộc đời đầy sóng gió"; "Đám cưới chuột là cánh đồng lúa chín vàng no nê ăn chơi, sa đọa, thoải mái...".

Có lẽ không cần phải bình luận gì thêm về những câu văn "cười ra nước mắt" này!

Thủy Thanh (lược ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.